13:01
Vụ Huyền Như:'Siêu lừa' 4.000 tỷ lãnh án tù chung thân
- Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, Huỳnh Thị Huyền Như bị HĐXX tuyên phạt mức án tù chung thân. Bên cạnh đó, xét thấy Vietinbank hoàn toàn không hay biết quá trình Huyền Như lừa đảo nên tòa tuyên án Vietinbank không phải bồi thường.
Sáng nay (27/1), TAND TP.HCM đã tuyên án đối với Huỳnh Thị Huyền Như và 22 đồng phạm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn nhất từ trước đến nay.
HĐXX căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa có đủ cơ sở kết luận Huỳnh Thị Huyền Như đã sử dụng thủ đoạn gian dối, làm giả con dấu và tài liệu của cơ quan tổ chức để các đơn vị, cá nhân chuyển tiền rồi chiếm đoạt. Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Hành vi phạm tội của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hàng loạt khách thể được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của các đơn vị kinh tế, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, làm mất đi hàng loạt các cán bộ ngân hàng có năng lực do tin tưởng bị cáo Như dẫn đến sai phạm.
Vụ án cũng nhận thấy một thế lực đen trong hoạt động tín dụng cần phải được xử lý nghiêm, lập lại kỷ cương pháp luật.
Tuy nhiên cũng cần xem xét một số tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, thành khẩn nhận tội...Tuy nhiên, hành vi phạm tội của bị cáo Như gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Theo đó, HĐXX tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như mức án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 6 năm tù về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức", tổng hợp hình phạt là tù chung thân. HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt hơn 3.986 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Võ Anh Tuấn - nguyên Phó Giám đốc Vietinbank - chi nhánh Nhà Bè, HĐXX xét thấy Tuấn biết việc làm sai trái của Như khi giả danh nhân viên Vietinbank - chi nhánh Nhà Bè để huy động vốn của 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên nhưng không ngăn chặn mà sau đó còn hứa sẽ dàn xếp, đôn đốc Như thanh toán.
Do đó, không có cơ sở chấp nhận lời bào chữa của luật sư cho rằng Tuấn không biết Như lừa đảo, không có hành vi giúp sức Như chiếm đoạt hơn 1.600 tỷ đồng.
Hành vi của bị cáo Võ Anh Tuấn đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên phải xử lý nghiêm. Từ đó, HĐXX tuyên phạt Võ Anh Tuấn 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
HĐXX cũng tuyên phạt các bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh (chị gái Huyền Như) 14 năm tù, Trần Thị Tố Quyên 14 năm tù cùng về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Đối với Phạm Anh Tuấn - nguyên giám đốc Công ty Thái Bình Dương, HĐXX xét thấy dù không có chức năng kinh doanh tiền tệ nhưng Phạm Anh Tuấn vẫn ký hợp đồng đầu tư tiền gửi vào Vietinbank thông qua Huyền Như. Có đủ cơ sở kết luận bị cáo Phạm Anh Tuấn đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thu lợi bất chính 72,8 tỷ đồng, gây thiệt hại 80 tỷ đồng. Từ đó, HĐXX tuyên phạt Phạm Anh Tuấn mức án 14 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Đối với nhóm bị cáo vị truy tố về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", HĐXX xét thấy không có cơ sở chấp nhận lời bào chữa của các luật sư khi cho rằng Vietinbank không bị thiệt hại nên không có cở sở truy tố các bị cáo. Bởi theo HĐXX, theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự thì chỉ cần hành vi của các bị cáo "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" chứ không quy định gây hậu quả cụ thể cho bên nào. Việc các bị cáo đã bỏ qua các quy định cơ bản, cần thiết đã tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt tài sản của các đơn vị, cá nhân. Vietinbank không bị thiệt hại nhưng ACB, Navibank,VIB...bị thiệt hại. Do đó, có đầy đủ căn cứ không chấp nhận quan điểm bào chữa của các luật sư. Từ đó, HĐXX tuyên phạt Huỳnh Hữu Danh 17 năm tù, Trần Thanh Thanh 10 năm tù, Tống Nguyên Dũng 15 năm tù, Đoàn Lê Du 17 năm tù, Huỳnh Trung Chí 15 năm tù, Bùi Ngọc Quyên 14 năm tù, Hoàng Hương Giang 8 năm tù, Vũ Nguyễn Xuân Tiên 11 năm tù, Nguyễn Thị Phúc Ngân 15 năm tù, Phạm Thị Tuyết Anh 15 năm tù cùng về tội danh trên. Liên quan đến vụ án, các bị cáo bị cáo Lương Thị Việt Yên bị tuyên phạt 7 năm tù, Hồ Sỹ Hải 6 năm tù, Lê Thị Ngọc Lợi 4 năm tù cùng về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thiên Lý 2 năm tù về tội "cho vay lãi nặng", tổng hợp với 4 năm tù từ một bản án trước đó thành 6 năm tù. Tuyên phạt Hùng Mỹ Phương 2 năm 3 tháng 10 ngày (bằng thời gian tạm giam), Phạm Văn Chí 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội "cho vay lãi nặng". Riêng hai bị cáo Đào Thị Tuyết Dung và Nguyễn Thị Lành lần lượt lãnh án 12 và 9 năm tù cùng về hai tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "cho vay nặng lãi". Tòa cũng tuyên buộc các bị cáo cho vay nặng lãi phải nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính. Đây là vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" lớn nhất từ trước đến nay với số tiền bị chiếm đoạt lên tới gần 4.000 tỷ đồng.
Theo đó, có 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân được xác định là nguyên đơn dân sự và bị hại trong vụ án. Vụ án có tới 79 đơn vị, cá nhân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, phiên tòa có 48 luật sư tham gia.
Phiên tòa bắt đầu diễn ra từ ngày 6/1, do thẩm phán Nguyễn Đức Sáu - Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa phiên tòa.
"Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như và 22 đồng phạm hầu tòa với 6 tội danh gồm: "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", "vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "cho vay nặng lãi", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Quá trình xét xử, Huỳnh Thị Huyền Như thừa nhận toàn bộ nội dung bản cáo trạng truy tố. Theo đó, đầu năm 2007, khi là cán bộ tín dụng tại ngân hàng VietinBank, để có tiền kinh doanh bất động sản và chứng khoán, nữ "siêu lừa" đã chấp nhận vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi với lãi suất từ 0,4 đến 5%/ngày để lấy vốn làm ăn, tổng số tiền nợ lên tới hơn 200 tỷ đồng. Năm 2010, khi thị trường chứng khoán và bất động sản xuống dốc, trong chốc lát nữ "siêu lừa" bị rơi vào vòng xoáy tín dụng đen. Để có tiền trả nợ, từ tháng 3/2010 – 9/2011, Như đã giả danh Vietinbank để huy động vốn với lãi suất cao sau đó lừa đảo chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân tổng cộng 3.986 tỷ đồng.
Cuối năm 2011, một số đơn vị, cá nhân làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của Như đến cơ quan công an. Người đàn bà với biệt danh "siêu lừa" bị bắt khi đang mang thai tháng thứ ba.
Phiên tòa xét xử Huyền Như và đồng phạm đặc biệt gay cấn liên quan đến phần trách nhiệm bồi thường khoản tiền gần 4.000 tỷ đồng. Đại diện Vietinbank cho rằng do Huyền Như giả danh Vietinbank để lừa đảo, Vietinbank hoàn toàn không biết, không liên quan đến vụ án nên Vietinbank không có trách nhiệm bồi thường khoản tiền "khủng" trên.
Tuy nhiên, hầu hết nguyên đơn dân sự, bị hại lại cho rằng người họ thực hiện giao kết hợp đồng gửi tiền không phải là cá nhân Huyền Như mà là Vietinbank, từ sự quản lý lỏng lẻo của Vietinbank; Huyền Như là người của pháp nhân Vietinbank...nên Vietinbank phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong vụ án.
Trước đó, trong phần phát biểu quan điểm về vụ án, VKS đã đề nghị tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank - chi nhánh Nhà Bè) mức án kịch khung là tù chung thân cùng về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
VKS cũng đề nghị mức án với các bị cáo còn lại. Về phần trách nhiệm dân sự, VKS cho rằng Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt chứ không phải Vietinbank.
Sau khi VKS đưa ra quan điểm, phần tranh luận giữa các luật sư và VKS diễn ra vô cùng căng thẳng. Hầu hết luật sư đã kịch liệt phản đối quan điểm trên, cho rằng quan điểm của VKS chưa đánh giá đúng bản chất của vụ án.
Trước tình hình trên, HĐXX nhận định đây là vụ án vô cùng phức tạp nên cần phải nghị án kéo dài. Ngày 27/1, HĐXX đưa ra phán quyết không chỉ về mức án với 23 bị cáo mà còn phán quyết về trách nhiệm bồi thường khoản tiền gần 4.000 tỷ đồng.
(Theo VietNamnet) M.Phượng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét