Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

09:42

 “Kiểm tra, giám sát Táo quân 2014” - Thông điệp… phủi trách nhiệm? 


(Dân trí) - Đọc công văn của Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch đề nghị kiểm tra, giám sát nội dung chương trình “Gặp nhau cuối năm – Táo quân 2014” mà không thể không thốt lên, theo như lời Nhà báo Trần Đăng Tuấn là… vớ vẩn!


(Minh họa: Ngọc Diệp) 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Nội dung Công văn 136 do Thứ trưởng Vương Duy Biên ký ngày 16/1/2014 có đoạn: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kính đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc Trung tâm sản xuất phim truyền hình dàn dựng, tổ chức biểu diễn chương trình “Gặp nhau cuối năm - Táo Quân” theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật nhà nước, nội dung chương trình phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc để chương trình thực sự trở thành món ăn tinh thần cho khán giả mỗi dịp Tết đến Xuân về”.
Trên báo Thể thao & Văn hóa, bài “Táo quân 2014 chưa ghi hình đã bị 'đề nghị giám sát” còn cho biết năm ngoái, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã gửi công văn yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam giải trình vì thực hiện ghi hình tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội mà không qua thẩm định và cấp giấy phép.
Nói những nội dung công văn này vớ vẩn bởi mấy lẽ.
Trước hết, đó là địa chỉ nơi nhận: Ban Tuyên giáo Trung ương. Việc gửi Công văn tới Ban Tuyên giáo Trung ương hình như lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch không hiểu hoặc cố tình không hiểu rằng Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan của Đảng với chức năng lãnh đạo về tư tưởng, chủ trương đường lối chứ tuyệt nhiên không cầm tay chỉ việc và đặc biệt là không làm thay. Trong khi đó, đây là chính là nhiệm vụ của Bộ VH-TT&DL. Với chức năng quản lý nhà nước, Bộ hoàn toàn đủ thẩm quyền để thực thi công việc theo qui định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc này hoàn toàn có thể chỉ là trò “đá quả bóng” có tên là “trách nhiệm” sang cho Ban Tuyên giáo hay nói cách khác, đây là “thông điệp” phủi trách nhiệm rằng “chúng tôi đã có ý kiến”, “chúng tôi đã cảnh báo”, “chúng tôi đã..."  vân vân và vân vân
Trên một diễn đàn mạng xã hội, Nhà báo Trần Đăng Tuấn – Nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, một trong những người nhiều năm gắn bó với chương trình “Gặp nhau cuối năm” đã viết:

Vớ vẩn quá. Về cái chuyện xin giấy phép thì có cái thực tế là nếu ghi hình ở studio trong Đài thì là thực hiện ghi hình chương trình truyền hình, không phải xin phép. Theo luật, tổng giám đốc các đài truyền hình chịu trách nhiệm về các chương trình ghi hình. Còn ghi ở ngoài Cung văn hoá thì chẳng qua cũng là mượn chỗ làm studio, không bán vé, chỉ mời khán giả để ghi hình, nhưng lại đòi cấp phép. Nếu nó có sai gì Tổng Giám đốc Đài chịu trách nhiệm, can gì đến quý Bộ? Nếu quý Bộ muốn bảo vệ văn hoá dân tộc, chống thô tục, không có thiếu việc để làm đâu”. 

Có thể nói tất cả các chương trình nói chung, Gặp nhau cuối năm nói riêng nếu vi phạm quy chế, sẽ cấm không cho phát hình hoặc phát rồi thì phạt hay xử lý theo luật. 

Về pháp lý, Đài Truyền hình Việt Nam là cơ quan thông tấn, hoạt động theo Luật. Về mặt tổ chức, Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam là Ủy viên BCH TW Đảng, Đài Truyền hình Việt Nam là cơ quan trực thuộc Chính phủ. 

Do đó, việc thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật nhà nước là trách nhiệm và chức năng của Đài Truyền hình Việt Nam mà đứng đầu là ông Tổng giám đốc Đài. 

Tóm lại, việc đề nghị “kiểm tra, giám sát chặt chẽ” vừa lấn sân, vừa có gì đó như để phủi trách nhiệm. 

(Theo Dân trí) Bùi Hoàng Tám

Tôi thấy “Ông” Bộ VHTTDL này chưa nhận rõ vị trí của mình. Sao Ông lại có cái quyền chỉ đạo Ban TGTW (đề nghị, thực ra là chỉ đạo)! Việc quản lý là của mình lại đi chỉ đạo cơ quan tham mưu của BCHTW Đảng, kỳ lạ quá đi mất!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét