Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

13:21

Có nhiều ngày nghỉ lễ, CPI tháng 1 vẫn tăng thấp

 

Mức tăng 0,69% được coi là khá thấp bởi tháng 1 năm nay được kỳ vọng giá cả sẽ tăng cao do trong tháng có các ngày nghỉ lễ lớn...

Có nhiều ngày nghỉ lễ, CPI tháng 1 vẫn tăng thấp 
Diễn biến CPI các tháng 1 kể từ năm 2009 đến nay.

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2014 đã tăng 0,69% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất của tháng 1 kể từ năm 2009. Như vậy, so với cùng tháng năm trước, CPI đã tăng 6,77%.

Mức tăng 0,69% được coi là khá thấp bởi tháng 1 năm nay được kỳ vọng giá cả sẽ tăng cao do trong tháng có các ngày nghỉ lễ có đà cho tăng giá như lễ Noel, tết dương lịch và nhất là thời điểm cận kề với Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. 

Ngoài ra, các đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, giá bán lẻ gas gần đây cũng là các cú hích trực tiếp đến giá cả hàng hóa trên thị trường.

Tuy nhiên, mức tăng CPI cả nước ở mức thấp này cũng phần nào ước lượng được khi mà trước đây vài ngày, thành phố Hà Nội và Tp.HCM đều đã công bố CPI tháng 1 năm nay chỉ tăng ở mức vừa phải, mà nguyên nhân chủ yếu đều do sức cầu tiêu dùng của dân cư vẫn ở mức thấp. 

Xét trên bình diện cả nước, như VnEconomy đã nhiều lần phân tích, sức mua của người dân vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Kết thúc năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước chỉ tăng 12,6%, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 5,6%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. 

Bước sang năm 2014, theo thông tin từ các siêu thị, doanh số bán hàng năm nay thấp hơn rất nhiều so với các năm trước tại Tp.HCM.

Trong tháng, có 10/11 nhóm hàng tăng giá so tháng trước, duy nhất nhóm bưu chính viễn thông không đổi so với tháng trước.

Tăng mạnh nhất trong tháng là nhóm giao thông với mức tăng 1,22% so với tháng trước. Do giá dầu thế giới tăng cao nên giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu đã được điều chỉnh tăng ngày 18/12/2013. 

Những tác động của đợt tăng giá này đã ảnh hưởng trực tiếp đến CPI tháng 1/2014. Ngoài ra, vào dịp Tết Nguyên đán, giá vé hành khách ở một số địa phương cũng được phép điều chỉnh tăng hơn so với ngày thường.

Giá dầu thế giới tăng cao cũng là nguyên nhân khiến giá gas bán lẻ trong nước tăng kỷ lục vào tháng trước. Dư âm của đợt tăng giá đó vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ khiến chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,02% bất chấp trong tháng có 1 đợt giảm giá gas nhẹ và giá các mặt hàng vật liệu xây dựng đang trong xu hướng giảm.

Cùng do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán, hai nhóm hàng đồ uống và thuốc lá và nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép có mức tăng so với tháng trước tương đương nhau 0,83% và 0,89%.

Mặc dù đang trong giai đoạn chuẩn bị đón Tết cộng với thời tiết nhiều đợt lạnh nhưng giá cả các mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép cũng chỉ tăng 0,89%, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Điều này phần nào phản ánh nhu cầu làm đẹp của người dân đã bị cắt giảm mà tập trung vào các nhu cầu thiết yếu khác.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng chỉ tăng 0,77% so với tháng trước trong đó lương thực tăng 1,33%, thực phẩm tăng 0,75% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,32%.

Nhu cầu giao lưu gặp gỡ cuối năm cũng giảm nên chỉ số giá nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình cũng chỉ tăng nhẹ 0,32%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của các mặt hàng lương thực, thực phẩm. 

Theo quan sát ở các khu phố âm thực ở Hà Nội và Tp.HCM, lượng khách của các nhà hàng hầu như không có đột biến so với ngày thường. Kinh tế khó khăn, buộc mọi người phải thắt chặt chi tiêu là nguyên nhân lý giải cho điều này.

Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá tiêu dùng là vàng và đô la Mỹ lại có diễn biến cùng chiều khi cùng giảm so với tháng trước ở các mức tương ứng 1,82% và 0,06%.
(Theo VnEconomy) Thái Hà  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét