Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

14:05

U-crai-na chao đảo vì gió Đông, gió Tây
QĐND - Ngày 24-1, những người biểu tình U-crai-na đã chiếm giữ Tòa nhà Chính phủ, đồng thời, duy trì việc chiếm đóng một số trụ sở cơ quan công quyền ở khu vực phía Tây nước này nhằm gây sức ép với Tổng thống Vích-to Y-a-nu-cô-vích (Viktor Yanukovich). Động thái trên diễn ra sau khi Tổng thống V.Y-a-nu-cô-vích và lãnh đạo các đảng đối lập nước này tiến hành cuộc đàm phán kéo dài 4 giờ vào tối 23-1 (giờ địa phương) nhưng chỉ đạt kết quả khá khiêm tốn. Cuộc đàm phán dự kiến sẽ còn tiếp tục trong vài ngày tới.
Theo Bộ trưởng Tư pháp U-crai-na, Ê-lê-na Lu-cát (Elena Lukas), tại cuộc đàm phán, Tổng thống V.Y-a-nu-cô-vích và lãnh đạo 3 đảng đối lập đã thảo luận việc người biểu tình phải rút ngay lập tức khỏi các khu vực đang phong tỏa trái phép, đồng thời, chính quyền sẽ xem xét thả những người biểu tình bị bắt. Các bên cũng xem xét về trách nhiệm của các cơ quan chính quyền trong những diễn biến vừa qua. Tuy nhiên, tại cuộc đàm phán, phe đối lập vẫn từ chối không đưa ra tuyên bố lên án những hành động cực đoan của người biểu tình, bao gồm cả việc chiếm giữ trụ sở các cơ quan chính quyền. Đồng thời, lãnh đạo phe đối lập cũng chưa thể trả lời câu hỏi liệu họ có thể kiểm soát được tình hình biểu tình trên đường phố thủ đô Ki-ép, tránh để xảy ra những hành động quá khích hay không?
Về phần mình, thủ lĩnh Đảng UDAR, nhà vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới Vi-ta-li Cli-xcô (Vitaly Klitschko) khẳng định, có cơ hội tìm kiếm một giải pháp để chấm dứt xung đột và hai bên có thể thay đổi được tình hình mà không cần đổ máu. Trong khi đó, lãnh đạo Đảng Tự do dân tộc Ô-lếch Ti-a-gni-bốc (Oleg Tyagnybok) cho biết, chính quyền U-crai-na cam kết sẽ thả những người bị bắt trước đó. Ngoài việc kêu gọi hàng chục nghìn người biểu tình rút khỏi thủ đô và không gây nhiễu loạn, ông Ô.Ti-a-gni-bốc cũng đưa ra đề xuất thiết lập "vùng đệm" giữa những người biểu tình và các lực lượng an ninh nhằm tránh những xung đột có thể xảy ra.
 
Tổng thống U-crai-na V.Y-a-nu-cô-vích (thứ hai, bên trái) trong cuộc gặp các thủ lĩnh phe đối lập tại Ki-ép, ngày 23-1. Ảnh: Roi-tơ.
Tuy nhiên, đó chỉ là kết quả khá khiêm tốn, chưa làm hài lòng những người thuộc phe đối lập. Vì vậy, ngay khi vòng đàm phán kết thúc, những người biểu tình chống chính phủ bắt đầu mở rộng khu vực cắm trại trên Quảng trường Độc Lập. Họ di chuyển các rào chắn lên phía trước, thậm chí, gần sát khu vực làm việc của tổng thống. Không khí căng thẳng bao trùm tại khu vực tâm điểm biểu tình. Lực lượng an ninh và người biểu tình đều đứng tập trung sau đường ranh giới định sẵn và không có bên nào bày tỏ dấu hiệu sẵn sàng rút lui.
Các cuộc biểu tình leo thang thành bạo lực trong những ngày qua là diễn biến bất ngờ tiếp theo của cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hai tháng ở U-crai-na, nhằm phản đối quyết định của Tổng thống V.Y-a-nu-cô-vích hủy ký Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU). Quyết định này đã trở thành “giọt nước tràn ly” trước những mâu thuẫn luôn âm ỉ trong xã hội U-crai-na.
Trong nhiều thập kỷ qua, U-crai-na luôn là sự tương phản của hai vùng rõ rệt. Đó là khu miền Tây và miền Trung, bao gồm cả thủ đô Ki-ép, giáp với châu Âu, chịu ảnh hưởng của nền chính trị phương Tây, theo quan điểm ủng hộ tăng cường liên kết với EU. Phần còn lại là vùng duyên hải dọc Biển Đen và miền Đông với nhiều yếu tố gắn với nước Nga và những hoài niệm về thời Liên bang Xô-viết. Với một vị trí địa-chiến lược nhạy cảm như vậy, U-crai-na luôn là địa bàn chứng kiến sự đối đầu giữa Nga và phương Tây. Không quá khó để giải thích việc Mỹ và các nước châu Âu quan tâm đặc biệt tới tình hình tại U-crai-na và liên tục thể hiện lập trường cứng rắn đối với chính quyền Ki-ép, coi việc trấn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ là hành động “đàn áp dân thường”. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, Ca-thơ-rin A-xtơn (Catherine Ashton), Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) và Phó tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn (Joe Biden) thậm chí còn thúc giục Tổng thống V.Y-a-nu-cô-vích chấm dứt một cách hòa bình cuộc khủng hoảng gây đổ máu tại quốc gia này, đồng thời, nêu rõ đối thoại là con đường duy nhất để tránh làm tình hình trở nên xấu hơn. Trong khi đó, Nga cũng lên tiếng cáo buộc phương Tây gây sức ép lên chính quyền Ki-ép…
Rõ ràng, đây không chỉ đơn thuần là cuộc chiến giành giật ảnh hưởng tại U-crai-na mà còn là một phiên bản của sự đối đầu Đông-Tây, vốn là bản chất của thời Chiến tranh Lạnh, vẫn đang tồn tại.
Tuy nhiên, suy cho cùng, “gió Đông” thổi bạt “gió Tây” hay “gió Tây” lấn át “gió Đông” đều không phải là một chiến thắng cho người dân U-crai-na khi mà những chia cắt, đối kháng ngay trong quốc gia này còn chưa được giải quyết. Chỉ có một nền kinh tế phát triển, tự chủ trên nền tảng chính trị vững chắc được sự đồng lòng của đa số người dân mới có thể đem lại ổn định lâu dài cho đất nước U-crai-na.
(Theo QĐND) BÌNH NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét