Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

11:07

Nô nức "tuyển" chồng xứ Hàn

Khi cánh cổng nhà hàng Th.V mở ra, cũng là lúc tôi đã vượt qua hết sự nghi ngờ, cảnh giác của hàng loạt “cò mồi”. Chỉ cần vượt qua cánh cổng sắt suốt ngày im ỉm đóng và có người canh giữ này, có lẽ tôi sẽ được tận mục, sở thị những gã rể già nua, nghèo khó, què quặt... đến từ mảnh đất Đại Hàn. Cảm giác tò mò xen lẫn sự hồi hộp làm cho tôi thấy khó tả, thấy thương những người phụ nữ này hơn là giận. 
Đi “tuyển chồng” như đi... dạ hội
Xin nhắc lại, nhà hàng Th.V mà tôi được B. (đệ tử của “cò” L., cô gái đã trúng tuyển chồng Hàn cách đó không lâu, đã nhắc đến ở kỳ trước-PV) dẫn đi tuyển lấy chồng nằm ở thôn Trung Sơn (xã Nghĩa Lão, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng). Bên ngoài, “đại hang ổ” của các đường dây “tuyển chồng” cho người nước ngoài này được che đậy với vỏ bọc một nhà hàng ăn uống. Để vào được bên trong, những cô gái Việt phải vượt qua được cánh cửa bằng sắt cao ngút và có một người đàn ông suốt ngày canh giữ. Đến đây, cô gái phải nói đúng “mật khẩu” thì người đàn ông này mới cho vào. “Mật khẩu” mà chúng tôi nói đến chính là họ tên của “cò” và đường dây “tuyển chồng” mà “cò” đó đang “hành nghề”.
Sau khi đọc đúng mật khẩu và nhận được cái gật đầu của người gác cửa, tôi, B., M. và K. thở phào nhẹ nhõm bước vào. Có lẽ, ở bên ngoài, ít ai có thể tưởng tượng được “đại hang ổ” của các đường dây “tuyển chồng” lại hoành tráng đến vậy. Một căn biệt thự sang trọng nằm hướng mặt tiền ra hai hồ nước lớn. Sâu vào bên trong còn có những chòi lá và một nhà hàng ăn sang trọng. Đây chính là nơi tổ chức đám cưới cho rể Hàn và dâu Việt khi cuộc xem mặt, “tuyển” vợ đã hoàn tất.
9h sáng, khi chúng tôi đến nhà hàng Th.V, ở tầng một của căn biệt thự đã có gần 40 cô gái đứng đợi sẵn. Lúc này, khoảng sân rộng phía trước biệt thự đã có hai chiếc ô tô BKS ngoại tỉnh đỗ từ trước đó. M. bảo tôi rằng, đó là những chiếc xe chở rể Hàn Quốc từ sân bay về. Còn, đối với những chiếc xe mang BKS Hải Phòng là ô tô của đám “cò mồi” hay nhà hàng tổ chức “phiên chợ tình” lên tận sân bay Nội Bài (Hà Nội) đón rể về. Đối với các nhà hàng cỡ “bự” như Th.V, họ có thể làm được “trọn gói” một cuộc hôn nhân xuyên biên giới. Từ đón chú rể ở sân bay, tổ chức “tuyển vợ”, lo chỗ ăn, nghỉ cho người nhà cô dâu và kiêm luôn cả đám cưới. Miễn là những “thượng đế” của họ có tiền và biết cách chi tiền.
Đột nhập 'hang ổ' tuyển chồng, mục sở thị... 'ông rể' Hàn - Ảnh 1
Những cô gái ê chề bước ra từ phòng phỏng vấn.
Không khác gì một phiên chợ, các cô gái đứng túm năm tụm ba để bàn tán về những chàng rể Hàn ở trong phòng. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng hát, tiếng cãi vã... cứ xen lẫn vào nhau khiến tôi cảm thấy đau đầu. Điều dễ nhận ra nhất, các cô dâu Việt đều ăn mặc đẹp, trát phấn son lòe loẹt, vui vẻ, cười đùa như đi lễ hội. Họ hào hứng nói chuyện với nhau về cách trả lời khi được ngồi trên “ghế nóng” trong “phòng phỏng vấn”. Một lúc sau, một nhân viên của nhà hàng Th.V khiêng ra một đống ghế nhựa, nước uống để phục vụ cô dâu Việt và “cò”. Bước ra từ chiếc xe mang biển số 30N... là hai người đàn ông Hàn Quốc khá lớn tuổi, có tiếng xì xào cạnh tôi: “Lại thêm rể về nữa kìa”.
Trước khi được vào xem mặt, các cô gái đều được nhân viên của nhà hàng Th.V ghi tên vào một cuốn sổ và đánh dấu thuộc đường dây của “cò” nào. Thấy tôi cầm chiếc điện thoại trên tay giơ lên giơ xuống, B. nhắc nhở tôi: “Chị cất điện thoại đi. Người ta tưởng chị quay phim chụp ảnh là thu mất đấy!”. Rất cảnh giác, thỉnh thoảng B. lại nhắc tôi đừng làm gì để người của Th.V đuổi về.
Trực diện với rể Hàn
Hôm nay, rể Hàn Quốc mà tôi được gặp mặt là một người đàn ông tầm 45 tuổi. Tại một căn phòng nhỏ gần hồ nước bên trong nhà hàng Th.V, một người đàn ông đứng trước cửa lớn tiếng gọi ba cô gái vào cùng một lúc để rể Hàn xem mặt. Phòng xem mặt khá kín đáo rộng khoảng 20m2. Lúc nào bên trong cũng có ba người đợi sẵn: Một nữ phiên dịch viên, một người đàn ông Hàn Quốc và người nhà của ông ta. Tôi và hai cô gái trẻ quê Quảng Ninh được gọi vào một lúc. Người phiên dịch hỏi tôi tên tuổi, quê quán và nghề nghiệp bằng tiếng Việt sau đó phiên dịch lại bằng tiếng Hàn cho rể xứ Kim Chi nghe. Sau khi biết tên tuổi chúng tôi, rể Hàn quay lại nói chuyện thì thầm với phiên dịch. Rồi phiên dịch hỏi lại chúng tôi: “Trong ba em, đã có ai từng kết hôn chưa?”. Khi chúng tôi khẳng định là chưa, phiên dịch nói rằng có thể ra khỏi phòng và ngồi ở ngoài đợi đến cuối giờ sáng sẽ biết kết quả.
Rời phòng xem mặt, tôi được B. dẫn ra ngoài ngồi để chờ kết quả xem mình có được “may mắn”, “tuyển” trong buổi sáng hôm nay không. Lúc này, tôi mới có nhiều thời gian quan sát “phiên chợ tình”. Được biết, sáng hôm nay có sáu chú rể Hàn về Th.V “mua vợ”. Họ được mời vào sáu phòng, khoảng 40 cô gái được chia thành sáu tốp lần lượt vào phòng cho rể xem mặt.
Gần chỗ chúng tôi ngồi là một căn phòng cũng có rể Hàn xem mặt. Tiếng xì xà xì xồ phát ra từ căn phòng này khiến nhiều người chú ý. Nhiều cô gái chờ tới lượt mình vào “phỏng vấn” nhấp nhổm, sốt ruột đến nỗi ghé mắt, áp tai vào phòng để nghe ngóng. Bên ngoài, đám “cò mồi” đứng ngồi không yên, cứ đi đi, lại lại, lượn lờ như cá cảnh. Cứ mỗi khi cô gái Việt đi ra, đám “cò” lại bâu lại hỏi han xem rể Hàn hỏi những gì. M. – người bạn đi tuyển chồng cùng tôi nói bằng cái giọng hồ hởi: “Anh này đẹp trai lắm chị ạ. Nghe bảo làm Giám đốc một công ty du lịch bên Hàn Quốc. Ai được anh ấy chọn thì chắc sướng lắm đấy. Vừa có chồng đẹp lại vừa có nhiều tiền gửi về nhà”.
Ngồi bên cạnh, B. bĩu môi bảo: “Cũng chả biết được đâu em à. Có nhiều trường hợp phiên dịch giới thiệu rể Hàn là Giám đốc công ty máy tính. Tuy nhiên, sang làm dâu mới biết, anh này thất nghiệp, suốt ngày uống rượu. Dâu Việt Nam sang đấy, sung sướng chẳng thấy đâu nhưng suốt ngày phải đi thu hoạch mấy héc-ta ớt của gia đình đó. Thế mà thường xuyên bị đánh đập đấy”.
Nỗi ê chề vì bị “người ta” loại
Đến cuối giờ sáng, hơn 40 cô gái tham gia “phiên chợ tình” đã được gọi vào vòng phòng phỏng vấn để rể Hàn xem mặt. Mọi người tụ tập nhau ở bên ngoài khá đông để chờ kết quả. Dâu của “cò” nào thì ngồi vào một vị trí riêng, nhưng cùng trên một khoảng sân nên các cô gái và “cò” nói chuyện với nhau rất sôi nổi. Họ hào hứng bàn với nhau về việc nếu may mắn được tuyển làm dâu sẽ như thế nào. M. còn bảo tôi: “Em thấy “cò” bảo, rể của chị xem mặt đã 45 tuổi mà còn phong độ thế, chẳng bù cho em. Rể em vào tuyển năm nay mới có 35 tuổi mà béo ú, mắt híp lại, chậm chạp lắm. Giả sử, nó có chọn mình về thì không biết có “làm ăn” được gì không ấy...”. Nói rồi M. ôm bụng cười.
Khoảng gần một tiếng ngồi đợi ở sân, lúc này chuông đồng hồ đã điểm 12h trưa, nữ phiên dịch viên từ trong phòng phỏng vấn đi ra ngoài đọc kêt quả. Thấy phiên dịch đi ra, cả “cò” và dâu đứng dậy chạy đến hồi hộp chờ đợi. Chẳng ai bảo ai, họ im lặng như những học sinh đang trong giờ ra chơi mà cô giáo đi vào vậy. Tuy nhiên, trong “phiên chợ tình” hôm nay, không cô gái nào “may mắn” “lọt vào mắt xanh” của sáu “ông rể” Hàn. Nghe đến đây, cả “cò” và dâu không giấu được sự thất vọng. Họ hò hét nhau thu dọn đồ đạc rồi lấy xe máy ra về.    
Khi rể Hàn thích tuyển vợ “nạ dòng”
Khi mọi người đã về hết, B. bảo tôi, M. và K. ngồi lại để hỏi phiên dịch rõ hơn nguyên nhân vì sao hôm nay không cô dâu nào được “tuyển”. Nói về trường hợp của tôi, cô phiên dịch cho biết, “ông rể” Hàn 45 tuổi đang muốn tìm một cô gái Việt Nam từng ly dị, rồi nhưng không được có con riêng. Bởi anh này đã từng qua một đời vợ, muốn lấy một ai đó có cùng cảnh ngộ. Còn đối với M. và K., việc các cô ấy không được chọn vì rể cho rằng, họ còn quá ít tuổi, chưa đủ chín chắn để chiều chồng. B. trấn an tôi: “Lần này không được thì lần sau, vẫn còn nhiều cơ hội mà. Việc lấy chồng này cũng do duyên nữa, mình không hợp với người này thì sẽ hợp với người kia thôi. Nhiều rể Hàn chọn dâu cũng có những sở thích rất “dị”, không phải cứ “gái tân” là họ thích đâu”.    
Nhóm phóng viên Người đưa tin 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét