Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

11:01

Tăng thuế có giảm được bia rượu?

Mức đánh thuế như hiện nay chưa đủ sức để hạn chế tiêu dùng bia rượu. Nhưng một số ý kiến cho rằng dù giá bia tăng thì người dân vẫn… uống như thường.
Số liệu mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, năm 2013 Việt Nam tiêu thụ 3 tỉ lít bia, tương đương số tiền 3 tỉ USD đã khiến nhiều người giật mình. Trước thực trạng đâu đâu cũng nhậu, việc gì cũng nhậu..., nhiều chuyên gia đề xuất cần áp thuế cho mặt hàng này cao hơn nữa để vừa thu ngân sách, vừa hạn chế tiêu thụ rượu bia cùng những tác hại về xã hội, sức khỏe... của nó.
Đánh thuế mạnh, bớt người uống bia!
Thói quen uống bia của người Việt một phần do bia ở Việt Nam quá rẻ và dễ mua. Hàng quán nào cũng có thể bán mà không có bất cứ quy định, tiêu chuẩn nào. Các quán nhậu thượng vàng hạ cám lại mọc lên như nấm khiến thói quen nhậu nhẹt càng được dịp lên ngôi.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A cho rằng không thể để bia rượu bán tràn lan như hiện nay. “Một số nước siết ngay từ khâu phân phối, tức là với các siêu thị thì giá bia có thể bình thường nhưng ở quán nhậu, cửa hàng thì giá bia cao chót vót. Tôi cho rằng chúng ta cũng phải siết lại khâu phân phối, không thể để các cửa hàng, quán nhậu có thể dễ dàng bán vô tội vạ như hiện nay”.

 
Theo ông Nguyễn Quang A, đánh thuế cao là biện pháp tốt nhất lúc này để vừa thu ngân sách vừa để giảm nhu cầu tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng đồng tình với ý kiến này. Ngoài ra, ông Thành cho rằng cần có những biện pháp truyền thông để thay đổi thói quen ăn nhậu của người dân.
Tăng thuế liệu có thay đổi được thói quen?
Hiện mỗi năm thuế tiêu thụ đặc biệt nộp vào ngân sách khoảng 35.000-40.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là từ các mặt hàng bia rượu, thuốc lá. Riêng mặt hàng bia đang phải chịu ba loại thuế gồm thuế tiêu thụ đặc biệt (50%), thuế nhập khẩu (50%) và thuế giá trị gia tăng (10%). Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, mức thuế như trên là tương đối cao. Chưa kể đối với các mặt hàng này mức thuế còn phải thực hiện theo cam kết WTO. “Tất cả đều có lý do và cần một cách nhìn tổng quát. Tôi cho rằng chỉ riêng về thuế chưa giải quyết được vấn đề. Người dân uống bia không phải là do giá rẻ. Vấn đề là truyền thông để thay đổi thói quen chứ cứ đánh thuế, tăng giá chưa chắc đã giải quyết hết được” - bà Cúc nói.
Còn TS Nguyễn Thị Thủy, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế nội địa, việc tăng hay giảm là phụ thuộc vào thẩm quyền của Quốc hội, còn thuế suất nhập khẩu thì liên quan đến cam kết quốc tế. Từ đây, nếu muốn áp tăng thuế mặt hàng bia thì chỉ có thể tăng thuế tiêu thụ nội địa.
“Về nguyên tắc, nếu muốn hạn chế mặt hàng nào đó thì Nhà nước sẽ tăng thuế nhưng khi tăng thuế thì phải kiểm soát được buôn lậu, trốn thuế. Còn nếu không tăng cường những biện pháp kèm theo thì việc tăng thuế cũng không giải quyết được vấn đề gì” - TS Thủy nói.
Phạt nặng và tăng cường truyền thông
TS Trần Đình Lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), cho rằng tệ nạn ăn nhậu ở nước ta có phần do luật lệ chưa rõ ràng, xử phạt không nghiêm và nhiều người Việt khi kiếm được một chút tiền là thích hưởng thụ. Cần giáo dục sao cho người bán sợ bị tước giấy phép và người uống cũng sợ bị phạt.
Theo TS Trần Đình Lâm, tại Hàn Quốc không chỉ kinh doanh rượu phải có giấy phép mà bán bia cũng phải được cấp phép. Sinh viên dưới 18 tuổi không được phép uống rượu bia. Người đã uống phải thuê xe khác để về, bởi nếu cảnh sát bắt được sẽ bị tước bằng lái. Tại Áo, vào những chiều thứ Bảy, Chủ nhật ở các đầu mối giao thông, cảnh sát thường đón các xe hơi, nếu có độ cồn sẽ bị phạt tiền nặng và nếu bị thông báo đến cơ quan làm việc thì có thể bị đuổi việc. Rất nhiều bãi biển tại Mỹ hiện nay cấm uống bia, nếu vi phạm sẽ phạt rất nặng.
Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho biết thế giới cũng có một số quốc gia châu Âu có thời gian dài người dân tiêu thụ bia nhiều nhưng hiện nay đã giảm. Cụ thể như tại Đức tiêu thụ bình quân đầu người là 50 lít bia/năm thì trong khoảng bốn năm trở lại đây giảm còn 30 lít. Sự thay đổi này do người dân ngày càng ý thức được tác hại của bia rượu đối với sức khỏe như các bệnh về tim mạch, gan, teo não… cũng như làm cho hình dáng người uống không đẹp. Tại Việt Nam 90% lượng tiêu thụ là bia, 10% còn lại là rượu. Dù bất cứ dịp gì bia vẫn là thức uống được người ta sử dụng gọi là để thể hiện nét “văn hóa tâm giao”. Người được mời không dùng thì cũng không xong nên đây là “nét văn hóa” rất nguy hiểm.
Ông Thắng cũng cho hay ở Việt Nam nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 60%-70%, thậm chí lên 90% thì người dân vẫn uống. Vì vậy điều quan trọng là làm sao giáo dục, tuyên truyền để mỗi người tự ý thức được những hệ quả xấu mà bia rượu gây ra thì lúc đó tự động người dân sẽ hạn chế hoặc không dùng nữa. Làm sao để hướng đến một nét văn hóa mới khi dùng các sản phẩm thay thế như trà, cà phê… lúc đó mới hạn chế được tình trạng tiêu thụ bia rượu một cách khủng khiếp như hiện nay.
(Theo PL TPHCM) MAI PHƯƠNG - YÊN TRANG - TÚ UYÊN

Bia ở Singapore đắt gấp 3-4 lần tại Việt Nam
Thành phần nguyên liệu sản xuất bia gồm lúa mạch, hoa bông, con men, nước. Việt Nam ngoài việc phải nhập các nguyên liệu trên thì lợi thế là sử dụng nguồn nước nội địa, giá nhân công rẻ... Trong khi nước ngoài có thể nhập nước về giá cao hoặc phải qua các công đoạn xử lý… cùng các chi phí khác nên đội giá thành lên cao.
Tại Singapore, một thùng bia Heineken 24 lon dung tích 330 ml có giá khoảng 69,5 USD Singapore, tương đương 1,1 triệu đồng, đắt gấp ba lần giá bia này tại Việt Nam. Hiện tại bia Heineken thùng được bán với giá khoảng 375.000 đồng. Bia Tiger tại Singapore một thùng 24 lon được bán khoảng 62 USD Singapore, tương đương khoảng 1 triệu đồng, trong khi giá tại Việt Nam khoảng 285.000-300.000 đồng/thùng. Tại nước này, bia Sapporo có giá khoảng 3 USD Singapore/lon, tương đương hơn 50.000 đồng/lon.
Những vụ giết người vì… mời rượu không uống
- Tối 6-10-2013, Trần Văn Thân (21 tuổi) cùng bạn là Trịnh Lưu Huy, Nguyễn Mạnh Hùng tổ chức nhậu tại nhà trọ ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Sau đó, Nguyễn Quang Tuấn (sống cùng khu nhà trọ) nhập cuộc.
Một lúc sau Thân mời rượu nhưng Tuấn từ chối. Nghĩ Tuấn khinh mình, Thân cầm cây chổi quét nhà đánh hai cái vào đầu Tuấn. Hùng đứng gần đó bị Thân dùng dao đâm gây thương tích. Huy vào can ngăn bị Thân đâm một nhát trúng cổ gây tử vong.
- Trưa 20-10-2011, Bùi Văn Đạt, Nguyễn Xuân Bình, Đặng Văn Thái và Nguyễn Văn Thành đến quán cơm ở thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) uống rượu và gặp anh Nguyễn Quốc Thịnh và bạn. Nhóm Đạt có mời anh Thịnh uống rượu nhưng vì mệt nên anh này từ chối. Đạt rút dao đòi đâm anh Thịnh và Bình giật dao từ tay Đạt đâm anh Thịnh tử vong, hai người khác bị thương.
- Tối 2-1-2014, Nguyễn Đình Thống (sinh năm 1988, trú xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) ăn nhậu tại nhà anh Nguyễn Đình Sự ở cùng thôn. Trong cuộc nhậu, ông Nguyễn Đình Tuy, Bí thư Đảng ủy xã, sang mâm Thống mời rượu mọi người. Thống cầm ly mời lại ông Tuy mỗi người uống một nửa. Thống uống trước rồi đưa ly rượu cho ông Tuy song ông Tuy chỉ nhấp môi chứ không uống.
 
Nguyễn Đình Thống, kẻ giết chết ông Nguyễn Đình Tuy, Bí thư xã, vì mời rượu nhưng ông Tuy chỉ nhấp môi mà không uống. Ảnh: Báo Người Lao Động
Cho rằng ông Tuy coi thường mình nên Thống về mang dao đến đầu ngõ gần nhà ông Tuy đứng phục. Khi ông Tuy đi bộ về gần tới cổng nhà, Thống dùng dao đâm nhiều nhát khiến ông tử vong. Thống bị bắt hai ngày sau đó.
- Một ngày đầu tháng 9-2011, Nguyễn Văn Tùng (xã Thạnh Hải, Thạnh Phú, Bến Tre) và bạn cùng nhậu trong quán, được một lúc thì Lê Văn Kha đến ngồi chơi. Tùng mời rượu nhưng Kha từ chối: “Tôi bị đau cổ nên chỉ ngồi chơi chứ không uống được”. Tùng bèn lấy chai rượu đánh vào đầu Kha một cái thật mạnh rồi bỏ về. Trưa hôm sau, Kha chết vì chấn thương sọ não.
                                                                                                                                NH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét