Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

14:32

Choáng với những chiêu móc tiền của nhà mạng


Dù không đăng ký các dịch vụ giá trị gia tăng nhưng nhiều chủ thuê bao điện thoại di động vẫn bị nhà mạng “ép” sử dụng bằng đủ chiêu thức lập lờ với giá cước trên trời

Ngày 3-1, ông Đỗ Viết Phúc (ngụ tỉnh Long An), thuê bao số 0913156xxx, cho biết ông phải đóng cước điện thoại di động (ĐTDĐ) cao ngất dù không sử dụng các dịch vụ có sẵn tích hợp trong máy. Ông đã khiếu nại nhiều lần nhưng nhà mạng vẫn không giải quyết.
Không chơi game vẫn phải trả tiền
Ông Phúc cho biết số điện thoại ông đang sử dụng là thuê bao trả sau của mạng VinaPhone. Mỗi tháng tiền cước ông phải trả từ 400.000 - 500.000 đồng. Bỗng nhiên tháng 10-2013, nhà mạng thông báo cước phí lên đến 1,2 triệu đồng. Choáng váng với số tiền này, ông Phúc khiếu nại đến Bưu điện Cần Đước, tỉnh Long An, yêu cầu kiểm tra chi tiết cuộc gọi. Tại đây, một nhân viên cho biết sở dĩ tiền cước tháng 10-2013 tăng cao là do ông có sử dụng dịch vụ nhắn tin đến các đầu số 8730, 8711 với cước phí cho mỗi tin nhắn là 13.636 đồng. Nghi ngờ con trai ở nhà có thể dùng máy của mình để nhắn tin chơi game, ông Phúc bấm bụng trả đủ số tiền cước và được nhân viên bưu điện hướng dẫn thủ tục đóng 70.000 đồng để chặn dịch vụ này lại.
Ông Đỗ Viết Phúc trình bày bức xúc với phóng viên Báo Người Lao Động Ảnh: HỒNG THÚY 
Ông Đỗ Viết Phúc trình bày bức xúc với phóng viên Báo Người Lao Động Ảnh: HỒNG THÚY
Yên tâm rằng dịch vụ đã bị chặn, cả tháng 11-2013, ông đi công tác tại TP HCM không về Long An và khẳng định chỉ một mình ông sử dụng ĐTDĐ. Thế nhưng, không hiểu sao hóa đơn tháng 11-2013 lại báo số tiền ông phải đóng lên đến 12.394.897 đồng. Quá bức xúc, một lần nữa, ông lại phải khiếu nại đến Viễn thông Long An nhưng mọi việc đâu vẫn vào đấy.
Ngày 24-12-2013, ông Phan Đình Luyện, Giám đốc Viễn thông Long An, có công văn gửi ông Phúc khẳng định: Trong tháng 11-2013 thuê bao 0913156xxx đã sử dụng đầu số 8730, 8530 và 8711 để nạp xu cho game. Theo công văn này, người chơi không phải đăng ký thông tin cá nhân nên Viễn thông Long An không thể cung cấp cho khách hàng biết ai đã thực hiện các bản tin nhắn. Mọi chi tiết trao đổi bản tin với hệ thống đều được tổng đài game và tổng đài VinaPhone lưu lại đầy đủ và đủ điều kiện để tính cước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phúc bức xúc: “Tôi là nhân viên giao nhận hàng xuất nhập khẩu, suốt ngày tất bật với công việc thì có thời gian đâu mà dùng chiếc ĐTDĐ hiệu Nokia C1 cũ kỹ, màn hình tối om để download chơi game 50 - 60 lần tất cả các ngày trong tuần”. Ngoài ra, điều làm ông bức xúc hơn cả là nhà mạng đã tự động “thả” dịch vụ “trời ơi” này vào máy của ông chứ bản thân không hề có nhu cầu sử dụng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, nguyên tắc cơ bản của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổ chức kinh doanh dịch vụ phải cung cấp hướng dẫn sử dụng và phải thông tin cho khách hàng một cách đầy đủ, rõ ràng và minh bạch, nhất là vấn đề giá cả, tính cước. Do đó, trong trường hợp này, ông Phúc có quyền yêu cầu Viễn thông Long An cung cấp hóa đơn và giải thích lý do về việc cước điện thoại tăng đột biến bằng văn bản. Thông qua đó, nếu ông Phúc có căn cứ cho rằng việc tính cước của nhà mạng là không đúng thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện ra TAND có thẩm quyền nơi Viễn thông Long An đặt trụ sở.
Đủ kiểu móc túi khách hàng
Ông Hoàng Văn H. (ngụ quận 7, TP HCM), dùng một thuê bao VinaPhone, cũng bày tỏ bức xúc khi trong tháng 11-2013, ông bị trừ 2 lần tiền vào tài khoản gốc mà không hề được thông báo. Khiếu nại vụ việc, ông được nhà mạng cho biết thuê bao ông đang sử dụng đã vào mạng download các trò chơi và đưa ra các bằng chứng chi tiết thời gian vào mạng. Tuy nhiên, ông H. khẳng định những khoảng thời gian đó, ông đang làm việc tại công ty, không được phép sử dụng điện thoại thì làm sao có thể download hay chơi game được.
Bà Nguyễn Thị Hương đã 76 tuổi, sử dụng ĐTDĐ mạng MobiFone, cũng bực mình khi nhà mạng tự động cài dịch vụ 9220. Theo đó, cứ 8 giờ 30 phút mỗi ngày là các tin nhắn về thể thao lại ào ào hiện lên máy. Bà đã đăng ký hủy nhiều lần nhưng không được. Nhân viên MobiFone trả lời dịch vụ sẽ tự động đăng ký lại nếu điện thoại bị tắt nguồn. Thế là đều đặn tháng nào bà Hương cũng mất 10.000 đồng cho dịch vụ không mời mà tới này.
Cùng cảnh ngộ như bà Hương, nhiều thuê bao mạng MobiFone bức xúc vì các dịch vụ giá trị gia tăng khách hàng không hề đăng ký nhưng nó vẫn vô tư hiện diện sẵn. Khi khách hàng không dùng mà muốn hủy thì bị thu tiền hoặc hủy mà nhắn tin sai cú pháp cũng sẽ bị trừ 15.000 đồng/tin nhắn.
Như trường hợp chị Kim Chi (ngụ quận 1, TP HCM) bị MobiFone cài sẵn chương trình An toàn giao thông vào sim trả sau. Mỗi ngày chị nhận cả chục tin dù không có nhu cầu và thế là bị trừ 5.000 đồng/ngày. Mãi đến cuối tháng, chị phát hiện ra thì đã mất hết 150.000 đồng mà không biết kêu ai.
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông vừa xác định những sai phạm về dịch vụ nội dung mà 3 mạng viễn thông VinaPhone, Viettel và MobiFone tích hợp trên sim và tính phí khách hàng mà không niêm yết rõ ràng giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước để thuê bao xác nhận đồng ý hay không đồng ý sử dụng các dịch vụ này. Chính vì sự lập lờ trên, các nhà mạng đã thu về hàng trăm tỉ đồng. 
Chỉ là hiểu lầm!
Chiều 3-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về trường hợp khiếu nại của ông Đỗ Viết Phúc, bà Huỳnh Nga, chuyên viên Phòng Chăm sóc khách hàng VinaPhone, khẳng định việc tính cước dịch vụ 8730, 8530 và 8771 của thuê bao 0913156xxx trong tháng 11-2013 được xác định là hợp lệ và đã được công nhận để làm cơ sở thanh toán cho đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ. VinaPhone không hề làm động tác tính khống cước như nghi ngờ của khách hàng. Nhân viên VinaPhone chỉ tư vấn cho ông Phúc dùng gói cước 3G MAX với giá 70.000 đồng chứ không phải số tiền này là chặn hay cắt dịch vụ nào cả.
Bà Nga cho biết đã liên hệ với ông Phúc và hẹn gặp trực tiếp để giải thích rõ những bức xúc nhằm đi đến sự thống nhất cao, không để những hiểu lầm đáng tiếc có thể xảy ra. 
(Theo Người Lao động) NGỌC MAI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét