13:54
Đề nghị án chung thân đối
với Huyền Như và Võ Anh Tuấn
(TNO) Mở đầu ngày làm việc thứ 6 vào sáng nay 13.1, Hội đồng xét xử
(HĐXX) thông báo có nhận được kiến nghị của 5 luật sư đề nghị tiếp tục được
xét hỏi Vietinbank nhưng HĐXX không chấp nhận vì cho rằng đã thông báo
chuyển sang phần tranh luận. "Nếu còn vấn đề gì cần thiết, các luật sư
có thể nêu ra tại phần tranh luận, đối đáp", vị chủ toạ nói.
Trong phần luận tội, vị công tố đánh giá từ năm 2007, Huyền Như
vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao
để kinh doanh bất động sản. Do kinh doanh thua lỗ và trả lãi cao nên Như
không có khả năng thanh toán dẫn đến chiếm đoạt tiền của người sau trả
cho người trước và thực hiện hàng loạt hành vi liều lĩnh, thuê người làm giả
con dấu 8 con dấu của Vietinbank và 7 công ty.
Tiếp đó, Như tiếp cận những người có nguồn vốn để hứa hẹn trả lãi
cao để các cá nhân, đơn vị đưa tiền. Cụ thể, Như chiếm đoạt của Công ty cổ
phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương 80 tỉ đồng, Công ty Phúc Vinh hơn 608
triệu đồng, Công ty Thịnh Phát hơn 788 triệu đồng, Công ty Hưng Yên hơn 200
tỉ đồng, Công ty Saigonbank-Berjaya 210 tỉ đồng, Công ty cổ phần bảo hiểm
Toàn Cầu 125 tỉ đồng, Công ty Zenplaza 45,5 tỉ đồng, Công ty cổ phần chứng
khoán Phương Đông 380 tỉ đồng, Công ty An Lộc 170 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP VIB
180 tỉ đồng, Ngân hàng Navibank 200 tỉ đồng, Ngân hàng ACB 718 tỉ đồng, bà
Giã Thị Mai Hiên 274 tỉ đồng, bà Lê Thị Kim Tuyến 7 tỉ đồng và một cá nhân
khác 3 tỉ đồng.
Theo vị công tố, tại phiên toà Như thừa nhận hành vi chiếm đoạt,
phương thức như cáo trạng đã truy tố.
Các luật sư của Navibank, ACB cho rằng phải xác định Vietinbank
là bị đơn dân sự là không có cơ sở. Bởi lẽ, Như nảy sinh ý thức chiếm đoạt
của Navibank và ACB từ đầu bằng cách dùng thủ đoạn dẫn dụ ACB, Navibank gửi
tiền với lãi suất cao. Hợp đồng Ủy thác đầu tư vốn được hủy ngay trong ngày.
Trong đó, động lực là lòng tham của các cán bộ của các ngân hàng này
được hưởng chênh lệch lãi suất ngoài hợp đồng. Các cán bộ này chấp nhận mọi
rủi ro, không nhận sổ tiết kiệm, không đến trụ sở Vietinbank mà giao
dịch ngoài trụ sở, không gặp người có trách nhiệm, không kiểm tra thông tin
bằng cách đơn giản là gọi điện thoại đến Vietinbank đã tạo điều kiện cho Như
thực hiện các lệnh chi tiền chỉ là bước tiếp theo để chiếm đoạt tiền.
Tội lừa đảo của Như đã hoàn thành khi hai ngân hàng này chuyển tiền vào tài
khoản của Vietinbank. Cáo trạng quy kết hai đơn vị này là bị hại là nguyên
đơn trong vụ án là đúng.
Đối với Công ty An Lộc và Công ty cổ phần chứng khoán Phương
Đông, Như làm giả ngay từ đầu, hành vi lừa đảo đã rõ nên yêu cầu Vietinbank
bồi thường là không có căn cứ. Bởi lẽ, giao dịch thông qua Như và thực hiện
ngoài trụ sở, không gặp trực tiếp Vietinbank nên không có cơ sở để chấp nhận.
Các đơn vị khác bị Như chiếm đoạt tiền trong vụ án này do
Như làm giả con dấu của các đơn vị, cá nhân, đánh vào lòng tham, làm
giả hàng loạt hợp đồng, làm giả sổ tiết kiệm. Còn cá nhân, đơn vị bị chiếm
đoạt không gặp người có trách nhiệm của Vietinbank còn giao cả tài khoản, ký
khống giấy tờ để Như chiếm đoạt nên không có cơ sở buộc Vietinbank bồi thường.
Đến nay, Như không có khả năng khắc phục hơn 3.900 tỉ đồng.
Đối với Võ Anh Tuấn, biết rõ Như có nhu cầu rất lớn về vốn nhưng
theo yêu cầu của Như ký nhiều văn bản để Phạm Anh Tuấn tin tưởng chuyển tiền.
Tuấn còn cùng Như ra Hà Nội, chứng kiến Như mạo danh tên khác, giả danh là
nhân viên của Tuấn để dẫn dụ các đơn vị chiếm đoạt tiền. Tuy Tuấn không thừa
nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ vào lời khai của những người là nhân
chứng, Tuấn nhận từ Như 10 tỉ đồng... Cho nên việc truy tố là có căn cứ.
Còn Phạm Anh Tuấn dùng nguồn vốn nhà nước cấp đóng tàu cho vay để
Như chiếm đoạt 80 tỉ đồng nhằm chiếm hưởng trái phép 121 tỉ đồng. Căn cứ
vào lời khai của các nhân chứng cũng như sự nhận dạng của các nhân chứng và
các chứng từ còn lưu lại, việc truy tố Phạm Anh Tuấn là đúng người, đúng tội.
Nhóm các bị cáo nguyên là cán bộ của Vietinbank đã không thực
hiện đúng quy trình, quy chế cho vay, bỏ qua sự có mặt, không kiểm tra, đối
chiếu thông tin khách khách giúp Như chiếm đoạt của ACB là vi phạm quy định
cho vay. Một số cán bộ khác thiếu trách nhiệm, lơ là, tắc trách không tuân thủ
đúng quy trình quy định, tin tưởng một cách vô căn cứ vào tin nhắn của Tuấn
bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm là có căn cứ.
Nhóm các bị cáo cho vay lãi cao đã cho vay số tiền lớn, với lãi
suât từ 0,4-0,7/ngày, thu lợi số tiền rất lớn là cho vay lãi cao. Các
bị cáo này lấy nghề cho vay làm nguồn thu chính, bóc lột người khác. Chính từ
những lời lẽ đe dọa của các bị cáo này mà Như khủng hoảng phải lừa đảo nên
việc truy tố, xử lý là phù hợp.
Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, xâm phạm đến nhiều mối quan
hệ của xã hội, ảnh hưởng đến chính sách điều hành tiền tệ của chính phủ trong
bối cảnh nền kinh tế bị khủng hoảng. Ngoài việc gây ra thiệt hại trực tiếp
làm nhiều nạn nhân mất tiền, Như còn làm khách hàng mất niềm tin vào ngân
hàng, các ngân hàng mất niềm tin vào nhau, các cổ đông mua cổ phiếu của các
doanh nghiệp mất niềm tin vào doanh nghiệp. Đặc biệt, vị công tố còn quy
trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị vì nếu đại diện của các cá nhân, pháp
nhân không móc ngoặc, không hám lợi thì Như không thể chiếm đoạt được.
Đại diện Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên mức án cho các bị
cáo như sau:
Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ,
Vietinbank) tù chung thân về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả con
dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.
Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank Nhà Bè) giúp sức tích
cực cho Như chiếm đoạt, cá nhân chiếm hưởng 10 tỉ đồng, đề nghị tù chung thân
về tội lừa đảo.
Ngoài ra, Huỳnh Mỹ Hạnh (chị ruột Huyền Như, nguyên Phó giám đốc
Công ty Hoàng Khải) bị đề nghị từ 16-18 năm tù; Trần Thị Tố Quyên (nhân viên
Công ty Hoàng Khải) 17-19 năm tù; Đào Thị Tuyết Dung 16-18 năm tù; Nguyễn Thị
Lành 10-12 năm tù về cùng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đào Thị Tuyết Dung (nguyên giám đốc Công ty TNHH Dung Vân) bị đề
nghị 2 năm 6 tháng tù đến 3 năm tù; Nguyễn Thị Lành (nguyên Phó giám đốc Công
ty CP đầu tư Phương Đông) 2 năm 6 tháng tù đến 3 năm tù; Nguyễn Thiên Lý
(ngụ Q.Bình Thạnh) 2 năm 6 tháng tù đến 3 năm tù; Hùng Mỹ Phương (ngụ
Q.1) 2 năm 3 tháng đến 2 năm 6 tháng tù; Phạm Văn Chí (ngụ Q.8) 9 đến 12
tháng tù về tội cho vay lãi nặng Huỳnh Hữn Danh (nguyên nhân viên Ngân hàng
VIB chi nhánh TP.HCM) 18-20 năm tù, Trần Thanh Thanh (nguyên Trưởng phòng
giao dịch Điện Biên Phủ Vietinbank chi nhánh TP.HCM) 14-16 năm tù, Tống
Nguyên Dũng (nguyên nhân viên tín dụng Phòng giao dich Điện Biên Phủ
Vietinbank TP.HCM) 16-18 năm tù, Đoàn Lê Du (nguyên Trưởng phòng giao dịch
Đinh Tiên Hoàng Vietinbank TP.HCM) 18-20 năm tù, Huỳnh Trung Chí (nguyên nhân
viên tín dụng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng Vietinbank TP.HCM) 16-18 năm
tù, Bùi Ngọc Quyên (nguyên Phó phòng giao dịch Điện Biên Phủ Vietinbank
TP.HCM) 14-16 năm tù, Hoàng Hương Giang (nguyên giao dịch viên phòng giao
dịch Điên Phủ) 10-12 năm tù Vũ Nguyễn Xuân Tiên (nguyên Phó phòng giao dịch
Đinh Tiên Hoàng) 14-16 năm tù Nguyễn Thị Phúc Ngân (nguyên giao dịch viên
Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng) 16-18 năm tù, Phạm Thị Tuyết Anh (nguyên
giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ) 16-18 năm tù về cùng tội vi
phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Phạm Anh
Tuấn (nguyên giám đốc Công ty CPVT Dầu Khí Thái Bình Dương) 13-15 năm tù về
tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Các bị cáo Lương Thị Việt Yên (nguyên Trưởng phòng giao dịch Võ
Văn Tần, Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) bị đề nghị 8-10 năm tù; Hồ Hải Sỹ
(nguyên Phó phòng giao dịch Võ Văn Tần) 6-8 năm tù; Lê Thị Ngọc Lợi (nguyên
giao dịch viên Phòng giao dịch Võ Văn Tần) 4-6 năm tù, về tội thiếu trách
nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Viện KSND nghị HĐXX kiến nghị xử lý 8 đối tượng vì có dấu hiệu
lọt người, lọt tội.
(Theo Thanh niên) Lê Quang
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét