Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

13:40

Làm gì để giảm 'nạn' xuất ngoại du lịch núp bóng công tác?

Thực tế, việc cán bộ đi công tác nước ngoài quá nhiều nhưng hiệu quả không cao đang dẫn đến sự lãng phí ghê gớm. Trao đổi xoay quanh vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng cần phải làm rõ việc truy thu và xử lý đối với những người vin cớ đi công tác nhưng thực tế là dùng tiền ngân sách chỉ để đi du lịch.


Tướng Thước: Truy thu ngân sách và  kỷ luật... lãnh đạo
Chia sẻ về điều này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X cho biết: Quan điểm của tôi là bây giờ mở rộng quan hệ hội nhập là nhu cầu tất yếu. Muốn đi lên thì phải hội nhập quốc tế, mà muốn hội nhập quốc tế thì phải giao lưu. Nhưng vấn đề đặt ra là tất cả các hoạt động đó phải đưa lại những kết quả thiết thực.
Làm gì để giảm 'nạn' xuất ngoại du lịch núp bóng công tác? - Ảnh 1 
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Theo như số liệu thống kê của bộ Ngoại giao, năm 2013 có 3.200 đoàn đi nước ngoài bằng tiền ngân sách. Nếu họ đưa về hiệu quả của 3.200 chuyến đi ấy cho đất nước thì rất là lớn và không lãng phí chút nào. Còn nếu 3.200 đoàn đi về mà không mang lại kết quả nào hoặc những kết quả không đáng kể thì phải xem lại. Đó là một sự lãng phí ghê gớm. Một đoàn đi nước ngoài cả vài chục người, tốn hàng trăm nghìn đô la mà không mang về hiệu quả gì thì xót xa ngân sách lắm.
“Thế nên khi cho một đoàn đi nước ngoài công tác thì phải xác định yêu cầu, tiêu chí và nhiệm vụ rõ ràng. Các đoàn đi công tác nước ngoài mà ra về trắng tay, không như kỳ vọng, lời hứa thì phải xử lý anh trưởng đoàn. Phải kiểm điểm những lãnh đạo của đoàn đi gây tốn kém ngân sách Nhà nước, phải kiểm điểm cơ quan cấp phép cho đoàn ấy đi nước ngoài. Anh lấy của Nhà nước một, hai nghìn đô la thì phải bỏ từng ấy ra mà trả. Phải xử lý rõ ràng trách nhiệm người đứng đầu và truy thu lại ngân sách.  Tiền Nhà nước từ là tiền của dân, cho nên anh đưa tiền dân ra mà không hiệu quả thì phải bỏ tiền túi ra mà đền. Tâm lý của nhiều người đi nước ngoài thực chất là đi chơi, đi cho oai thì phải chấn chỉnh”, Tướng Thước nhấn mạnh.
Vấn đề ngoại giao ở mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học việc nào cũng thế. “Đã đi ra nước ngoài thì phải đảm nhiệm chức trách phải hiệu quả. Vấn đề lãng phí nếu rút kinh nghiệm mà khắc phục, sửa chữa thì chấp nhận được. Nếu anh vẫn tiếp tục kéo nhau đi nước ngoài gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước thì người đứng đầu cơ quan ấy nghỉ đi. Đừng lạm dụng tiền thuế của nhân dân”, tướng Thước gay gắt.
GS Ngô Đức Thịnh: Sai lầm từ sự buông lỏng quản lý
Làm gì để giảm 'nạn' xuất ngoại du lịch núp bóng công tác? - Ảnh 2 
GS Ngô Đức Thịnh.
GS.TS Ngô Đức Thịnh nguyên là Viện trưởng viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam (thuộc viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) nhận định: “Theo tôi được biết, Việt Nam là một trong những nước đi nước ngoài nhiều nhất. Tất nhiên, việc chi tiền mà đi mang lại hiệu quả thì rất tốt. Nhưng kinh nghiệm trong thời gian vừa qua cho thấy việc đi nước ngoài của chúng ta hiệu quả kém”.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Bây giờ người ta biến những cuộc đi công tác nước ngoài, đi nghiên cứu khoa học thành việc đi chơi, đi du lịch. Tất nhiên không phải đoàn nào đi cũng không hiệu quả. Có những đoàn đi nước ngoài mang lại dấu ấn tốt cho Việt Nam. Như mới đây, một đoàn của Việt Nam sang tham dự festival ở Hàn Quốc. Bạn bè thế giới rất thích và ấn tượng với những điều giới thiệu về văn hóa Việt Nam. Những chuyến đi đó rất vất vả nhưng văn hóa Việt Nam được giới thiệu sâu rộng đến nước ngoài.
Chính vì việc đi nước ngoài ồ ạt nên chúng ta cũng cần phải xem xét lại. Mỗi đoàn đi nước ngoài phải nêu phải rõ mục đích đi làm gì và khi về phải báo cáo kết quả. Hơn nữa là đại sứ quán các nước cần nắm để hiểu và theo dõi tình hình, hoạt động của chuyến đi. Thực tế hiện nay, nhiều nước đi không cần đại sứ quán và đại sứ quán cũng buông lỏng quản lý.
“Kể cả một đề tài khoa học cấp Nhà nước khi đi nước ngoài nghiên cứu cũng phải báo cáo rõ ràng và phải có kết quả cụ thể. Việc nhiều người đi kiểu đi chơi mà dùng tiền ngân sách Nhà nước thì rõ ràng không nên. Đó là tiền nhân dân đóng thuế về mặt lương tâm không được mà về mặt nhân cách thì sai. Cái này Nhà nước phải chấn chỉnh. Đừng để nước bạn chê cười về những chuyến đi hời hợt của chúng ta. Tôi nghĩ cái này làm chặt chẽ là được”, GS Thịnh khẳng định.
Mời chuyên gia đi nước ngoài để hợp thực hóa đi chơi
Một vị giáo sư ngành sinh học ngạc nhiên về chuyện lấy tiền đầu tư cho phát triển nghiên cứu khoa học để... đi nước ngoài. “Có tỉnh cử không ít cán bộ đi nước ngoài khảo sát khoa học và khảo sát toàn những nơi, những việc đã có không ít đoàn của chúng ta đã đến rồi. Tiền ngân sách rót về địa phương để nghiên cứu khoa học nhưng họ lại lấy ra để “cho nhau đi”... chơi. Vì không biết tiếng và để hợp thức hoá chuyến đi nên họ mời tôi tham gia. Vậy là nơi cần tập trung nghiên cứu khoa học thực sự lại không có kinh phí, có những nơi thì lại không biết dùng kinh phí nghiên cứu vào việc gì. Thật xấu hổ, như vậy bao giờ khoa học mới tiến bộ lên được”, vị GS này bức xúc.
(Theo Người đưa tin) MINH KHÁNH - CAO TUÂN

Thực ra việc kết hợp công tác-du lịch, các địa phương chỉ "học tập" Trung ương mà thôi. Tôi thấy có vị lãnh đạo cấp cao đi thăm nước nào cũng mang theo phu nhân mặc dù chẳng liên quan gì tới công việc, thậm chí nước bạn cũng chẳng đưa phu nhân của lãnh đạo đồng cấp ra tiếp đón. Muốn làm nghiêm việc này, trước tiên hãy gương mẫu từ trên!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét