10:30
Gió Đại Phong và phong
cách Nguyễn Chí Thanh
Đại
tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967) là vị đại tướng thứ hai của QĐNDVN sau Đại
tướng Võ Nguyên Giáp. Ông sinh tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa
Thiên ngày 1.1.1914, đến nay tròn thế kỷ - muộn hơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp
ba năm và ra đi trước người anh cả của quân đội gần nửa thế kỷ. Ông cũng là
một vị tướng huyền thoại, để lại dấu ấn sâu đậm thời kỳ dân tộc ta trải qua
những biến động sâu sắc nhất trong lịch sử hiện đại: Từ làm cách mạng Tháng
Tám thành công đến thời kỳ thống nhất nước nhà, đổi mới, phát triển.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nổi tiếng xông xáo
trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Thời gian ông chỉ đạo mặt trận này
không dài, chưa tới bốn năm - từ cuối 1960 đến giữa 1964 - thì lên đường vào
Nam đánh Mỹ. Ông là người - theo sự dắt dẫn trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí
Minh - thổi lộng ngọn gió Đại Phong xua bầu không khí trì trệ trong nông thôn
miền Bắc vừa hợp tác hóa xong thì gặp liên tiếp hai vụ mất mùa.
Gió Đại Phong còn gợi cảm hứng cho "Sóng duyên
hải", "Cờ ba nhất", "Phụ nữ ba đảm đang"… - những
phong trào thi đua yêu nước nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần nhân dân ta, làm
chỗ dựa của tiền tuyến, cùng đánh thắng chiến tranh.
Dấu ấn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lưu lại qua mấy năm chỉ đạo
nông nghiệp làm nên phong cách Nguyễn Chí Thanh.
1. Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng tháng 9.1960 bầu đồng
chí Nguyễn Chí Thanh - vừa được phong hàm đại tướng năm trước - làm Ủy viên
Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng…
Một hôm, Bác Hồ mời ông đến, giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Nông
nghiệp Trung ương. Bác bảo: “Phong trào hợp tác hóa mới lên, còn trầm trầm.
Chú hãy tìm cho được điển hình tốt, phát huy nó lên, vận động nông dân thi
đua yêu nước, xua đi bầu không khí kém phấn khởi”.
Điều kiện tự nhiên của hợp tác xã Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện
Lệ Thủy (Quảng Bình) không mấy thuận lợi. Ở vùng đồng chiêm trũng, mỗi năm
cấy một vụ lúa, còn vụ “lúa trái” thì cầm chắc làm năm vụ mất trắng đi ba -
nói theo lời nông dân tại chỗ.
Khởi đầu từ xóm Mỹ Phước, với mấy chục gia đình nghèo tự nguyện
đi vào làm ăn hợp tác, sau hai năm phát triển toàn thôn gồm 420 hộ, làm nông
nghiệp theo hướng đa canh, đa ngành, nhờ vậy tất cả các gia đình đều đạt được
mức sống ngang trung nông. Đầu tháng 1.1961, Hội nghị tổng kết hợp tác hóa
nông nghiệp họp tại Hà Nội.
Chủ nhiệm hợp tác xã Đại Phong báo cáo kinh nghiệm, được đại biểu
đến từ các vùng hoan nghênh nhiệt liệt. Bác Hồ theo dõi sát hội nghị. Bác
viết bài báo ngắn, chỉ mấy trăm từ, ký bút danh Trần Lực đăng báo Nhân Dân,
khẳng định Đại Phong là “một hợp tác xã gương mẫu”(1).
Ngay lập tức, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dẫn đầu đoàn cán bộ,
chuyên viên nông nghiệp vào Quảng Bình, mời Bí thư Tỉnh ủy cùng tham gia về
tại chỗ, dành năm ngày tìm hiểu thực tế, trao đổi với nông dân và cán bộ thôn
xã, rút kinh nghiệm làm ăn.
Tại hội nghị tổng kết có cán bộ toàn tỉnh Quảng Bình tham dự, Đại
tướng - Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương - khẳng định: “Thôn Đại Phong có
nhiều biến đổi, Hợp tác xã Đại Phong đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn”.
Đại tướng đặt vấn đề: Đại hội lần thứ III của Đảng đã đề ra yêu
cầu phấn đấu trong vòng 5 năm, đưa mức sống của đại bộ phận xã viên hợp tác
xã lên ngang mức sống trung nông lớp trên. Liệu chúng ta có làm được? - Có!
Và kết luận sau khi phân tích tính khả thi: “Một dân tộc với cây
gậy tầm vông ra đi kháng chiến cứu nước, cuối cùng đánh đế quốc lăn kềnh ở
Điện Biên Phủ, làm nên sự nghiệp anh hùng. Giờ đây, được Đảng tiếp tục lãnh
đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội theo cách dành dụm từng cái bùloong, mở thêm
từng tấc đất, dân tộc ta nhất định sẽ tiến những bước khổng lồ, giành nhiều
thắng lợi huy hoàng!" (2)
Điển hình tốt - theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, không phải là
nơi thành công nhờ điều kiện thuận lợi, cấp trên đổ đầu tư vào, cán bộ tăng
cường từ nơi khác đến... Thành tựu điển hình kiểu ấy là để ngợi ca, chẳng mấy
ai có thể làm theo. Hợp tác xã Đại Phong được chọn làm điển hình tiên tiến và
hội nghị tổng kết ra lời kêu gọi các nơi học tập, đuổi kịp và vượt Đại Phong
là xuất phát từ cách nhìn: Đấy là một hợp tác xã xuất phát từ những điều kiện
bình thường, phổ biến, tương tự mọi nơi.
Cán bộ hợp tác xã từ nhiều nơi khăn gói, cơm đùm lặng lẽ đổ về
Đại Phong tìm hiểu. Hầu hết đều chung nhận xét: “Ở đây chẳng có gì hơn ta,
thậm chí có mặt còn kém: Ruộng đất xấu, năm nào cũng lũ lụt, đường sá đi lại
khó khăn, đất vỡ hoang thì ở mãi trên rừng, dân chưa có mấy nhà giàu có... Họ
làm được, tại sao ta không thể làm bằng họ, hơn họ?”.
Từ đấy lan tỏa nhanh phong trào thi đua trong nông nghiệp. Sau ba
tháng, có một nghìn hợp tác xã cam kết thi đua. Bác Hồ lại viết bài báo,
khẳng định đã hình thành “Phong trào Đại Phong” (3) và kết thúc Hội nghị
Trung ương 5, Bác thay mặt Trung ương hoan nghênh Phong trào Đại Phong.
2. Một trăn trở thường xuyên nơi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đặc
biệt thời gian ông phụ trách chỉ đạo công tác nông thôn và nông nghiệp, là: Chúng ta ngồi trên trung ương ban hành chính sách,
liệu các chính sách ấy có hợp lòng dân, có đáp ứng nhu cầu thực tế, có phù
hợp xu thế thời đại? Tại sao có những chủ trương của trung ương nhanh chóng
đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả rõ rệt, trong khi không ít chính sách
khác dừng lại ở khẩu hiệu?
Bất kỳ chuyến đi thực tế nào của ông cũng có mục đích cụ thể: Tìm
hiểu thâm canh lúa, tổ chức chăn nuôi đại trà, làm nghề phụ, tạo việc làm cho
dân lúc nông nhàn..., nhưng đằng sau những cái đó chung quy hướng vào việc
tìm lời giải cho trăn trở lớn và như vậy cũng có nghĩa là đặt câu hỏi tiếp:
Vậy Đảng và Nhà nước ta cần có thêm những chính sách gì?
Triển khai Hội nghị Trung ương 5 (khóa III), Bộ Chính trị chuẩn
bị ban hành Nghị quyết về miền núi. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh lại “kéo quân”
- thực tế là vài ba chuyên viên và một nhà báo - “lùng sục” (chữ của ông)
nhiều nơi. Từ Hà Nội lên huyện Bằng Mạc, tỉnh Bắc Giang nghiên cứu Hợp tác xã
Nà Cà, đi tiếp lên một bản huyện Lộc Bình, Lạng Sơn chưa lập hợp tác xã xem
nguyên nhân do đâu. Về Hà Nội, đáp xe lửa thẳng Lào Cai tìm hiểu sản xuất và
đời sống đồng bào Mông.
Một chuyến đi nữa khá dài ngày là theo quốc lộ 6 ngược Tây Bắc,
từ Hòa Bình qua Yên Châu, Mộc Châu, Thuận Châu, lên đèo Pha Đin, sang Mường
Lò, Nghĩa Lộ, vượt sông về Yên Bái, Phú Thọ... Đến đâu ông cũng về bản làng
thăm hỏi, động viên đồng bào, đồng thời quan sát, lắng nghe, ngẫm ngợi về một
số vấn đề ông chưa muốn đặt ra ngay khi tiếp xúc các cấp ủy: Rốt cuộc, đồng
bào các dân tộc đang cần gì? Bà con nghĩ sao về các chính sách Đảng và Nhà
nước đã ban hành?
Dạo ấy có phong trào nông dân vùng châu thổ Sông Hồng lên miền
núi tham gia xây dựng kinh tế mới. Đồng bào miền xuôi lên đây có gắn bó như
với quê hương bản quán mình? Mô hình hợp tác nào thuận cho đồng bào dân tộc
sống rải rác? Tìm cách gì dạy nghề, tạo việc làm cho bà con sống heo hút lưng
chừng đèo?...
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không mấy khi hài lòng với những việc
đã làm được. Đến đâu, ông cũng đề cao những nhân tố mới, khẳng định thành
tựu, khích lệ đồng bào; nhưng bên cạnh đó luôn canh cánh những vấn đề cuộc
sống đặt ra, những việc thực tế đòi hỏi mà ta chưa nhìn rõ hướng làm.
Những lần ông đến thăm và trò chuyện thân tình với bà con các
chuyến đi ấy lưu lại nhiều kỷ niệm trong lòng đồng bào. Gần 40 năm sau chuyến
đi theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tôi được tiếp một vị đại tá - cục trưởng
thuộc Bộ Công an đến nhà, hỏi về bài báo kể chuyện vị đại tướng ghé thăm nhà
cụ thân sinh ông. Hưởng ứng chính sách của Đảng, cụ đưa gia đình từ Hà
Trước khi qua đời, cụ dặn con trai được chuyển về Hà Nội công tác
phải tìm và photocopy bài báo gửi các em, cháu, chắt mỗi người một bản, ở đó
cụ tâm đắc câu đại tướng tâm tình: “Trên đất nước này, đâu cũng là quê hương
ta, ở đâu lao động hết lòng ta cũng có thể tìm thấy hạnh phúc” (4).
3. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gắn bó với nhân dân một cách tự
nhiên như bẩm sinh, trời sinh ông ra đã vậy.
Ông tham gia hoạt động cách mạng sớm, 24 tuổi đã được cử làm Bí
thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, 31 tuổi là một trong ba đại biểu miền Trung dự Hội
nghị lịch sử Tân Trào năm 1945. Ông luôn tự tin nhưng khiêm tốn, tự tin ở
quan điểm lập trường nhờ tiếp thu đường lối của Đảng và không giấu dốt, gặp
dịp là mở lòng học tập.
Những chuyến về cơ sở là cơ hội cho ông chan hòa với cuộc sống
người dân, học hỏi bác lão nông tri điền, anh cán bộ xóm về cách xử lý các
vấn đề thực tiễn; những chuyến đi nghiên cứu dài ngày ông mời các chuyên gia
kinh tế, nhà khoa học đầu ngành cùng đi - ấy cũng chính là tạo cơ hội vàng
cho ông được một lúc học từ hai phía: Thực tiễn và hàn lâm.
Kỷ niệm
100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1.1.1914-1.1.2014)
Tháng 10.1961, khi cao trào Đại Phong đã lộng gió khắp miền, qua
báo chí được biết ở nông thôn Triều Tiên có phong trào thi đua Thanh Sơn Lý,
Đại tướng đề nghị Ban Bí thư cho sang thăm nước bạn, chủ yếu để tìm hiểu
phong trào này.
Tư duy biện chứng, về thăm các điển hình tiên tiến lúc nào ông
cũng chỉ ra những mặt bất cập, trong khi đến những nơi khó khăn tưởng không
tìm ra lối thoát, ông lại nhìn thấy triển vọng, giúp anh em khôi phục niềm
tin.
Ông ham đọc sách, sách lý luận và tác phẩm văn học, sách tiếng
Việt và sách tiếng Pháp với cái vốn không nhiều học ở trường, còn nhằm trau
dồi ngoại ngữ và hễ đọc được cuốn sách hay là chia sẻ luôn với những người
chung quanh, có khi thầy trò tranh luận với nhau rồi cùng nhau cười ha hả.
Chính nhờ vậy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn ngang tầm các
trọng trách Đảng và Nhà nước giao và khi ông đột ngột qua đời ở tuổi 53, Thủ
tướng Phạm Văn Đồng đau đớn thốt lên: “Chúng ta mất một con đại bàng trên
trời cao, có tầm nhìn xa trông rộng, lại thấy được cái rất cụ thể trên mặt
đất”.
(1) Đầu đề bài báo. Báo Nhân Dân ngày
11.1.1961.
(2) Báo Nhân Dân ngày 26, 27 và 28.2.1961. (3) Đầu đề bài báo. Báo Nhân Dân ngày 15.4.1960. (4) Bài “Màu áo nâu trên rừng xanh Tây Bắc”, báo Nhân Dân ngày 14.4.1962.
(Theo Lao động)
Phan Quang
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét