Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

09:40

 Quyết tâm chống tham nhũng của Tổng Bí thư

VOV.VN -Việc khởi tố một loạt vụ án tham nhũng lớn, đưa ra xét xử liên tục mấy vụ án điểm vừa qua, niềm tin và hy vọng lại nhen lên…
                                   
Còn nhớ cũng thời điểm này cách đây hai năm, cũng vào dịp Tết đến xuân về, Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ra đời. Lúc ban đầu đó, bản Nghị quyết này cùng một số bài nói và viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực sự tạo ra một xung lực mới về tinh thần cho sinh hoạt chính trị đất nước. Cán bộ đảng viên và nhân dân rất kỳ vọng. 
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sau gần hai năm tổ chức triển khai thực hiện, lúc cao trào, lúc lắng dịu, tuy có thể chưa đáp ứng được sự kỳ vọng và tâm trạng sốt ruột của nhiều người, nhưng cho đến nay, nó đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực, nhất là trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng. Tiêu biểu là việc khởi tố một loạt vụ án tham nhũng lớn, bắt giữ một số bị can có tiếng, đưa ra xét xử liên tục mấy vụ án điểm vừa rồi. Niềm tin và hy vọng lại nhen lên.
Đặc biệt, trả lời phỏng vấn TTXVN nhân dịp xuân mới Giáp Ngọ 2014, bên cạnh việc đánh giá khái quát tình hình đất nước, đưa ra những định hướng hành động cơ bản, thì vấn đề quan trọng, chủ đạo, chiếm phần lớn dung lượng trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư là công tác phòng chống tham nhũng. Điều này thể hiện ưu tiên và quyết tâm hành động của Đảng trước quốc nạn nhức nhối, có sức phá huỷ và xói mòn niềm tin của dân lớn nhất vào vai địa vị và năng lực lãnh đạo của Đảng.
Cho đến nay, nhân dân đã thấy được những bước đi bài bản: theo sau Nghị quyết là công tác tổ chức nhân sự, xong tổ chức nhân sự thì đi vào một số vụ việc trọng điểm, tồn đọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc đưa 8 vụ án, 2 vụ việc vào diện tập trung giải quyết trong năm 2013 cho thấy việc đưa công tác phòng chống tham nhũng đặt trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư, việc tái lập Ban Nội chính Trung ương đã chứng minh hiệu quả.
8 vụ án tham nhũng lớn đã và sắp đưa ra xử không đơn thuần chỉ là thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước hay là sự thoả mãn dư luận, nó là thông điệp đanh thép gửi đến các nhóm lợi ích, các phần tử thoái hoá, biến chất ở Trung ương và địa phương, nó còn cho thấy một chuyển biến mới trong thực thi Pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của Đảng.
Kết quả của những vụ án này không chỉ là nhằm trừng phạt một hay một nhóm cá nhân cụ thể, hay giúp mở ra những vụ án mới, những manh mối tham nhũng khác... Quan trọng hơn, qua diễn biến của các phiên toà, qua phân tích hành vi tội phạm, Nhà nước và xã hội còn vỡ ra nhiều bài học để hoàn thiện pháp luật, khắc phục những sơ hở trong quản lý tài chính, tiền tệ, ngân hàng, các dự án đầu tư, cơ chế quản lý vốn và các doanh nghiệp Nhà nước, quản lý tài nguyên, đất đai và các nguồn lực khác của quốc gia.
Qua đó, Đảng cũng xây dựng và hoàn thiện hơn chính sách quản lý, giám sát, đào tạo, lựa chọn và sử dụng đảng viên vào các vị trí then chốt, trọng yếu. Có lẽ đó là điều cần hơn cả những bản án nghiêm khắc khi xét xử những vụ án tham nhũng điển hình.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một công việc lâu dài; rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trong đó phòng phải là cơ bản, chống phải làm quyết liệt. Tốt nhất là đừng để nó xảy ra; phải tìm cách ngăn chặn, răn đe trước, làm cho người ta không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng... Còn khi đã xảy ra rồi thì phải kiên quyết xử lý; xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp. Xử lý nghiêm cũng là biện pháp phòng tích cực." 

Đúng vậy, xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng luật, là những mệnh lệnh cần thiết và nhân dân muốn nghe lúc này. Trong thực tế, có thể có chủ trương, chính sách nào đó còn chưa dành được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, nhưng quyết tâm chống tham nhũng thì nhân dân tuyệt đối ủng hộ. 
Nếu theo dõi tình hình thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc, có thể thấy họ chống tham nhũng rất quyết liệt, nhiều cán bộ cấp cao thậm chí từng là  Uỷ viên Bộ Chính trị cũng bị bắt và đưa ra xét xử về tội này. Trong khối ASEAN, Singapore có thể coi là ví dụ điển hình về một nhà nước liêm chính. Thực tiễn và kinh nghiệm của họ không khó để tham khảo, học hỏi.
Theo Tổng Bí thư, năm 2014 này, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương sẽ tiếp tục xem xét, đôn đốc chỉ đạo đưa một số vụ án, vụ việc nữa ra xét xử.  Như vậy, sau những phát súng lệnh gây tiếng vang lớn như vừa qua, cỗ máy quét dọn tham nhũng, sâu mọt sẽ chỉ tiến lên chứ không dừng lại. Nhân dân, ai ai cũng hy vọng sẽ là như thế./.
Phạm Kinh Bắc/VOV online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét