Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

09:40

 Diệu kỳ doanh nghiệp nhà nước:

Đang lỗ nặng, lãi 7.900 tỉ ngay sau khi đổi tên

(Doanh nghiệp) - Trong năm 2013 tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) lãi 7.900 tỉ đồng nhưng khoản lãi này không phải do hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại, mà do xoá lãi vay.
Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) vừa xác nhận với báo chí như vậy.

Kỳ diệu khi Vinashin khi từ một doanh nghiệp thua lỗ, chưa làm gì mà SBIC đã có lãi hàng nghìn tỉ đồng
Trong quá trình tái cơ cấu Vinashin, lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo bộ Giao thông vận tải từng không ít lần nói trước Quốc hội: nếu thị trường vận tải biển thuận lợi thì vào năm 2015 Vinashin mới bắt đầu làm ăn có lãi.
Thế nhưng dư luận vốn đã ngạc nhiên về sự “thoát xác” ngoạn mục của Vinashin thành SBIC, ngay sau đó trong ngày cuối năm 2013 ông Nguyễn Ngọc Sự lại thông tin một con số rất đáng chú ý: cân đối tài chính năm 2013, Vinashin đã có lãi 7.900 tỉ đồng thì quả là khó hiểu.
Bởi bản thân SBIC sinh thành từ nền của một tập đoàn thua lỗ chồng chất, nợ hàng chục nghìn tỷ đồng, bỗng nhiên bất ngờ thoát lỗ, hết nợ khi lột xác thành một cái tên hoàn toàn mới đã là lạ.
Nhưng: “Tôi phải nhấn mạnh khoản lãi 7.900 tỉ không phải do hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại mà là kết quả của hoạt động tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu tài chính”, ông Sự cho biết.
Theo ông Sự: "Thực ra, sau khi tái cơ cấu tài chính, chúng tôi được giảm gốc và giảm lãi vay rất nhiều. Trước đây, nếu hạch toán lãi vay vào báo cáo tài chính thì Vinashin sẽ lỗ, nhưng sau khi được xoá lãi vay thì báo cáo tài chính đã không còn âm nữa mà dương lên rất nhiều".
Được biết, Vinashin nợ trên 80.000 tỷ đồng, khi lột xác thành SBIC không có lỗ lũy kế, có vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng.
Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Tổng giám đốc SBIC Vũ Anh Tuấn cho hay, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014 được dự kiến với hai kịch bản: phương án thấp: thi công 82 tàu trong đó 37 tàu xuất khẩu và 45 tàu trong nước; bàn giao 76 chiếc, trong đó 35 tàu xuất khẩu. Giá trị tổng sản lượng ước đạt hơn 6.000 tỉ đồng, tổng doanh thu ước đạt hơn 6.150 tỉ đồng.
Theo phương án cao, toàn tổng công ty sẽ triển khai thi công 127 tàu, trong đó tàu xuất khẩu là 49 chiếc và tàu trong nước là 78 chiếc; số tàu bàn giao là 103 chiếc, trong đó 35 tàu xuất khẩu.
Và  lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu SBIC không được quên sai lầm của Vinashin và phải cho mọi người thấy đây không phải hình thức bình mới rượu cũ.
(Theo ĐVO) Phương Nguyên tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét