Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

09:02

Tăng giảm giá xăng dầu: Bỏ qua quy định?

 Sau 3 năm vận hành Nghị định 84 về cơ chế kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương thừa nhận vẫn có nhiều bất ổn: hệ thống có lúc đứt nguồn cung; công cụ thuế và quỹ bình ổn bị lạm dụng, điều hành giá luôn có độ trễ, tăng giảm chưa theo đúng nghị định.

Lỗi không do nghị định
Đã có lần, một lãnh đạo trong tổ điều hành về giá xăng dầu tâm tình, chúng ta cứ “đổ tội” cho Nghị định 84 sau những bất ổn ở thị trường xăng dầu, nhưng kỳ thực, nghị định này không có ‘tội”, chỉ có những người thực hiện mới có vấn đề. Trong đó, nguyên tắc điều chỉnh giá đã “chết yểu” từ lâu.
Trình lên Thủ tướng dự thảo mới nhất về Nghị định thay thế Nghị định 84, Bộ Công Thương cho biết, phần lớn thời gian qua, giá xăng dầu là do liên bộ trực tiếp điều hành chứ không giao quyền cho doanh nghiệp như quy định.
Thực chất, “công tác điều hành giá đã lạm dụng công cụ thuế và quỹ bình ổn, chưa tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục khi áp dụng bình ổn giá, chưa theo đúng biên độ điều chỉnh giá đã quy định tại Điều 27 của Nghị định 84”, bộ này nhấn mạnh.
xăng-dầu, tăng-giá-xăng, doanh-nghiệp, quỹ-bình-ổn, cơ-chế-xăng-dầu, hoa-hồng, đại-lý, cây-xăng, khan-hiếm, thuế-nhập-khẩu-xăng 
Nguyên tắc điều chỉnh giá, theo cơ quan quản lý, đã “chết yểu” từ lâu.
Cùng đó, quy định giá cơ sở được tính bình quân 30 ngày, bằng số ngày dự trữ lưu thông cũng đang gây bất cập lớn. Bên cạnh ưu điểm là không tạo ra cú “sốc” về giá, nhưng mặt khác, quy định này lại gây nên tình trạng khi giá thế giới xuống nhưng giá trong nước vẫn giữ nguyên hoặc giá thế giới tăng nhưng giá trong nước lại chưa được điều chỉnh kịp thời, gây bức xúc dư luận. Giá bán lẻ trong nước coi như luôn có độ trễ so với giá xăng dầu thế giới đến 30 ngày.
Đánh giá trên của Bộ Công Thương trên thực tế đã được nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị suốt 3 năm qua. Bởi hầu hết tại các lần điều chỉnh giá xăng dầu, chưa bao giờ mức chênh lệch giá cơ sở và giá bán lẻ lên tới 7% như Nghị định 84 quy định. Chỉ cần xê dịch 2-3%, giá xăng dầu đã được tăng ngay. Đến khi giá thế giới giảm, vấn đề hồi phục ngân sách lại được đặt ra hàng đầu bằng việc tăng thuế, trích Quỹ bình ổn... Việc giảm giá cho người tiêu dùng đều xếp cuối cùng.
Và như Bộ Công Thương nhiều lần nhấn mạnh tại một số cuộc họp báo, người cầm trịch cân đo đong đếm chuyện giá xăng dầu là Bộ Tài chính.
Cùng với phân tích trên, Bộ Công Thương cũng cho rằng, chính tâm lý người dân cũng là một nhân tố khiến điều hành giá xăng dầu gặp khó khăn.
“Nhận thức của người tiêu dùng dù một mặt ủng hộ cơ chế kinh tế thị trường nhưng mặt khác, về tâm lý vẫn muốn được Nhà nước can thiệp và thực hiện bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu (trong đó cỏ xăng dầu)”, bộ này nêu rõ.
Chỉ tính riêng trong hai năm 2007 và 2008, khi giá xăng dầu chưa được vận hành theo cơ chế thị trường, số tiền ngân sách nhà nước bù lỗ lên đến khoảng 33.625 tỷ đồng.
Đứt nguồn cung vì để giá lỗ
Nguồn cung và vấn đề lưu thông thị trường xăng dầu là vấn đề thường được né, tránh nhắc đến. Trong khá nhiều trường hợp, khi mà thị trường có tình trạng khan hiếm, hàng chục cây xăng đóng cửa với lý do hết hàng thì thông tin chính thức từ Bộ Công Thương đều khẳng định, nguồn cung đảm bảo.
xăng-dầu, tăng-giá-xăng, doanh-nghiệp, quỹ-bình-ổn, cơ-chế-xăng-dầu, hoa-hồng, đại-lý, cây-xăng, khan-hiếm, thuế-nhập-khẩu-xăng 
Cây xăng số 91-93 Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội nghỉ bán với lý do nhập hàng.
Thế nhưng, tại tờ trình gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương thừa nhận đã có thời điểm, dự trữ lưu thông xăng dầu chưa được đảm bảo đúng theo quy định tại Nghị định 84, dẫn đến có lúc xảy ra tình trạng đứt nguồn cục bộ.
Chẳng hạn, những tháng đầu năm 2011, nguồn cung bị báo động đỏ. Hầu hết thương nhân đầu mối đã giảm nhập, một số đơn vị ngừng nhập khẩu xăng dầu phục vụ tiêu thụ nội địa.
Ví dụ như Tổng công ty Xăng dầu hàng hải Việt Nam - Bộ GTVT, không nhập xăng dầu từ tháng 12/2010. Tổng công ty Xăng dầu Quân đội - Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc Phòng nhập xăng dầu chỉ đạt 6% hạn mức tối thiểu cả năm được phân giao. Công ty CP dầu khí Mê Kông - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam không nhập khẩu xăng dầu từ tháng 1/2011...
Đây là thời điểm các thương nhân đầu mối không được đáp ứng đủ ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu. Doanh nghiệp bị lỗ lớn, giảm hoa hồng cho các đại lý bán lẻ xăng dầu xuống mức quá thấp, không dù bù chi phí, trong khi đó, các ngân hàng ngần ngại cho các thương nhân vay vì lỗ triền miên. Hệ quả là, các đối tác nước ngoài không cho mua hàng thanh toán trả sau do giảm lòng tin với các thương nhân ngành này.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa được Bộ Công Thương nhấn mạnh vẫn là câu chuyện không tuân thủ đầy đủ đúng nguyên tắc điều chỉnh giá xăng dầu tại Nghị định 84.
Bộ Công Thương liệt kê, ví dụ như việc yêu cầu doanh nghiệp cắt giảm lợi nhuận định mức trong tính toán giá cơ sở, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa đúng thời điểm, đúng mức độ, gây lỗ cho doanh nghiệp.
Như phân tích của Bộ Công Thương, ngay tại thời điểm này, doanh nghiệp xăng dầu được yêu cầu cắt giảm, không tính lợi nhuận định mức đối với 3 mặt hàng: xăng, dầu điêzen, dầu hỏa, tạm tính lợi nhuận 0 đồng/lít, thay vì được tính ở mức 300 đồng/lít. Trên danh nghĩa, các doanh nghiệp không được tính lãi.
Hay như việc trích Quỹ bình ổn, tới nay, 6 doanh nghiệp xăng dầu, chiếm một nửa số doanh nghiệp đầu mối đã âm tới 440 tỷ đồng tiền Quỹ bình ổn. Nếu tính chung cả nước, bù trừ giữa các doanh nghiệp thì Quỹ này chỉ dương có 72 tỷ đồng. Vừa qua, doanh nghiệp đang trích Quỹ từ chính vốn của chính mình.
“Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến vốn phục vụ kinh doanh xăng đầu của thương nhân đầu mối và đây là lý do chủ chốt nhất khiến nguồn cung đứt cục bộ”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Rốt cục, đã gần hết năm 2013, Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu vẫn chưa được ra đời. Liên Bộ Tài chính - Công Thương trầy trật sửa lên sửa xuống nhiều lần, trong khi độ minh bạch về thị trường xăng dầu vẫn khiến dư luận không an tâm.
(Theo Vef.vn) Phạm Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét