Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

07:45

 Sau gần 2 tháng, Thủ tướng đã có câu trả lời về cắt bỏ ung nhọt tham nhũng

(Tin tức thời sự) - Thủ tướng vừa có văn bản trả lời câu hỏi của 11 đại biểu Quốc hội, trong đó có nhiều câu hỏi về chống tham nhũng. Như vậy, gần sau hai tháng kể từ ngày bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13, Thủ tướng đã chính thức trả lời các đại biểu.
Cụ thể, ĐB Lê Như Tiến và Nguyễn Thị Khá chất vấn Thủ tướng về trách nhiệm trước Quốc hội về kết quả phòng chống tham nhũng của các cơ quan hành chính nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng:  
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Với trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ (từ tháng 6/2006) và Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng (từ tháng 9/2006 đến tháng 2/2013) đã nghiêm túc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
"Trải qua gần 2 nhiệm kỳ, Thủ tướng đã đề nghị cắt bỏ hoặc trực tiếp cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt quốc nạn tham nhũng. Xin cho biết nguyên nhân và trách nhiệm liên quan đến việc thi hành án, số tài sản thu hồi được từ các vụ án tham nhũng thấp, chỉ đạt khoảng 20%, có vụ chỉ 10%; giải pháp đột phá trong thời gian tới để khắc phục, đặc biệt là 10 vụ đại án tham nhũng đã, đang và sẽ được xét xử”, câu hỏi nêu.
Theo đó Thủ tướng trả lời: Công tác phòng chống tham nhũng luôn được Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Thủ tướng với trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ (từ tháng 6/2006) và Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng (từ tháng 9/2006 đến tháng 2/2013) đã nghiêm túc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính; công khai minh bạch các chính sách liên quan đến doanh nghiệp, người dân và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường thông tin tuyên truyền, phát huy vai trò của nhân dân và báo chí trong phòng chống tham nhũng. Nâng cao năng lực và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, điều tra và đôn đốc xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các vụ tham nhũng nghiêm trọng.
Chính phủ đã sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết TƯ 3 khóa X, tổng kết 5 năm thực hiện luật Phòng chống tham nhũng và cũng đã báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 và 2013.
Các báo cáo đều đánh giá công tác phòng chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu, nhất là trong phòng ngừa tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công, thực hiện công khai, minh bạch.
Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế. Trong giai đoạn 2007 - 2013, đã truy tố gần 2.200 vụ án về tham nhũng với gần 5.300 bị can; xét xử 1.900 vụ với trên 4.300 bị cáo (đây chính là những ung nhọt). Các vụ án tham nhũng lớn đã, đang và sẽ đưa ra xét xử nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc trong xã hội.
Không ít cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa tự phát hiện được tham nhũng. Tham nhũng được phát hiện chủ yếu từ người dân, báo chí phản ánh hoặc do cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra phát hiện. Hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng về phòng chống tham nhũng có mặt còn hạn chế. Việc xử lý một số vụ việc tham nhũng còn chậm.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng kéo dài do mất nhiều thời gian giám định thiệt hại về kinh tế, dẫn đến các tài sản là tang vật vụ án bị hư hỏng, xuống cấp, mất giá trị khi bán đấu giá, không thu hồi được đủ số tiền bị thất thoát, chiếm đoạt. Đồng thời, đối tượng tham nhũng thường có nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó, che giấu, tẩu tán tài sản nên số tài sản, tiền kê biên ít, việc thu hồi tài sản trong thi hành án gặp nhiều khó khăn.
Thời gian tới, thực hiện nghị quyết của TƯ Đảng, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương trong bộ máy hành chính nhà nước thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống tham nhũng, thực hiện đồng bộ các giải pháp với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật để tạo chuyển biến tốt hơn.
Quy định rõ và đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin báo chí và nhân dân trong phòng chống tham nhũng.
Về thu hồi tài sản trong thi hành án. Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện các quy định về giám định tư pháp, nhất là giám định tài chính, giám định chất lượng công trình để rút ngắn thời gian giám định thiệt hại, phục vụ kịp thời, hiệu quả việc xử lý hành vi tham nhũng.
Hoàn thiện quy định pháp luật để ngăn chặn các hành vi đối phó che dấu tài sản và kiểm soát chặt chẽ tài sản của các đối tượng tham nhũng. Kiên quyết thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án.
Những kết quả đạt được và những hạn chế yếu kém trong phòng chống tham nhũng có phần đóng góp cũng như trách nhiệm của ủy viên Bộ Chính trị -Thủ tướng Chính phủ.
Chống tham nhũng: Dàn trận lớn bắt hổ hay chuột con?
Trước đó, tại phiên thảo luận ở Hội trường về phòng chống tham nhũng và tội phạm kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13, đại biểu Lê Như Tiến đã nói thẳng: Tham nhũng chưa bị chặn đứng và đẩy lùi có nghĩa là tham nhũng đang tiến về phía chúng ta và chính chúng ta có dấu hiệu đang dần bị đẩy lùi.

Theo ông Tiến: Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Phiên khai mạc đã thẳng thắn thừa nhận công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) chưa đạt yêu cầu, tham nhũng chưa thực sự bị ngăn chặn và đẩy lùi.
Ông Tiến cũng bộc bạch: “Có vị Đại biểu tâm sự, mỗi lần ra họp Quốc hội, lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ lưỡng, muốn phát biểu gì cũng được trừ phát biểu về tham nhũng vì nếu phát biểu, khi còn cơ chế xin - cho, mình xin …ai cho? Càng không nên phát biểu về tham nhũng ở địa phương vì dại gì “vạch áo cho người xem lưng”. Thế là tiếng nói chống tham nhũng có nguy cơ bị triệt tiêu ngay trên diễn đàn Quốc hội”.
Nói về về minh bạch tài sản, ông Tiến cho rằng: chúng ta có kê khai mà không công khai. Bản kê khai tài sản thường được cất rất ngăn nắp, kín đáo, cẩn mật trong tủ hồ sơ của các cơ quan quản lý cán bộ mà không niêm yết công khai nơi công tác, nơi cư trú của người có chức, có quyền. Có cán bộ cấp phòng ở một thành phố, sau hơn 1 năm, tài sản tăng thêm, có giá trị gia tăng lên đến hàng chục tỉ đồng, có cậu bé mới lớn đã “tích lũy” được cả biệt thự sang trọng, ô tô đắt tiền.
“Chúng ta lên án hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài mà chưa nghiêm khắc với hành vi chuyển dịch tài sản cho người thân của nhiều quan chức tham nhũng. Khi người dân không kiểm soát được thu nhập của công chức thì kê khai chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ mỗi khi đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, ứng cử hoặc bỏ phiếu tín nhiệm. Tai mắt nhân dân trong PCTN không có điều kiện để tỏ tường vì thiếu thông tin, thiếu sự minh bạch”, ông Tiến nhấn mạnh.
Theo ông Tiến, trước đây, chúng ta cho rằng do hệ thống chính sách, pháp luật bất cập, bộ máy chưa hoàn thiện, nhưng nay Luật Phòng chống tham nhũng đã được sửa đổi, bổ sung, cơ quan chuyên trách được tổ chức đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
“Nói một cách hình ảnh là chúng ta đã bầy binh bố trận rầm rộ, bài bản, dàn quân toàn tuyến, khí thế hừng hực, quân lực và hỏa lực hùng hậu, song tham nhũng chưa bị sát thương bao nhiêu, tiêu diệt chưa được là mấy. Quyết tâm chính trị đã có, chứng tỏ hiệu quả PCTN đang nằm ở khâu triển khai thực hiện. Cử tri cho rằng “nợ xấu” về tài chính, tiền tệ cũng đáng lo ngại, song lo ngại nhất là “nợ xấu” lòng tin và “tồn đọng” trách nhiệm trong PCTN”, ông Tiến bức xúc.
Dẫn lại ý kiến trong phiên thảo luận tổ về PCTN và tội phạm, ông Tiến cũng nêu đại biểu quốc hội đề nghị các cơ quan PCTN nên tập trung vào chiến dịch “bắt hổ” với những siêu vụ án làm thất thoát của Nhà nước hàng trăm nghìn tỉ đồng ở một số tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại, công ty tài chính và các “sân sau”… hơn là dàn những trận lớn để chỉ bắt “mèo nhỏ, chuột con”, có như thế mới nhanh chóng giải tỏa tâm trạng trong dân.
(Theo Đất Việt) Phương Nguyên
Tựa đề do Kinh Bắc đặt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét