Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

07:32

 Vừa chào 2014, EVN lập tức đề nghị tăng giá điện

 

Sau năm 2012 và 2013 đều có lãi lớn, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đặt mục tiêu năm 2014 tiếp tục có lãi, đồng thời kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho điều chỉnh giá bán điện.

EVN
Giá điện năm 2014 tiếp tục tăng thêm ít nhất 34 đồng/kWh - Ảnh: Ngọc Thắng
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh 2013 ngày 4.1.
Giá điện 2014 tăng lên 1.533,09 đồng/kWh
Giá bán điện bình quân toàn EVN năm 2013 ước đạt 1.498,8 đồng/kWh, tăng 134,5 đồng/kWh so với năm 2012. Trong đó, giá bán bình quân của 5 tổng công ty điện lực là 1.497,32 đồng/kWh, tăng 6,22 đồng/kWh so với kế hoạch điều chỉnh của năm 2013 (1.491 đồng/kWh). Theo EVN, việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở 179 xã, bán điện trực tiếp đến hơn 200.000 hộ, giá bán điện bình quân tăng từng khu vực từ 200 - 300 đồng/kWh đã đóng góp nâng giá bán điện bình quân của toàn tập đoàn này. Kết quả là doanh thu bán điện EVN năm 2013 ước đạt 172.000 tỉ đồng, tăng 19,85% so với năm 2012.


Giá bán điện bình quân các thành phần trong năm 2013: nông nghiệp: 1.299,11 đồng/kWh; công nghiệp xây dựng 1.354,23 đồng/kWh; thương mại dịch vụ 2.343,29 đồng/kWh; quản lý tiêu dùng 1.587,45 đồng/kWh; các thành phần khác 1.645 đồng/kWh.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia, nếu xét trên yếu tố lượng khách hàng phát triển mới của EVN trong năm 2013 tăng không cao (3,82% so với năm 2012), điện thương phẩm cũng tăng thấp hơn dự kiến (tăng 9,1%) thì việc giá bán điện thực tế của EVN tăng gần 9% so với năm 2012 có phần không nhỏ nhờ tăng giá bán điện. Nếu tính trên tổng lượng điện thương phẩm của năm 2013 đạt 115,069 tỉ kWh, việc giá điện năm 2013 tăng thêm 134,5 đồng/kWh so với giá bán năm 2012 đã giúp EVN có thêm 15.476 tỉ đồng tiền bán điện.
Đáng chú ý, EVN đặt mục tiêu toàn tập đoàn sản xuất kinh doanh điện có lãi và giá bán điện bình quân năm 2014 tăng lên 1.533,09 đồng/kWh. Như vậy, giá điện năm 2014 sẽ tăng thêm ít nhất 34 đồng/kWh để đảm bảo các mục tiêu trên. Nếu tính trên tổng sản lượng điện thương phẩm trong năm 2014 dự kiến đạt 126,5 tỉ kWh, EVN sẽ có thêm hơn 4.300 tỉ đồng doanh thu nhờ việc tăng giá điện này. Mặt khác, EVN cũng đặt mục tiêu trả nợ gốc và lãi vay gần 33.000 tỉ đồng trong năm 2014.
Trước kiến nghị tăng giá điện của EVN, tại buổi tổng kết ngày 4.1, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 69 cho phép điều chỉnh giá điện theo thị trường. Nhưng ông cũng nhắc EVN phải công khai, minh bạch toàn bộ số liệu đến với người tiêu dùng. “Vừa rồi Hội Bảo vệ người tiêu dùng nói số liệu công bố toàn của EVN. Bộ Công thương phải giải thích rõ, toàn bộ số liệu phải của kiểm toán, nếu Bộ Công thương nghi ngờ có quyền giao một kiểm toán độc lập khác nữa kiểm tra. Người tiêu dùng có quyền được biết các số liệu minh bạch”, Phó thủ tướng nói.
Nguy cơ mất an toàn hệ thống
Cũng theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, không chỉ về giá điện, người dân còn quan tâm đến dịch vụ và chất lượng điện, nhưng chất lượng điện hiện vẫn chưa đáp ứng được, điện áp không ổn định. Bản thân EVN cũng thừa nhận, tại một số khu vực có phụ tải tập trung cao ở miền Bắc và miền Nam vẫn chưa khắc phục được tình trạng quá tải cục bộ đường dây và trạm biến áp. Khu vực dùng điện mua Trung Quốc chất lượng điện áp không ổn định (trong mục tiêu năm 2014, EVN vẫn đưa ra kế hoạch mua điện Trung Quốc là 2,46 tỉ kWh). Tổn thất điện năng trên lưới truyền tải tăng cao hơn so với năm trước (tỷ lệ tổn thất điện năng toàn hệ thống ước 8,9%, cao hơn kế hoạch 0,1%, trong đó tổn thất trên lưới truyền tải là 2,72% cao hơn kế hoạch tới 0,42%).
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (NPT), cho rằng cần tăng giá truyền tải. Vì giá truyền tải thấp, khả năng tự đầu tư của NPT không có. Ông Hùng cũng đề nghị có cơ chế để duy tu sửa chữa, đặc biệt là ngưng sử dụng các dự án đã hết hạn sử dụng. “Vì sự cố truyền tải nguy hại hơn sự cố nguồn. Một sự cố cành cây va vào đường dây cũng gây mất điện cho 22 tỉnh, cho thấy lưới điện hiện rất yếu, hệ thống điện yếu. Trong khi đó hiện nay không có tiền và cũng không có cơ chế duy tu sửa chữa, cắt điện để xây dựng mới”, ông Hùng nói. Đồng ý kiến nghị này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu EVN tăng giá truyền tải, cũng như dồn vốn cho truyền tải, không bao giờ để thiếu vốn cho truyền tải, do đây là lĩnh vực độc quyền nhà nước. 
Giá điện gánh áp lực trả nợ của EVN
Trước đó, Chính phủ đã cho phép hạch toán vào giá thành và xử lý khoản lỗ 38.000 tỉ đồng nợ treo chênh lệch tỷ giá và khoản lỗ năm 2010 - 2011 bằng các khoản lãi kinh doanh của các năm sau đó. Để đảm bảo cho EVN có lãi sau khi trích hàng nghìn tỉ đồng để bù lỗ, giá điện đã phải gánh thêm rất nhiều áp lực, và thực tế EVN đã có lãi cao hơn nhiều so với các con số công bố. Năm 2012, dù công bố lãi 6.000 tỉ đồng, nhưng EVN cũng đã bù lỗ được 18.200 tỉ đồng cho khoản lỗ trên. Năm 2013, số lãi theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, chỉ khiêm tốn 120 tỉ đồng, nhưng EVN cũng đã kịp lấy lãi bù lỗ cho khoảng 4.000 tỉ đồng. Với 16.000 tỉ đồng nợ treo còn lại được chia cho 2 năm 2014, 2015, giá thành điện mỗi năm sẽ phải gánh thêm 8.000 tỉ đồng nợ treo này của EVN.
(Theo Thanh niên) Mai Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét