Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013


09:11

 Phí bảo trì đường bộ:

Bí quá nên chọn cách bổ đầu phương tiện

(ĐVO) - "Nếu không lường trước và không có giải pháp chuẩn thì chắc chắn trong một thời gian tới dư luận lại mất nhiều công sức, giấy mực để nói đến chuyện tiêu cực, lãng phí trong quản lý quỹ này.", TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết.

Thu phí đường bộ bí quá mà làm

PV:- Ngày 1/1/2013, quy định thu phí bảo trì đường bộ với ô tô, xe máy chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên quy định này vẫn gây nhiều tranh cãi về tính bất cập, không khả thi gần như là ép người tham gia giao thông phải đóng  phí chứ không phải là khiến dân tự nguyên. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

TS Lê Hồng Sơn (LHS): -Về quỹ bảo trì đường bộ và việc thu phí sử dụng đường bộ đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Đáng lưu ý, chủ trương này là do luật định (tại điều 49 của Luật giao thông đường bộ). Chính phủ đã có Nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ. Bộ Tài chính cũng đã có thông tư hướng dẫn chế độ thu nộp và quản lý, sử dụng quỹ bảo trì đường bộ. Như vậy, chủ trương đã rõ.
Chính phủ đã có cân nhắc lựa chọn các phương án về thu phí sử  dụng đường bộ như: Thu qua xăng dầu, thu qua đầu phương tiện. Phương án nào cũng có ưu điểm và hạn chế.

Thu qua xăng dầu thì nhiều loại máy móc sử dụng xăng dầu nhưng không lưu thông trên đường bộ. Phương án này được loại bỏ.

Thu qua đầu phương tiện cũng thể hiện tính bất cập. Để phân loại phương tiện và ấn định mức thu, phương thức thu đối với từng loại phương tiện, nếu không tính toán kỹ sẽ nảy sinh bất cập như, phương tiện lưu thông nhiều, lưu thông ít thậm chí trong một thời gian dài không lưu thông.

Phương án được lựa chọn hiện nay, theo tôi còn nhiều bất cập, chưa phúc đáp hết yêu cầu về tính minh bạch công bằng.

Đồng ý là không thể cầu toàn nhưng cũng không nên để những bất hợp lý thái quá gây điểm nóng trong dư luận như thời gian vừa qua.

PV: -Theo ông, những bất hợp lý thái quá thể hiện ở những nội dung nào?

TS  LHS: - Tôi xin nêu ví dụ: Dư luận đã băn khoăn rất đúng là có một số loại phương tiện bị thu trùng, thu 2 lần như đối với xe kéo và phương tiện rơ-moc. Có một số trường hợp, thực tế lưu thông trên đường nhiều ít khác nhau. Khi định lượng mức thu và mức giảm trừ chưa thật sự hợp lý.

Thu trùng thì đã rõ, sắp tới cần có giải pháp để khắc phục. Lưu thông trên đường nhiều ít khác nhau mà mức thu như nhau cũng là một bất cập lớn không thể bỏ qua. Chẳng qua bí quá mà phải lựa chọn phương thức thu bổ đầu phương tiện.  Phương án này khiến người sử dụng phương tiện phải cầm lòng chấp nhận.

Theo tôi, phương thức thu đối với ô tô khi đăng kiểm đã bộc lộ tính không thống nhất của thể chế. Nếu coi đóng phí là điều kiện bắt buộc để đăng kiểm thì có  thể loại quy định xử phạt hành chính đối với hành vi không nộp phí đối với xe ô tô. Bởi khi đã nộp phí mới được đăng kiểm thì không cần phải có quy định này.

Để thực hiện việc này cần phải căn chỉnh một số nghị định có liên quan như: Quy định về đăng kiểm, Quy định xử phạt đối với trường hợp không nộp phí sử dụng đường bộ.

Phải bồi thường  nếu tai nạn do đường xấu
PV: -  Theo Nghị định 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ. Đóng phí bảo trì đường bộ là nhằm bảo trì đường bộ (duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp cho khoảng gần 280.000km đường.

Là một người tham gia giao thông, sắp tới cũng phải đóng các loại thuế, phí theo quy định nhưng hàng ngày vẫn phải lưu thông trên những con đường xấu, ổ gà, lỗi lõm, ngập úng, tắc đường. Hay những thông tin như nứt hầm cầu Kim Liên, cầu Thăng Long trơ lõi sắt,...

Theo ông, bên cạnh quy định thu phí của người dân Bộ GTVT cũng cần cam kết trách nhiệm của mình khi người dân đã đóng tiền mà vẫn không được dịch vụ tương ứng? Nên chăng có một quy định cụ thể để Bộ cam kết trách nhiệm với người dân?


TS  LHS: - Đúng, đã thu và xây dựng quỹ bảo trì đường bộ và sử dụng phương thức thu từ chủ phương tiện thì đương nhiên phải xác định rõ ràng minh bạch, đầy đủ trách nhiệm của việc sử dụng quỹ trong việc duy tu, bảo trì đường bộ.

Làm sao để trong một thời gian hợp lý, người đóng phí có quyền đòi hỏi được sử dụng những đường bộ thông thuận, đạt chuẩn không còn ổ voi, ổ gà và những đoạn đường hư hỏng, lầy lội. Đây là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền sử dụng quỹ bảo trì đường bộ.


Những con đường "tuổi ít, bệnh nhiều". Ảnh Internet
Nếu xét về nguyên tắc nhà nước pháp quyền, nguyên tắc bình đẳng giữa bên đóng phí và bên cung cấp dịch vụ thì có thể nghĩ đến và nên hướng tới quy định rạch ròi về trách nhiệm bồi thường nếu bên cung cấp dịch vụ (mà ở đây là đường bộ không thông thuận đạt chuẩn) còn ổ voi, ổ gà gây thiệt hại cho người sử dụng đường bộ. Đáng tiếc là hiện nay chúng ta chưa đạt tới nguyên tắc này kể cả trong tư duy lẫn trong thực tiễn xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Thời gian tới, cần phải lưu ý trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu đường bộ không đạt chuẩn là nguyên nhân gây thiệt hại về tính mạng, tài sản cho công dân. Tuy nhiên, tôi cho rằng cũng cần phải có một thời gian hợp lý.
PV:- Theo quy định, thu phí với ôtô sẽ áp dụng trước, xe máy thời gian, hình thức tùy thuộc vào HĐND tỉnh, địa phương quyết định nhưng sẽ phải truy thu. Nếu áp dụng hình thức thu phí theo đầu phương tiện, thì theo ông sẽ phải xử lý như thế nào với 40% xe không chính chủ? Ai là người phải nộp phí, chủ sở hữu hay người sử dụng xe, thưa ông?

TS  LHS: - Đối với xe máy, rõ ràng là không thể gắn với điều kiện đăng kiểm như đối với xe ô tô. Phương án đang lựa chọn hiện nay là giao cho chính quyền cơ sở, xã phường, tổ dân phố.

Việc triển khai hiện nay đang thể hiện sự lúng túng. Người đang sử dụng xe chỉ cần đưa giấy tờ tùy thân, xác nhận nơi cư trú, giấy đăng ký xe và có bản cam đoan là được sang tên đổi chủ. Hiện nay Bộ Công an đang thực hiện theo phương án này.

Về nguyên tắc, theo quy định hiện hành thu bổ đầu phương tiện có thể hiểu theo 2 nghĩa. Một là bất kỳ ai đang sử dụng phương tiện đó thì phải nộp phí sử dụng đường bộ. Hai là, cứ xác định  đúng chủ sở hữu đối với phương tiện mà thu, nghĩa là người đứng tên trong giấy đăng ký xe máy.

Hiện nay cũng chưa có phương án rạch ròi ở chỗ này. Theo tôi, cứ chủ sở hữu phương tiện mà thu. Còn trường hợp, người sử dụng khác với chủ sở hữu thì cũng phải có phương án giải quyết hợp lý.

Chứng từ, biên lai cũng cần phải quan tâm bởi vì đây là căn cứ để chứng minh người lưu hành xe máy đã nộp phí hay chưa nộp. Là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền quy định xử phạt đối với hành vi không nộp phí đường bộ theo quy định của Chính phủ.

Nếu sử dụng loại chứng từ, biên lai như hiện nay thì không đặc chuẩn, khó bảo quản và giá trị pháp lý đối với thể thức hiện nay của chứng từ biên lai này cũng đang là một vấn đề.

Quỹ bảo trì đường bộ không có giải pháp dễ sinh tiêu cực
PV: - Theo điều 2, Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTYQH10 ngày 28/8/2001 của Quốc hội về phí và lệ phí có quy định: "Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ".

Vậy xin hỏi ông việc thu phí theo đầu xe như vậy có hợp lý không, đối với những xe chạy ít hay nhiều hoặc thậm chí không chạy vẫn phải đóng phí?  Làm sao phân biệt giữa phí và thuế để quyết định xử phạt, thưa ông?


TS  LHS: - Phí là gì: Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định. Trong đó có phí sử dụng đường bộ.

Phí sử dụng đường bộ là loại phí bắt buộc đã được quy định của nhà nước, quy định trong luật Phí và Lệ phí, như vậy, đây là mức phí sử dụng dịch vụ chung của toàn xã hội, thì bắt buộc người dân phải có trách nhiệm nộp.
PV: - Hiện nay, cơ quan nào được ra quyết định xử phạt hành chính. Làm sao phân biệt được xe đóng phí rồi hay chưa để xử phạt?

TS  LHS:- Như tôi đã nói, hiện nay chưa có quy định rõ ràng về thẩm quyền cũng như phương thức xử phạt đối với những xe không đóng phí sử dụng đường bộ.

PV:- Trước băn khoăn tiền phí sẽ được sử dụng như thế nào để đảm bảo sử dụng đúng mục đích cho bảo trì, sửa chữa đường bộ được tốt hơn, tránh sử dụng sai mục đích. Ông có thể cho biết, việc kiểm tra, giám sát, sử dụng quỹ sẽ được thực hiện như thế nào?

TS  LHS: -Vấn đề đó đã được quy định rõ tại Nghị định 18/2012/NĐ-CP quy định về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận quan tâm , đó là việc quản lý và sử dụng này như thế nào để đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hợp lý, bảo đảm chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng quỹ này bởi vì đây là khoản tiền không nhỏ do nhiều nguồn đóng góp nên.

Nếu, không lường trước và không có giải pháp chuẩn thì chắc chắn trong một thời gian tới dư luận lại mất nhiều công sức, giấy mực để nói đến chuyện tiêu cực, lãng phí trong quản lý quỹ này.

PV: Xin cảm ơn ông!
                                                  Nguyễn Vũ (Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét