Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013


12:45

Tập đoàn tài chính lũng đoạn thị trường

nganhangphasan
Việt Nam đã hình thành những tập đoàn tài chính, trong hoạt động có hiện tượng đầu tư, sở hữu chéo ngân hàng nhưng cơ sở pháp lý để quản lý, giám sát các tập đoàn này chưa hoàn thiện

Ngày 23-1 tại Hà Nội, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (GSTCQG) đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động và nhiệm vụ năm 2013.

Thao túng ngân hàng

Ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban GSTCQG, cho biết hiện nay, quy mô thị trường tài chính của Việt Nam rất lớn với 130 tổ chức tín dụng, bao gồm 9.665 chi nhánh ngân hàng (NH). Trong đó có 5 NH thương mại (TM) quốc doanh (4 NH đã cổ phần hóa), 34 NHTM cổ phần, 5 NH 100% vốn nước ngoài, 4 NH liên doanh, 18 công ty tài chính, 12 công ty cho thuê tài chính và 1.202 quỹ tín dụng nhân dân. Đối với thị trường chứng khoán, bảo hiểm, cả nước có 105 công ty chứng khoán, 47 quỹ đầu tư, 43 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ, hơn 10 công ty môi giới bảo hiểm và tái bảo hiểm.
Như vậy, thị trường tài chính Việt Nam có cả NH, tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, hình thành nên những tập đoàn tài chính. Một NH có cả công ty con kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm hoặc công ty bảo hiểm nhưng lại có cả NH trực thuộc.
Từng giữ vị trí chánh thanh tra giám sát NH Nhà nước (NN), ông Dương Quốc Anh cho biết năm 2009, NHNN đã báo cáo Thủ tướng về tình trạng đầu tư, sở hữu chéo dẫn đến thao túng NH. Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, thậm chí cả NH chi phối chính sách cho vay, bỏ qua tiêu chí an toàn để cho công ty sân sau vay…

Giám sát chưa tốt

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có nghị định về quản lý cấp phép, hoạt động của các tập đoàn tài chính. Ngay cả Ủy ban GSTCQG – cơ quan có chức năng tham mưu, tư vấn cho Chính phủ về điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính và giúp Chính phủ giám sát chung thị trường quan trọng này – cũng ở trong tình trạng danh không chính, ngôn không thuận, nhiều khi không tiếp cận được thông tin, số liệu chính thống của các bộ, ngành và NH mà phải lấy qua … báo chí.
Ông Lê Đức Thúy, nguyên chủ tịch Ủy ban GSTCQG, cho biết cơ quan này không có điều kiện pháp lý để thực thi một cách đầy đủ chức năng giám sát. “Tôi từng là thống đốc nên biết NHNN mới chỉ thanh tra, giám sát tuân thủ tốt của hệ thống NH, gần đây mới thanh tra giám sát rủi ro và chấp hành tốt pháp luật. Đã xuất hiện tình trạng sở hữu chéo NH nhưng đặt lên bàn xem xét có vi phạm pháp luật không thì rất khó” – ông Thúy nhận định.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban GSTCQG, thừa nhận sau 5 năm hoạt động, cơ quan này mới chỉ thực hiện được chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính chứ chưa thực sự làm được chức năng giám sát, đặc biệt là giám sát điều kiện cấp phép hoạt động của các NH…

Thổi giá tài sản thế chấp

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết qua một kênh thông tin, ông nắm được hiện tượng một số tổ chức tín dụng thổi giá tài sản thế chấp lên mấy chục lần để được vay khoản tiền rất lớn. “Tôi yêu cầu báo cáo nhưng NHNN không biết được có bao nhiêu trong số tài sản bảo đảm của hệ thống NH đã bị thổi giá mà chỉ thừa nhận là có” – Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Ủy ban GSTCQG tập hợp số liệu này, đồng thời nghiên cứu, bổ sung số liệu cũng như đề xuất các giải pháp về xử lý nợ xấu và hiện tượng sở hữu chéo NH. “Muốn xử lý nợ xấu thì phải biết nó là cái gì, ở đâu, bao nhiêu phần trăm có khả năng chuyển từ tốt sang xấu hoặc từ xấu sang tốt, nếu chỉ nói chung chung thì không thể đưa ra được giải pháp. Gần đây, NHNN đã đưa ra được số liệu cụ thể nhưng Ủy ban GSTCQG cần có phân tích, đề xuất thêm” – Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu.
Theo Người Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét