SEA GAMES đang trở thành trò chơi tại các “ao
làng”
Hôm qua, Đại hội đồng Olympic Đông Nam
Á đã họp tại Nappydaw (Myanmar)
để quyết định một số vấn đề về luật và gút lại chính thức số môn thi đấu tại SEA
Games 27 vào cuối năm nay.
Kết quả cuối cùng sẽ có hôm nay, nhưng từ nhiều ngày qua khi nước
chủ nhà tuyên bố sẽ loại bỏ 5 môn có trong chương trình Olympic là bóng bàn,
cầu lông, thể dục dụng cụ, quần vợt và hockey trên cỏ để thay vào đó là các
môn thế mạnh của riêng Myanmar đã khiến dư luận vừa buồn cười vừa hụt hẫng.
Buồn cười vì một lần nữa người ta thấy SEA Games dù đã có hơn 50
năm tuổi vẫn cứ loanh quanh lối suy nghĩ “ao làng”, nghĩa là cứ hễ quốc gia
nào đăng cai thì lại tìm cách loại bỏ những môn mà mình không mạnh nhằm đưa vào
những môn chẳng cần biết có phổ biến không, miễn cứ vận động có 3 quốc gia
ủng hộ, để thâu tóm huy chương. Trước Myanmar cũng có nhiều quốc gia đã làm
như thế như Philippines năm 2005 đưa võ gậy, Thái Lan năm 2007 đưa bóng gỗ
trên cỏ, Indonesia năm 2011 đưa dù lượn, leo tường và cả kempo... ngay cả VN
cũng từng đưa thật nhiều nội dung lặn vào ở SEA Games 22 năm 2003 để vượt xa
các đối thủ khác.
Chính lối suy nghĩ theo kiểu “cờ đến tay ai người đó phất” như
thế đã biến SEA Games ngày càng giống như nơi mặc cả số môn, mặc cả huy
chương, không vì lợi ích thể thao chung của khu vực mà chỉ để phục vụ cho
việc quốc gia đó trở thành cường quốc hoặc bá chủ trong kỳ đại hội mà mình
đăng cai.
Còn hụt hẫng bởi trong khi Đông Nam Á là vùng trũng của thế giới,
cần phải có những thay đổi nhận thức để thu hẹp khoảng cách về trình độ với
các quốc gia khác bên ngoài khu vực, thì người ta lại cố tình gạt bỏ ra ngoài
những nỗ lực này, mặc kệ cho thể thao ASEAN cứ mãi “chìm” trong cái “ao làng”
để không còn đủ khả năng bước ra biển lớn.
Chẳng hạn như giới chức thể thao Đông Nam Á đã từng kêu gọi phải
tăng cường các môn Olympic, hạn chế các môn đặc thù khu vực để nhanh chóng
hòa nhập, bắt kịp ở một số nội dung của các môn thể thao cơ bản và tạo ấn
tượng tốt, có vị thế nhất định ở ASIAD cũng như Olympic thì chính cách làm
thiếu thống nhất, không vì cái chung mà chỉ chạy theo thành tích của nước chủ
nhà khi thẳng tay loại bỏ các môn chính thống, loại bỏ nhiều nội dung của
những môn có trong Olympic đã biến SEA Games ngày càng mất giá và trở thành
sân chơi “hỗn loạn” không còn sức thu hút một cách tích cực.
Đến bao giờ mới có thuốc chữa cho căn bệnh trầm kha này? Theo
chúng tôi cách tốt nhất là SEA Games phải có một “đầu tàu” đàng hoàng, chuẩn
mực. Có nghĩa là phải đưa ra hệ số môn thống nhất và để khuyến khích phong
trào chỉ chấp nhận cho thêm 1-2 môn truyền thống của nước chủ nhà. Phải dứt
khoát đoạn tuyệt với kiểu “ao làng” như thế thì may ra thể thao Đông Nam Á
mới sớm bước khỏi vùng trũng.
(Theo Thanh niên) Quang Tuyến
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét