11:40
"…
Chạy công chức 100 triệu là có thật, thậm chí còn nhiều hơn"
(GDVN) - “Nếu không thanh tra ra
thì cũng không được tuyên bố là không có mà phải xin khất, xin lỗi với dân
rằng chúng tôi chưa thanh tra được ra và cho chúng tôi thời gian để làm thêm.
Đồng thời cũng xin ý kiến của dân để dân hiến kế, đóng góp trên tinh thần
thực sự cầu thị. Việc gì dân cũng làm được. Bây giờ chỉ có nhân dân mới làm
được chuyện đó và tôi tin rằng thông tin chạy công chức 100 triệu là có thật
và thậm chí còn phải là nhiều trăm triệu”, bà Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy
ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.
"Có ai đi hối lộ mà lấy
hoá đơn"
Trao đổi với Giáo dục Việt Nam về vấn đề chạy công chức 100 triệu và kết luận thanh tra của Sở Nội vụ Hà Nội về việc này, bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: “Tôi tin vào văn kiện của Đảng. Văn kiện của Đảng nói rằng việc chạy công chức nằm trong phạm trù tiêu cực của xã hội. Văn kiện này có nói về việc một bộ phận không nhỏ Đảng viên thoái hoá, biến chất. Bây giờ kiểm điểm từ trên xuống dưới rồi thì cũng không thấy bộ phận ấy đâu, kể cả là nhỏ chứ chưa nói đến là bộ phận không nhỏ.
Tôi cho rằng phải xem xét lại hai vấn đề: Thứ nhất tin chạy công chức 100 triệu là thất thiệt nên thanh tra tìm không ra. Thứ hai là tin có thật nhưng có thể người đã chạy công chức có thể vì vấn đề gì đó mà bức xúc, bây giờ không chịu trách nhiệm nên cũng không thể tìm được ra. Việc này đâu có bằng chứng, có ai đi hối lộ mà lại đòi lấy hoá đơn?”. Khi được hỏi về kết quả thanh tra của Sở Nội vụ Hà Nội, bà Hoài Thu cho rằng: “Tôi thấy việc thanh tra là khôi hài và có khi việc thanh tra lại trở thành bình phong cho những tiêu cực về sau. Làm sao mà thanh tra ra được? Chỉ có một cách là lấy đạo đức của người cán bộ ra. Tôi nghĩ rằng người có quyền cho người ta cái chức cũng phải là người “lớn” chứ đâu có thể chỉ là cán bộ mới vào công chức được mấy ngày đã làm nổi việc đó. Và cán bộ, Đảng viên đó cũng không có lương tâm, đạo đức của người Đảng viên chân chính.”. Trước việc dư luận bày tỏ sự hoài nghi với kết luận Thanh tra của Sở Nội vụ Hà Nội, bà Hoài Thu nói: “Người dân không tin vào kết luận thanh tra là đúng thôi. Bản thân tôi là người dân còn không tin và thấy rất buồn cười, rồi bức xúc. Anh thanh tra kiểu gì? Cứ cho là anh thanh tra đúng bài bản theo Luật Thanh tra nhưng phải khoanh khu vực: khu vực tài chính, khu vực giáo dục…thì mới có thể làm được chứ. Nếu thanh tra chung trong diện rộng thì làm sao có thể thanh tra ra được mà chỉ gây ra tốn kém, không khéo còn làm trò cười cho thiên hạ. Bây giờ chỉ có nhân dân mới làm được chuyện đó và tôi tin rằng thông tin chạy công chức 100 triệu là có thật và thậm chí còn phải là nhiều trăm triệu”. Về ý kiến cho rằng, khi thanh tra không ra thì Cơ quan điều tra nên vào cuộc để điều tra việc chạy công chức 100 triệu, bà Hoài Thu chia sẻ: “Chức năng điều tra của Công an khác với chức năng thanh tra nên việc này không thuộc về chức năng của công an. Những vụ tiêu cực vừa qua là từ người dân phản ánh lên báo chí rồi sau đó vụ việc mới được phanh phui ra. Con mắt của dân là con mắt khóm, con mắt dứa (nhiều mắt). Bây giờ chỉ động viên nhân dân, muốn động viên được nhân dân thì mình phải làm thật chứ không phải là những việc làm hình thức”. Vấn đề ở đây là đạo đức của cán bộ. Còn đánh giá thông tin về 30% công chức sáng “cắp ô đi tối cắp ô về” bà Hoài Thu cho rằng con số này cũng không hoàn toàn do chạy công chức mà ra. Trong tình trạng thừa người nhưng thiếu việc, công tác quản lý lỏng lẻo, nhiều cán bộ không được bố trí đúng công việc theo ngành nghề đã gây ra con số kia là chủ yếu.
Tuy nhiên khi nói về ý kiến cho rằng vì lương thấp nên cán
bộ tuyển công chức phải làm việc “chạy công chức”, bà Hoài Thu cho rằng mình
không thể "vơ đua cả nắm" như vậy vì không phải cán bộ nào làm công
tác tuyển dụng công chức cũng làm như vậy. Vấn đề ở đây là đạo đức của cán
bộ.
Nhưng người cán bộ chấp nhận việc chạy công chức không phải vì dân vì nước mà vì tư lợi. Đó là những người giàu rồi nhưng vẫn muốn giàu hơn. Có nhiều cán bộ lương thấp nhưng người ta đâu có làm việc đó mà cuộc sống của họ trong sạch lắm. Cũng theo bà Hoài Thu, “việc thanh tra không ra cũng không hẳn là xuất phát từ cơ chế người đứng đầu chịu trách nhiệm (tức là người đứng đầu càng khui ra nhiều tiêu cực thì càng phải chịu trách nhiệm nhiều hơn). Đó chỉ là một góc nhìn, mỗi người có một cách nhìn khác. Nếu là do cơ chế mà không có thanh tra ra thì sửa cơ chế đi. Cơ chế là cái chủ quan do chúng ta tạo ra chứ không phải là quy luật khách quan mà không sửa được. Nhưng tôi thấy mình sửa cơ chế nhiều rồi nhưng cũng đâu có được. Vấn đề gốc ở đây chính là đạo đức của cán bộ. Nguyên lý của Thanh tra không phải là có tiêu cực mới thanh tra mà là thanh tra để cho người ta đừng làm sai. Dù đã có phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhưng nhiều cán bộ hiện nay mới chỉ dừng lại ở khâu học thuộc mà chưa làm theo. Những hoạt động tham nhũng đã quá tinh vi nên Luật không theo kịp. Mà Luật cũng rất khó theo kịp vì nó rất tế nhị”.
Khi hỏi về việc Hà Nội có nên tổ chức thanh tra lại, bà
Hoài Thu cho rằng, nếu thanh tra lại mà làm rõ được tiêu cực thì mới tổ chức
lại, còn nếu không tìm ra thì không nên. “Tôi không biết việc này, lãnh đạo
TP Hà Nội nghĩ thế nào, chứ nếu tổ chức thanh tra lại bằng việc lập một đoàn
thanh tra khác rồi làm như trước thì chắc khó tìm ra nếu không khoanh vùng cụ
thể.
Mà nếu không thanh tra ra thì cũng không được tuyên bố là không có mà phải xin khất, xin lỗi với dân rằng do năng lực và thời gian nên chúng tôi chưa thanh tra được ra, cho chúng tôi thời gian để làm thêm. Đồng thời cũng xin ý kiến của dân để dân hiến kế, đóng góp trên tinh thần thực sự cầu thị. Việc gì dân cũng làm được. Tôi tín nhiệm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Tôi đặt hy vọng rằng nếu Hà Nội làm được việc này để làm gương cho những tỉnh thành còn lại thì rất tốt”, bà Hoài Thu hiến kế.
(Theo
Giáo dục VN) Hồng Chính Quang
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét