20:10
Đại gia Việt suy yếu vì đâu?
(Petrotimes) - Trong một phát biểu gần đây, khi nói về cái gọi là đại gia ở Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh thẳng thắn nói: "Những đại gia giàu nhất của nước Việt Nam không phải là những người đã có đóng góp nhiều về khoa học công nghệ, không phải là những người đã có bằng sáng chế, phát minh..., mà là những người đã khai thác được nhiều đất đai, đã đẵn được nhiều gỗ, đã khai thác được nhiều mỏ,… Thế thôi chứ không phải là những người có đóng góp xuất chúng gì về công nghệ như ông Bill Gates và những người khác". Từ đó để thấy rằng, khi những liều “doping” bất động sản (BĐS), chứng khoán,… không còn phát huy được tác dụng thì “sức khỏe” của đại gia Việt suy yếu cũng là lẽ tất nhiên!
Ông Nguyễn Đức Kiên - "bầu" Kiên.
“Chết đuối” chứng khoán và cũng vì BĐS?
Trong một năm đầy biến động, khó khăn, nền kinh tế đã chứng kiến một loạt những cú “sốc” đánh dấu sự đi xuống của giới đại gia Việt Nam. Với riêng lĩnh vực tài chính – ngân hàng, sự kiện “bầu” Kiên bị bắt có thể xem là “sốc” nhất, nổi bật nhất trong năm 2012.
Ghi nhận trên thị trường chứng khoán cho thấy, chốt phiên giao dịch ngày 23/8 (tức 3 ngày sau khi “bầu” Kiên bắt), VN-Index rơi xuống mức 392,8 điểm – giảm 10,2% so với ngày 20/8, chỉ số HNX-Index cũng mất 13,4% giá trị. Và theo tính toán dựa trên những sự sụt giảm trên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã “bốc hơi” 80,15 tỉ đồng, tương đương 3,85 tỉ USD.
Cũng trong thời gian trên, chỉ tính riêng 5 đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, giá trị cổ phiếu đã sụt giảm gần 1.500 tỉ đồng.
Điều đáng nói là trong khi gia đình “bầu” Kiên chỉ mất gần 300 tỉ đồng thì “bầu” Đức – một trong những ông bầu bóng đá nổi tiếng ở Việt Nam và sở hữu 259.670.859 cổ phiếu HAG lại mất tới 441,4 tỉ đồng. Đây có thể xem là điều bất thường bởi thực tế, trước khi “bầu” Kiên bị bắt, giá cổ phiếu HAG đã có 2 phiên tăng liên tiếp và giữa 2 ông “bầu” này chẳng có chút liên quan gì đến với nhau ngoại trừ… bóng đá.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra với bà Nguyễn Hoàng Yến – Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn MaSan, Phó Tổng giám đốc và Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer, người nắm giữ 21.779.528 cổ phiếu MSN.
Cụ thể, ngày 21/8, giá của MSN giảm tới 5.000 đồng/Cổ phiếu, tương ứng 5% và đóng cửa ở mức 96.000 đồng/Cổ phiếu và đến này 22/8, mức giảm xuống có nhẹ đi đôi chút nhưng chốt phiên giao dịch trong ngày, giá MSN vẫn giảm tới 3.500 đồng/Cổ phiếu về mức 92.500 đồng/Cổ phiếu. Tính chung cả 2 phiên giao dịch, tổng giá trị tài sản tính trên giá trị cổ phiếu của bà Yến đã bị “bầu” Kiên “thổi bay” 185,1 tỉ đồng, giảm xuống còn 2.014,6 tỉ đồng.
Sự bất thường này sau cú sốc “bầu” Kiên khiến không ít nhà đầu tư nhận định “bầu” Kiên chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng “bốc hơi” hàng ngàn tỉ trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trước hiện tượng trên, chuyên gia kinh tế - chứng khoán Việt Nam Imai Masayuki khẳng định trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình tại Tokyo rằng: Thông tin về vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt thu hút rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng.
“Sự cố của một doanh nhân mà làm lung lay cả một thị trường chứng khoán rộng lớn là điều hiếm thấy. Nếu có xảy ra thì cũng chỉ trong ngắn hạn, giúp thị trường điều chỉnh lại sau nhiều phiên tăng điểm liên tiếp” – chuyên gia Imai Masayuki nói.
Từ đó để thấy rằng, cú sốc “bầu” Kiên – một nhân vật có thể được liệt vào đại gia ở Việt Nam, có thể được biết là có nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng nhưng chắc chắn không thể đủ sức ảnh hưởng chi phối, tác động cả thị trường chứng khoán. Có chăng thì đó chỉ là “giọt nước tràn ly” trên thị trường mà thôi.
Thực tế từ gần 2 năm nay, nền kinh tế đã chứng kiến sự sụp giảm của thị trường chứng khoán, cũng như hiện tượng đóng băng, ế ẩm của thị trường BĐS và hiện tượng rút vốn đầu tư của giới đầu tư được xem là tất yếu. Sự kiên nhẫn của nhà đầu tư cũng chỉ có giới hạn, vậy nên, khi những vấn đề được cho là sai phạm trong lĩnh vực kinh tế của “bầu” Kiên được công bố, chút kiên nhân còn lại của nhà đầu tư cũng mất đi.
Và khi hiện tượng “bốc hơi” trên thị trường chứng khoán mới tạm lắng xuống thì một loạt các báo cáo tài chính của một loạt các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán lại được công bố với rất nhiều thông tin vô cùng ảm đạm. Thị trường chứng khoán vừa có dấu hiệu phục hồi đôi chút lại sụt giảm mạnh và cùng với đợt sụt giảm trước đó, tài sản của hàng loạt đại gia Việt Nam bị “lõm nặng”.
Đau đớn nhất có lẽ phải kể đến trường hợp của ông Đặng Thành Tâm – một trong những đại gia từng được liệt vào danh sách giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong bài Nhận diện con đường đại gia, chúng tôi đã đề cập tới con đường trở thành số 1 của ông Tâm với cái nền chính là BĐS. Tuy nhiên, trong một năm mà cả thị trường chứng khoán, BĐS đều gặp khó khăn thì tài sản của ông cũng “bốc hơi” nhiều nhất trong số các đại gia ở Việt Nam.
Tính đến ngày 9/11, ông Tâm đang sở hữu cổ phiếu của nhiều công ty khác nhau, bao gồm KBC, SGT, NVB và ITA (cổ phiếu của Công ty cổ phần Tân Tạo). Mặc dù số cổ phiếu mà ông đang nắm tăng do được hưởng cổ tức tỷ lệ 30% nhưng so với thời điểm đầu năm, các cổ phiếu ông Tâm đầu tư đều giảm mạnh, có mã giảm tới 40%, thậm chí là 60%.
Cùng với hàng loạt các nghi vấn về những sai phạm của ông trong quá trình triển khai các dự án, các hợp đồng vay vốn, thế chấp BĐS,... đã khiến tài sản do ông Tâm sở hữu mất hơn 574 tỷ đồng, xuống còn 820,2 tỷ đồng trong năm nay.
Trong lần xuất hiện bất ngờ tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã gây “sốc” với phát ngôn đầy kiêu hãnh: “Nếu chúng tôi chết thì chả ai sống được”. Mặc dù biết rằng tiềm lực tài chính của vị đại gia là “khủng” nhưng mức độ “khủng” đến đâu, “khủng” như thế nào thì chẳng ai biết.
Người ta chỉ biết rằng, ông hiện đang nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu SGI của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, KBC của Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, ITA của Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo và NVB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Việt. Dư luận xã hội chưa hết “choáng” vì phát ngôn “sốc” của ông thì lại giật mình với những con số thể hiện trong các báo cáo tài chính của các công ty mà ông và các thành viên trong gia đình ông lắm giữ. Điển hình có thể kể đến trường hợp của KBC.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2012 của KBC, lũy kế 9 tháng, công ty này lỗ tới 220,6 tỉ đồng. Đáng báo động hơn, “cục nợ” trị giá 1.800 tỉ đồng nằm tại Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (Navibank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Tây (Westernbank) thông qua việc phát hành trái phiếu với tài sản đảm bảo là BĐS.
Một đại gia khác là ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt (với mã chứng khoán PDR). Ông Đạt từng là một trong những gương mặt mới của danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2010, nhờ sở hữu một trong những cổ phiếu BĐS "hot" nhất thời bấy giờ cũng có giá trị tài sản “bốc hơi” mạnh thứ 2 trong bản danh sách hao hụt tài sản của đại gia Việt.
Cụ thể, trong 2 năm qua, giá trị của 76,8 triệu cổ phiếu PDR mà ông đang nắm giữ - một thời được định giá lên tới 2.600 tỉ đồng giờ chỉ còn trị giá khoảng 930 tỷ đồng.
Vị trí thứ ba trong danh sách “chẳng ai muốn vào” này là bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã cổ phiếu QCG). Theo số liệu công bố số tài sản bà Nguyễn Thị Như Loan bị mất trong năm 2012 là 412 tỷ đồng. Giá cổ phiếu của QCG giảm khiến tài sản bà Loan hiện chỉ còn 400 tỷ đồng so với 812 tỷ đồng năm 2011.
Ngoài ra, danh sách những người giảm tài sản mạnh nhất năm nay còn có nhiều đại gia đình đám khác trên thương trường như ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng cổ phần Á Châu (mức giảm là 168 tỉ đồng xuống còn 534 tỉ đồng); ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cổ phần Á Châu (mức giảm là 138 tỉ đồng xuống còn 428 tỉ đồng);...
Tại sao lại có hiện tượng bất thường này? Điều này chỉ có thể giải thích như sau: Giá trị tài sản thể hiện trên số cổ phiếu của những đại gia trên nắm giữ phần lớn được thể hiện thông qua các mã cổ phiếu BĐS, tài chính – ngân hàng và điều này được thể hiện trong bảng thống kê 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam 2011 thì có tới 7 người nắm được xép hàng đại gia bởi các mã chứng khoán BĐS.
Tuy nhiên, giá trị của các loại cổ phiếu này vốn dĩ vì “gặp thời” lên đã được thổi phòng lên và khi thị trường BĐS lâm vào cảnh đóng băng, ế ẩm, lòng tin của nhà đầu tư bị tổn thương nghiêm trọng thì bản thân giá trị của nó vốn dĩ đã khó đứng vững. Chính trong hoàn cảnh đó, “cơn gió nhẹ” mang tên “bầu” Kiên cũng chẳng khác nào “giọt nước tràn ly” gây lên hiện tượng bán tháo, chạy trốn khỏi thị trường chứng khoán và hệ quả là giá trị các loại cổ phiếu một thời được xem là cổ phiếu vua, cổ phiếu hót trượt giá thê thảm.
Thay lời kết
Thị trường BĐS đi xuống khiến khối tài sản của nhiều đại gia Việt Nam "bốc hơi" không hề nhỏ.
Vẫn biết đã là làm ăn, kinh doanh thì phải có vay, có trả nhưng nếu nhìn vào bản báo cáo tài chính hợp nhất trên cộng với những dự cảm đầy khó khăn trong năm 2013 của nền kinh tế thì không biết, “cục nợ” trên có thể được giải quyết như thế nào? Nhưng có một điều chắc chắn, giá trị tài sản của các đại gia Việt thể hiện thông qua các loại cổ phiếu, tài sản BĐS sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng vì thị trường khó có thể chấp nhận một lần nữa cho hiện tượng đầu cơ, thổi giá.
Mang chuyện trở thành đại gia, thành tỉ phú ở Việt Nam ra thế giới mới thấy một nghịch lý, trong khi những nhân vật được coi là giàu có, là siêu giàu trên thế giới đều gắn liền với những sản phẩm nổi tiếng (máy bay, tàu thủy, các loại xe ô tô, các loại máy tính, điện thoại di động vv…) thì đại gia của Việt Nam lại chẳng gắn với bất kỳ sản phẩm gì hay nói đúng hơn là họ giàu từ các lĩnh vực phi sản xuất.
Bảng thống kê 30 gia đình giàu nhất Việt Nam cho thấy: Họ giàu lên từ BĐS là chủ yếu; Thứ hai là từ tài chính, ngân hàng; Thứ ba là khai thác, chế biến khoáng sản, hải sản…; Thứ tư là dịch vụ ; và cuối cùng là thông tin, truyền thông. Điều này lại hoàn toàn trái ngược với so với thế giới khi những nhân vật được liệt vào danh sách đại gia của thế giới làm giàu từ công nghệ và thông tin; thứ hai là tài nguyên thiên nhiên; thứ ba là buôn bán (bán lẻ); thứ tư là tài chính, đầu tư; và đặc biệt là rất ít người giàu lên từ BĐS.
Minh chứng điển hình nhất cho những phép so sánh trên chúng ta có thể kể đến : Tỉ phú Bill Gate - người giàu nhất nước Mỹ với sản phẩm là hãng máy tính nổi tiếng Microsoft ; Ông Lee Kun Hee – người giàu nhất Hàn Quốc và là ông chủ của hãng Sam – Sung với tên tuổi gắn liền với những sản phẩm như các loại tivi, máy tính, máy điều hòa nhiệt độ, điện thoại di động nổi tiếng. Trong khi đó, những người được liệt vào danh sách giàu nhất Việt Nam lại chỉ gắn liền với đất và đất.
Thực tế đó cũng chỉ ra một nghịch lý khác của giới đại gia ở Việt Nam đó chính là cái cách họ biến mình thành người nổi tiếng. Bill Gate nổi tiếng không chỉ vì là người giàu có bậc nhất nước Mỹ mà còn bởi vì những sản phẩm gắn liền với tên tuổi của ông đã góp phần quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển. Ngoài ra, ông còn được biết đến là một trong những nhà hoạt động từ thiện lớn nhất nước Mỹ với rất nhiều các quỹ học bổng, quỹ từ thiện, các chương trình tài trợ, giúp đỡ người dân trong và người nước Mỹ do ông làm chủ tịch hoặc khởi sướng.
Còn đối với các đại gia Việt Nam thì họ nổi tiếng bởi cái máy bay riêng, chiếc xe bạc tỉ và bởi những ngôi nhà biệt thự nguy nga, lộng lãy, diện trên người những món đồ có giá đến cả trăm triệu,... mà minh chứng là những chiếc xe hiệu Bugatti Veyron, Ferari, Aventador, Lamborghini,...- những sản phẩm mà đến những cầu thủ bóng đá có mức lương lên tới vài triệu USD/tháng còn thèm thuồng, mơ ước - cứ lũ lượt đổ bộ vào Việt Nam vài năm trở lại đây. Thậm chí, họ còn sẵn lòng bỏ ra bạc tỉ đầu tư vào bóng đá chỉ đơn giản để khẳng định cái tôi, cái uy của một đại gia mà “bầu” Kiên chính là minh chứng điển hình.
Trong giới đại gia ở Việt Nam, “bầu” Kiên có thể không thuộc hàng Top đầu nhưng riêng về khoản làm thương hiệu, tạo sự nổi tiếng thì có lẽ chẳng ai có thể qua mặt được nhân vật này. Những Công Vinh, Thành Lương,… những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam quy tụ về đội bóng của ông đã phần nào chứng minh điều đó.
Có thể nói trong thế giới bóng đá, cái gọi là lòng trung thành là một điều gì đó rất xa xỉ. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả những nền bóng đá phát triển trên thế giới. Và theo lý giải của giới chuyên môn thì trong thế giới bóng đá hiện đại, khi đồng tiền đang nắm quyền chi phối thì cái gọi là tham vọng, là định hướng phát triển… không còn là nguyên nhân của những quyết định chuyển nhượng gây “sốc”. Tiền mới chính là vấn đề.
Vậy câu hỏi đặt ra là “bầu” Kiên đã được gì và mất gì từ chiêu mộ một loạt các ngôi sao của bóng đá Việt Nam như vậy. Và nếu nhìn vào những gì mà “bầu” Kiên đã làm trong lĩnh vực bóng đá thời gian qua có thể thấy, ông đã bỏ rất nhiều tiền để đổi lại đó là sự nổi tiếng, là hình ảnh của một ông bầu "thét ra lửa" ở nền bóng đá Việt.
Khi Công Vinh – một trong những ngôi sao bóng đá Việt chuyển về đội bóng của “bầu” Kiên với một bản hợp đồng kỷ lục (được cho là phá vỡ con số 12 tỉ đồng trước đó của Trung vệ Phước Tứ) thì gần như ngay lập tức, hình ảnh một ông “bầu” chịu chơi, chịu chi của nền bóng đá Việt đã hiện ra. Cùng với hàng loạt các cuộc tranh cãi, đấu tố với Liên đoàn bóng đá Việt Nam và đặc biệt là vụ tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá Việt cuối năm 2011 càng tô điểm thêm chân dung một con người được xem là có “tâm huyết” với bóng đá Việt.
Đó chỉ là một trong vô số những ví dụ cụ thể cho con đường nổi tiếng của đại gia Việt Nam nhưng nó cũng đủ cho thấy cái tầm tư duy về sự “nổi tiếng” những người này có vấn đề. Nó cũng thể hiện một điều, sự giàu có đến với họ một cách quá dễ dàng. Và dù rất nhiều người trong số họ vẫn phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng minh có nhiều đóng góp cho xã hội thì chúng ta cũng cần phải nhìn nhận rằng: Tại một đất nước vẫn còn nghèo, còn khó khăn như Việt Nam thì những việc làm đó cần phải nhìn nhận và xem xét lại.
Một Cường “đô – la” nổi tiếng phố Núi với thú chơi xe siêu sang ngày nào giờ cũng im tịt, lặn mất tăm và nếu có xuất hiện thì cũng chỉ là giải trình, giải thích về kết quả kinh doanh bết bát của doanh nghiệp mình mà thôi; “Bầu” Kiên một thời chịu ăn, chịu chơi cùng với bóng đá, từng một thời “quyết chiến” vì bóng đá giờ cũng buông và thậm chí còn đang vướng vào rất nhiều nghi vấn liên quan đến hoạt động kinh doanh trái phép, làm trái quy định của nhà nước, lừa đảo chiếm đoạt tài sản;…
Đảng và Chính phủ không cấm người dân làm giàu, xã hội không ghét bỏ, tẩy chay hàng ngũ đại gia nhưng vấn đề là họ đã làm giàu như thế nào? Đã đóng góp được gì cho đất nước mới là điều quan trọng.
Công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước là một mục tiêu lớn mà toàn Đảng, toàn dân ta đang hướng tới và để đạt được các mục tiêu đó, xã hội, nền kinh tế rất cần một đội ngũ những doanh nhân có tài, có tầm, biết phát huy nội lực trí tuệ, chất xám trong xã hội - thứ mà người Việt Nam luôn được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao để làm ra các sản phẩm có ích, đóng góp cho sự phát triển khoa học – công nghệ - kinh tế - văn hoá - xã hội nước nhà.
(Theo Petrotimes) Thanh Ngọc
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét