Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013


 07:30

 Tính khả thi của văn bản quy phạm


Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, các văn bản quy phạm pháp luật trước khi được ban hành cần được thẩm định nghiêm túc và khách quan. Một trong những nội dung quan trọng phải được thẩm định quy định tại khoản 3, điều 36 là “tính khả thi của dự thảo văn bản, bao gồm sự phù hợp giữa quy định của dự thảo văn bản với yêu cầu thực tế, trình độ phát triển của xã hội và điều kiện bảo đảm để thực hiện”.

Điều này được hiểu rằng, sẽ là vô nghĩa và gây ra những tốn kém không cần thiết khi một văn bản quy phạm pháp luật được dự thảo, nghiên cứu, ban hành nhưng xa rời thực tế hoặc các đối tượng điều chỉnh không thể thi hành hoặc thiếu điều kiện thực hiện. Thông tư 30/2012/TT-BYT, quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố có hiệu lực hôm 20.1 là một ví dụ như thế. An toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có thức ăn đường phố là vấn đề bức xúc của mọi người. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có hơn 400 bệnh lây truyền qua thực phẩm không an toàn. Các quy định siết chặt dịch vụ kinh doanh thức ăn đường phố do vậy, thực sự là cần thiết và được dư luận hoan nghênh. Nhưng những gì mà các cơ quan chức năng thể hiện trong mấy ngày qua, trước sự truy hỏi của báo chí vẫn chỉ là cấp trên đổ cấp dưới, cấp dưới chờ cấp trên.
Thực tế, ai cũng hiểu rằng, tuyến xã, phường không thể nào có đủ cán bộ chuyên môn để thực hiện việc khám sức khỏe, thẩm định cơ sở, cấp giấy phép cho người bán hàng rong như quy định. Những nhà hàng, cơ sở “cơm bình dân” không xin phép thì cơ quan chuyên ngành cũng không thể có đủ số lượng để thanh tra, kiểm tra hết; trong khi những thử nghiệm cho kết quả ngay (test nhanh) lại không đủ cơ sở pháp lý để xử phạt và xử lý nhằm tránh ngộ độc thực phẩm xảy ra, còn chờ kết quả chính thức (thường dài ngày) thì thực phẩm đã được tiêu thụ hết… Tóm lại, các quy định rằng hay thì rất là hay nhưng thiếu điều kiện (hoặc quyết tâm) để thực hiện, thành ra cũng chỉ quy định để mà quy định.
Hoặc Thông tư 45/2012/TT của Bộ Công an quy định chỉ CSGT có “thẻ xanh” mới được tuần tra và xử phạt xe vi phạm. Điều này giải tỏa áp lực dư luận về việc có quá nhiều lực lượng chồng chéo xử phạt vi phạm giao thông. Tuy nhiên, đến ngày có hiệu lực (1.1.2013), tình trạng cảnh sát chưa có thẻ vẫn tham gia việc tuần tra kiểm soát còn phổ biến, điều này được giải thích rằng, do việc làm thẻ không kịp! Trên thực tế, Thông tư 45 chỉ quy định hoạt động của CSGT, các lực lượng khác vẫn hoạt động theo các văn bản khác, cho nên dự báo quy định “thẻ xanh” mới được tuần tra, xử phạt xe xem chừng khó triệt để.
Để giảm thiểu tình trạng văn bản thiếu tính thực tiễn hoặc khi thi hành mang tính chắp vá như kể trên, các cơ quan ban hành chính sách cần thận trọng hơn nữa khi thông qua chính sách cả về tính hợp lý, hợp pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện. Luật pháp có nghiêm thì xã hội mới minh.
(Theo Thanh niên) An Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét