18:10
Bức màn huyền bí
quanh đền Chẹ
ANTĐ
- Đã từ lâu, người dân xã Quang Trung (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) chăm lo hương
khói cho đền Chẹ không chỉ vì sự linh thiêng, mà ngôi đền này còn thờ một vị
tướng dân tộc Mường có tên Lê Hắc Y dưới thời nhà Lê. Điều đáng quan tâm là
trong khi tranh cãi về xuất thân của tướng Hắc Y trong giới sử học còn chưa
ngã ngũ thì có một dòng họ người Mường ở xã Quang Trung có thể kể vanh vách
tiểu sử của vị tướng này.
Đình Chẹ ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa, nơi thờ tướng Hắc Y
Lê Hắc Y họ
Bùi?
Khi chúng tôi đến đền Chẹ để tìm hiểu thông tin, các bô lão trong làng phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để xem có nên cho chúng tôi vào chụp ảnh và xem những tấm sắc phong cách đây hàng trăm năm hay không. Cụ Phạm Văn Kiến gần 90 tuổi cho biết: Rất hiếm khi có người được tận mắt nhìn thấy những sắc phong linh thiêng này. Ngay cả khi lễ hội đền Chẹ được tổ chức vào tháng giêng hàng năm người dân cũng chỉ được thấy cái hộp đựng sắc phong chứ không được nhìn những thứ có trong hộp. Nếu ai muốn xem sắc phong, các cụ cao tuổi trong làng phải họp gấp để thắp hương xin phép tướng Hắc Y. Ông Phạm Văn Linh, cháu đời thứ 9 trong dòng họ Phạm đã từng nuôi dưỡng tướng Hắc Y lật đật lôi trong ngăn tủ gỗ ra quyển sổ ghi chép về tướng Hắc Y cho chúng tôi xem rồi kể về lai lịch của vị tướng được người dân tôn sùng. Theo lời kể, tướng Lê Hắc Y tên thật là Bùi Hắc Y, người huyện Yên Thủy hoặc Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Mẹ của Bùi Hắc Y vì chửa hoang nên đã đem theo Hắc Y vào Thanh Hóa để chạy trốn sự miệt thị, dè bỉu của dân làng. Khi đến xã Quang Trung, mẹ con Hắc Y đã được gia đình họ Phạm cưu mang. Gia đình họ Phạm có ông Bảng Pèm làm một chức quan nhỏ ở địa phương, ông đã nhận nuôi dạy Hắc Y nên người. Lúc còn nhỏ, cậu bé Hắc Y đã có những biểu hiện hơn người. Một lần Hắc Y đi chăn trâu và làm mất một con trâu đực mộng khiến ông Bảng Pèm nổi giận lấy roi đánh Hắc Y. Vì sợ hãi nên cậu bé chui vào gầm giường trốn và để lộ đôi bàn chân ra ngoài. Thấy trên lòng bàn chân của cậu bé có chữ Đại Vương màu hồng, ông Bảng Pèm giật mình và từ đó không đánh Hắc Y nữa. Đến khi hai mươi tuổi, giặc Minh từ Trung Quốc xâm lược nước ta và truy đuổi quan quân nhà Lê đến đất Lam Sơn. Lúc đó, Hắc Y xin ông Bảng Pèm cho gia nhập quân đội để đánh giặc giữ nước. Bùi Hắc Y đã được Lê Lợi cho đổi tên thành Lê Hắc Y và uống rượu thề “vào sinh, ra tử”. Khi quan quân nhà Lê bị bao vây gắt gao, lương thảo cạn kiệt, đại tướng Lê Lai đã đóng giả vua mở đường máu cứu Lê Lợi thoát vòng vây kẻ thù và bị giặc giết ngay sau đó. Ngay sau khi thoát khỏi sự bao vây của giặc, Hắc Y được vua phong tướng. Do biết tiếng Mường nên Lê Hắc Y đã đứng ra làm nhiệm vụ chiêu mộ quân sĩ (chủ yếu là người dân tộc Mường), ngày đêm rèn binh khí, luyện võ công để đánh giặc. Do có sự hỗ trợ của Lê Hắc Y nên trai tráng thanh niên người Mường ở Thanh Hóa gia nhập quân đội rất đông. Sau khi tập hợp lực lượng, Hắc Y được phong làm chủ quân tập kích các doanh trại của quân Minh trên đất Thanh Hóa nhằm thu hút lực lượng địch và đảm bảo cho vua Lê di chuyển đến cứ địa mới an toàn. Trong một lần tấn công trại địch ở huyện Ngọc Lặc, quân của Hắc Y đã giết cả nghìn tên địch. Tuy nhiên, khi truy đuổi địch đến khu vực huyện Yên Định ngày nay thì bị lực lượng chi viện của địch phục kích, ông bị trúng tên độc và chết khi về đến doanh trại đóng ở xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc. Sau khi Hắc Y chết, người dân đã lập đền thờ ngay tại làng Chẹ, nơi ông đã lớn lên để tỏ lòng biết ơn công lao đánh giặc cứu nước. 9 đời thờ sắc phong Sau khi tướng Hắc Y chết, gia đình ông Bảng Pèm đã lập bàn thờ riêng và thờ cúng tướng Hắc Y từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông Phạm Văn Linh hiện đang giữ những sắc phong mà cha ông để lại kể: “Từ thời các cụ chúng tôi đã truyền lại những câu chuyện về tướng Hắc Y”. Trước đây, khi Hắc Y theo chân nhà Lê chinh chiến lập được nhiều công lao, vua Lê đã ban sắc phong và bổng lộc cho dòng họ Phạm và gia đình ông Bảng Pèm vì có công nuôi dưỡng tướng Hắc Y. Những đời vua sau của nhà Lê đều có ban sắc phong và bổng lộc cho dòng họ Phạm để tỏ lòng biết ơn với dòng họ đã nuôi nấng tướng Hắc Y. Hiện nay cả 7 sắc phong của các đời vua thời Lê vẫn được giữ nguyên vẹn trong một chiếc hộp gỗ lim. Trong số 7 sắc phong có 6 sắc phong có dấu đỏ, còn lại một tấm sắc phong mới nhất không có dấu. Ông Phạm Văn Linh cho biết: Trong dòng họ ông hiện nay không ai biết chữ Nho nên không thể đọc và dịch nghĩa được những sắc phong do cha ông để lại. Đã mấy lần có đoàn khảo sát văn hóa đến chụp ảnh, ghi chép lại những dòng chữ trên 7 tấm sắc phong nhưng cũng chưa có bản dịch nào được gửi lại. Mặc dù 7 tấm sắc phong thuộc dòng họ Phạm, nhưng dân làng Chẹ coi đó là báu vật chung của dân làng. Cách đây vài năm, gia đình ông Linh đã đưa 7 sắc phong ra đền Chẹ cất giữ để dân làng ai cũng được thắp hương thờ cúng tướng Hắc Y, nhưng bàn thờ chính ở nhà ông Linh thì vẫn được giữ và trong lễ hội đền Chẹ, người dân phải đến thắp hương ở nhà ông Linh trước rồi mới ra đình. Cụ Phạm Văn Kiến cho biết: Vào tháng Giêng hàng năm, khi tổ chức lễ hội đền Chẹ, người dân phải làm nghi lễ rước những tấm sắc phong từ nhà ông Linh ra đền để tỏ lòng biết ơn, cung kính đối với gia đình đã có công nuôi dưỡng tướng Hắc Y.
“Đền Chẹ ở xã Quang Trung đã nổi tiếng
từ lâu, chuyện dòng họ Phạm thờ cúng những sắc phong do vua ban là có thật tuy
nhiên việc này không phải ai cũng biết. Có một số cá nhân, nhà nghiên cứu và
cơ quan quản lý văn hóa về đây chụp lại hình ảnh 7 sắc phong ở Đình Chẹ,
nhưng cho đến nay vẫn chưa ai cung cấp cho huyện bản dịch những tấm sắc phong
kể trên để làm cơ sở đề nghị tỉnh công nhận là di tích lịch sử, văn hóa”, ông
Bùi Đình Nhi, Trưởng phòng Văn hóa huyện Ngọc Lặc cho biết.
(Theo
An ninh Thủ đô) Kiều Trang –
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét