Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Thư ngỏ


 11:30

 Lá thư “về tình yêu” gửi ông Tổng Giám đốc Coca Cola Việt Nam

Nếu không có tình yêu thật sự, đóng góp thực sự với mảnh đất đã cung cấp cho các ông nhân công giá rẻ, cung cấp cho các công nguyên liệu dồi dào và cung cấp cho các ông tiền bạc từ niềm say mê vô tư của hàng triệu người khi thưởng thức Coca Cola, thì dù hồ sơ pháp lý có “sạch” bao nhiêu, thì hình ảnh người khổng lồ cũng sẽ đen thui đi trong mắt công chúng”.
Kính gửi ông Tổng Giám đốc Coca Cola Việt Nam!

Đồng kính gửi những người Việt lãnh đạo tại Coca Cola Việt Nam!
Thế là đã 18 năm kể từ ngày Coca Cola hiện diện ở dải đất hình chữ S này.

Thưa ông, nếu là một con người, thì dù có ăn uống kham khổ, chàng trai 18 tuổi cũng đã trưởng thành. Với một tập đoàn toàn cầu hùng mạnh, thì có lẽ chẳng cần đến 18 năm, chỉ cần 3 năm đã có thể vươn vai đứng dậy, như người anh hùng Thánh Gióng ở đất nước chúng tôi.
Ấy vậy mà đau xót thay, chàng trai Coca Cola 18 tuổi vẫn chỉ là một cậu bé lùn, còi, suy dinh dưỡng nặng đến độ tưởng như sắp phải thở ô xy để tồn tại.
Này nhé, dù doanh thu tăng gần như chiều thẳng đứng nhưng dường như càng ngày Coca Cola càng “suy dinh dưỡng”, bằng chứng là xu hướng lỗ ngày càng lớn:
2004 doanh thu 728 tỉ đồng, số lỗ là 110 tỉ đồng.
Năm 2006 doanh thu vọt lên 1.026 tỉ đồng thì số lỗ lên đến 253 tỉ đồng.
Mới nhất năm 2010, doanh thu của Coca Cola VN lên đến 2.529 tỉ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỉ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỉ đồng.
Lũy kế đến nay công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng.
Vậy là 18 năm ấy, với khoản lỗ được tính toán kỹ càng, sự đóng góp về thuế cho Việt Nam của “người khổng lồ” Coca cola, không bằng cái móng tay của nhiều công ty, thậm chí cả năm chưa một lần xuất hiện trên báo chí và quảng cáo truyền hình.
Với vốn hiểu biết hạn hẹp của mình, chúng tôi cũng hiểu rằng: Bất kỳ ai muốn đầu tư, làm việc, sinh sống ở một nơi nào đó, thì đều phải có tình yêu đối với mảnh đất, con người nơi ấy, nếu muốn ở lại lâu dài và thành công bền vững.

Tôi không biết năm 1994, Coca Cola đến Việt Nam xuất phát từ tiền bạc hay tình yêu, hay cả hai, nhưng lúc ấy, tôi cũng như nhiều người khác cũng đã tin các ông có một chút tình yêu với xứ xở này. Tôi tin rằng người khổng lồ ấy xuất hiện để góp phần đem lại sự thịnh vượng cho đất nước.
Niềm tin ấy, tiếc thay, bây giờ đang mất!
Những người ăn mày nghèo khổ bao giờ cũng được thương xót và bố thí thực sự. Nhưng những kẻ ăn mày giả để ăn chơi phè phỡn như một bài báo gần đây, không chỉ khiến những người tử tế phẫn nộ mà còn khiến những người ăn mày thật uất hận. Chẳng ai có thể bỏ tù kẻ giả ăn mày, vì chưa có luật về việc đó, nhưng sự căm phẫn lật mặt của người dân sẽ triệt đường lường gạt của chúng.
Cũng giống như kẻ giả ăn mày, cơ quan pháp luật cũng sẽ không chứng minh được chuyện “chuyển giá” để trốn thuế. Với một công ty đa quốc gia, chuyện “làm đẹp” sổ sách kế toán, tài chính, chỉ là chuyện dễ như thò tay vào túi lấy đồ.
Nhưng trong xã hội mà thông tin có sức công phá như bom nguyên tử này, những hình phạt pháp luật lại không phải là thứ quyền lực duy nhất.
Nhiều khi quyền lực của lòng tin, quyền lực chọn lựa của người tiêu dùng còn mạnh hơn ngàn lần hình phạt.
Xét cho cùng, thượng tôn pháp luật, chính là thượng tôn quyền con người. Tôn chỉ tối cao của mọi đạo luật mẫu mực chính là vì con người.
Nếu không có tình yêu thật sự, đóng góp thực sự với mảnh đất đã cung cấp cho các ông nhân công giá rẻ, cung cấp cho các công nguyên liệu dồi dào và cung cấp cho các ông tiền bạc từ niềm say mê vô tư của hàng triệu người khi thưởng thức Coca Cola, thì dù hồ sơ pháp lý có “sạch” bao nhiêu, thì hình ảnh người khổng lồ cũng sẽ đen thui đi trong mắt công chúng.
Những quảng cáo tốn kém cả trăm triệu đô la của Coca Cola luôn luôn rất hấp dẫn, đặc biệt là với giới trẻ.
Nhưng ông biết không, tôi đã được nghe cậu con trai học cấp 2 của một lãnh đạo cao cấp công ty Ajinomoto Việt Nam nói với bố rằng: “Con sẽ không uống Coca Cola nữa, con muốn từ bây giờ mẹ pha cho con nước chanh made in Vietnam”, khi cậu bé nghe bố mẹ bàn về nghi vấn chuyển giá trốn thuế.
Hôm nay, giới trẻ năng động và thích Coca Cola. Hẳn rồi. Nhưng cũng những người trẻ năng động ấy ngày mai có thể thích Pepsi hoặc một thứ nước giải khát khác. Họ sẽ không muốn uống một thứ nước “bóc lột” không thương tiếc quê hương họ, dù nó có ngon tới cỡ nào. Họ có thể quen xài đồ ăn nhanh KFC, uống giải khát có ga xuất xứ Âu Mỹ, nhưng dòng máu và lòng tự tôn dân tộc thì vẫn Made in Vietnam chính cống.
Thưa ông Tổng Giám đốc, tôi muốn dành những lời cuối cùng của bức thư này, để nói với những người
cùng dòng máu Lạc Hồng như tôi, đang nắm những vị trí then chốt ở công ty Coca Cola Việt Nam.
Có thể ở đâu đó có những người ngoại quốc không yêu Việt Nam, không vì người Việt Nam, điều đó còn có thể hiểu được. Nhưng nếu những người Việt đích thực, đang sống đích thực tại Việt Nam lại không góp sức quê hương mình, nhắm mắt để người khác bóc lột quê hương mình, thì thật khó hiểu.
Cơm áo gạo tiền, lương bổng hậu hĩ mà các ông chủ ít lương tâm chi trả cho bạn có thể làm yếu đi những phản biện, góp ý của bạn, nhưng yếu ớt còn hơn im lặng, còn hơn là đồng lõa với các ông chủ “kiếm chác” trên tấm lưng lam lũ của đồng bào.
Và cuối cùng, nếu là người giỏi thật sự, bạn có thể hành xử như cậu bé cấp 2 nói ở trên (chọn nước chanh thay cho Coca Cola): Tìm một công ty khác mà bạn có thể tự hào vì đóng góp cộng đồng của nó.
Thưa Ông và thưa các bạn, sở dĩ tôi nói dài dòng như vậy là vì tôi vẫn thuộc tuýp người hy vọng. Tôi vẫn rất mong chờ một tình yêu được hồi sinh thực sự trên xứ xở thân thiện này... Những thứ tưởng là muộn hôm nay sẽ lại là một khởi đầu mới cho ngày mai…
(Theo GDVN) Hoàng Văn Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét