Chất lượng đại học và hệ lụy
Hội chứng trường ĐH thành lập "như nấm sau mưa” trong thời gian qua đã khiến dư luận lo ngại về tốc độ phát triển quá nhanh, dẫn đến chất lượng ắt phải bỏ ngỏ. Có thời kỳ dư luận đã lên tiếng cảnh báo trước thực trạng trung bình hai tuần lại có 1 trường ĐH-CĐ được thành lập (gồm cả nâng cấp từ TCCN, CĐ lên ĐH hoặc thành lập mới).
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Chỉ tính riêng năm học 2010-2011, cả nước đã phát sinh 4.500 ngành học với sự xuất hiện của 20 trường ĐH ra đời. Kỳ tuyển sinh năm 2011 xảy ra hiện tượng nhiều trường ĐH khó tuyển sinh, tuyển không đủ chỉ tiêu; quá nhiều ngành học mở ra, rồi lại ồ ạt đóng cửa. Bên cạnh đó, đáng lo ngại nhất là sự quản lý hệ thống ĐH còn nhiều bất cập, lỏng lẻo. Quy chế tuyển sinh cùng hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật liên tục được bổ sung, điều chỉnh dành cho hoạt động ĐH, nhưng tình trạng "xé rào” quy chế vẫn diễn ra. Chất lượng đào tạo, hệ thống cơ sở vật chất các trường luôn có độ "vênh” nhau về khoảng cách.
Sự phân tầng ĐH hình thành bởi nhiều nguyên nhân, trường có bề dày truyền thống, có thương hiệu, có nguồn vốn lớn, có đội ngũ giảng viên hùng hậu, chuyên nghiệp tất sẽ duy trì chất lượng cao, thu hút thí sinh. Còn những trường mới đa phần tồn tại khá lay lắt, bởi tiềm lực, nguồn vốn, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất một số trường chưa đủ độ "chín”, nhưng vẫn được phép thành lập. Điều đó chứng tỏ, khá nhiều trường ĐH được "đẻ non”, chưa đủ sức đề kháng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt của xu thế xã hội. Sự gượng ép chạy theo số lượng, nhất định sẽ hổng về khâu chất lượng. Mà điển hình là sự xé rào quy chế, vét thí sinh bằng mọi cách, hoặc đào tạo chui, đào tạo tràn lan mà không có trách nhiệm với đầu ra. Mục tiêu cũng để gắng gượng tồn tại. Bức tranh hệ thống các trường ĐH trong vài năm qua vì thế đã trở nên lỏng lẻo, nham nhở các mảng màu. Sự rệu rã chất lượng hiện hữu, vì một số trường được thành lập không dựa trên nền móng chất lượng căn bản!
Tại "Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII cho thấy, trong 10 năm (từ năm 1998 đến năm 2009) đã có 312 trường ĐH-CĐ được thành lập. Nghĩa là trung bình cứ 2 tuần lại có 1 trường ĐH-CĐ ra đời. Tính đến tháng 9-2009, cả nước có 440 trường ĐH-CĐ, trong đó có 77 trường ngoài công lập. Chỉ riêng trong 10 năm (1998-2008), số trường ĐH được thành lập mới đã bằng 50 năm trước đó. Điều đó cho thấy tốc độ và số lượng trường ĐH được thành lập quá tràn lan. Trong khi, mục tiêu phải thành lập ít nhất 3 đơn vị Kiểm định chất lượng ĐH được Bộ GD&ĐT đề ra từ năm 2010 (dự kiến 3 năm), đến nay đã 2 năm trôi qua vẫn chưa có đơn vị nào ra đời. Sự chậm trễ này đã thả nổi việc giám sát, kiểm định chất lượng ĐH. Đặc biệt là phát sinh các hiện tượng tuyển sinh, đào tạo trái quy định Bộ GD&ĐT trong thời gian qua.
Xin được kể ra một số trường hợp tiêu biểu: Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã phải huỷ kết quả đợt thi liên thông CĐ lên ĐH hệ chính quy của trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng tại trường CĐ nghề Kỹ thuật Công nghệ TP. Hồ Chí Minh do liên kết đặt lớp đào tạo không đúng quy định; tuyển sinh ngoài cơ sở chính của trường mà không được phép của Bộ GD&ĐT; Tại trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (khóa học 2008-2010), nhà trường đã ngang nhiên đào tạo hàng loạt sinh viên liên thông lên Đại học, trong khi chưa có bằng tốt nghiệp CĐ (dù nhà trường thông báo bằng tốt nghiệp CĐ là bắt buộc). Có những sinh viên thuộc đối tượng này vừa học liên thông ĐH nhưng vẫn chờ để thi... tốt nhiệp CĐ! Tại trường ĐH Lao động Xã hội, thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã kết luận, chỉ trong hai đợt tuyển sinh 2009 và 2010, trường ĐH Lao động Xã hội đã tiếp nhận hàng trăm thí sinh không thi, bỏ thi, khác khối, dưới điểm sàn, dưới điểm chuẩn vào hệ ĐH. Nhiều trường hợp thí sinh có hồ sơ, điểm thi hợp lệ lại phải nhận quyết định buộc thôi học một cách vô lý; nhiều trường hợp bị buộc thôi học này vẫn được học tại trường. Tại trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh, từ năm 2006 đến nay, đã xảy ra sai phạm nghiêm trọng về đào tạo chui với Trung Quốc khi không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Trong từng ấy năm, học phí thu từ sinh viên đều không ghi hoá đơn hoặc hoá đơn đều bị huỷ sau mỗi khoá học; một số lãnh đạo nhà trường đã tự ý giữ tiền thu từ học phí, không nộp cho các đối tác phía Trung Quốc. Vụ việc đã có sự vào cuộc của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ-Bộ Công an; có kết luận sai phạm xảy ra nhiều năm của Thanh tra Bộ GD&ĐT, Thanh tra Bộ VH-TT&DL. Việc đào tạo chui đã bị đình chỉ; một phần tiền đã phải nộp lại nhà trường.
Trên đây, có lẽ mới chỉ là một phần nhỏ thuộc bề nổi những gì bất cập đang tồn tại trong hệ thống giáo dục ĐH, trong đó, vai trò quan trọng trong quản lý, giám sát của Bộ GD&ĐT vẫn chưa được thực hiện hết khả năng. Đã đến lúc phải "phanh” ngay việc thành lập các trường ĐH để tập trung vào chất lượng, giải thể ngay những trường ĐH yếu kém, không đủ yêu cầu. Để xảy ra tình trạng bấp bênh về chất lượng ĐH, Bộ GD&ĐT cần thẳng thắn nhìn lại những khiếm khuyết, Chính phủ cần sát sao trong chỉ đạo, chấn chỉnh hoạt động hệ thống giáo dục ĐH. Sự sao nhãng chất lượng, chạy theo số lượng kéo dài dẫn đến xã hội phải gánh chịu những hệ luỵ không đáng có.
Hoàng Anh Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét