07:00
Sao bộ lại làm thay địa phương?
Tai nạn giao thông ở Việt
Theo đánh giá của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 22/2003 cũng như các NQ của Chính phủ: Tình trạng TNGT và ùn tắc giao thông vẫn liên tục tăng cao và ngày càng nghiêm trọng, hằng năm làm chết và bị thương hàng chục nghìn người, gây thiệt hại lớn về vật chất, an sinh xã hội và để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng, lâu dài cho nhiều gia đình và xã hội. Vì sao TNGT và ùn tắc giao thông vẫn không giải quyết được? Trách nhiệm các ngành, địa phương đến đâu?
Ùn tắc là chuyện của địa phương
Nhóm cán bộ, chuyên viên (CBCV) của Bộ GTVT gửi đến diễn đàn bài viết, phân tích rõ về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cụ thể là TPHCM và Hà Nội trong việc giải quyết việc ùn tắc giao thông (UTGT) đã được nêu rất rõ tại Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư, các NQ số 32, 16 và 88 của Chính phủ, cớ sao Bộ GTVT lại làm thay việc của chính quyền TPHCM và Hà Nội?
Xin được trích từ bài viết: Chỉ thị 22 của Ban Bí thư nêu rõ “Thành ủy Hà Nội, TPHCM và các thành phố lớn tập trung chỉ đạo UBND các cấp xây dựng chương trình hành động hạn chế tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông...”. Điểm đ, mục 4 NQ 32 của Chính phủ: UBND TP.Hà Nội và TPHCM quy định việc cấm môtô, xe máy lưu thông trên một số tuyến đường trong khoảng thời gian phù hợp, nhằm giảm UTGT đô thị.
NQ số 16/ 2008 của CP giao nhiệm vụ cho chính quyền hai TP trong việc giảm UTGT như quy định việc cấm môtô, xe máy lưu thông trên tuyến phố vào một số giờ nhất định, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực trong TP; nghiên cứu việc điều chỉnh giờ làm việc hợp lý..., không thấy mục nào của NQ giao nhiệm vụ, trách nhiệm giảm UTGT đô thị tại hai TP cho Bộ GTVT.
Mới nhất là NQ số 88 /CP - ngày 24.8.2011, điểm d mục 7 nêu: UBND TPHCM và Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về từng bước khắc phục UTGT của NQ số 16. Trách nhiệm của Bộ GTVT nêu tại điểm đ : Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP liên quan xây dựng đề án hạn chế và lộ trình cấm xe ôtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các đô thị lớn, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2012.
Rõ ràng, trách nhiệm giảm UTGT tại hai TP thuộc về UBND TP.Hà Nội và UBND TPHCM.
Bộ hãy lo chuyện... người chết vì TNGT
Ông Nguyễn Tất Khoa (Tây Hồ, Hà Nội) nêu: Trách nhiệm của Bộ GTVT được giao cụ thể ở chỉ thị của Ban Bí thư và các NQ của Chính phủ, thuộc tầm quản lý vĩ mô, nhất là về TNGT được đánh giá là hết sức nghiêm trọng. TNGT có số lượng người chết không hề giảm theo thời gian như “chỉ tiêu phấn đấu” là giảm 5%.
Theo đánh giá của Ban Bí thư tại Chỉ thị 22 và NQ 32/CP của Chính phủ thì một trong những nguyên nhân dẫn tới TNGT tăng trong thời gian qua là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông từ T.Ư đến địa phương chưa thật tập trung và chưa có trọng điểm, có lúc điều hành thiếu quyết liệt hoặc chưa liên tục; các cấp uỷ Đảng và chính quyền cơ sở ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn thờ ơ hoặc đứng ngoài cuộc...
Ông Khoa đề nghị Chính phủ tổ chức kiểm điểm các ngành đã được Chính phủ giao nhiệm vụ và các địa phương đã thực hiện trách nhiệm của mình đến đâu. Ông Hoàng Dụ (phường 9, quận 3, TPHCM) đặt câu hỏi: Bộ GTVT đã xóa được “điểm đen” gây TNGT trên QL1 đã được nêu tại NQ 32 chưa? Nhiệm vụ của bộ, tôi xin nhắc lại, đó là: “Hoàn thành việc cải tạo các “điểm đen” về TNGT đã phát hiện trên hệ thống quốc lộ trước ngày 30.11.2007. Từ năm 2008, những “điểm đen” về TNGT được phát hiện phải xử lý xong trong khoảng 90 ngày kể từ ngày hoàn tất hồ sơ...”, trong khi số vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng đặc biệt về số người chết rất lớn (xe khách) trên tuyến QL1 gia tăng.
Nhóm CBCV - Bộ GTVT nêu rằng cần phải xác định trách nhiệm thuộc “phần mình”, tránh chồng chéo, “làm thay phần việc” như Bộ GTVT soạn và trình đề án “thay đổi giờ học, giờ làm”; vì hơn ai hết, chính quyền TP.Hà Nội hiểu rõ đường nào ùn tắc, tắc ở khâu nào. Chủ trương hạn chế, cấm xe môtô, gắn máy, khuyến khích người đi bộ, nhưng phải khảo sát vỉa hè ở Hà Nội có đáp ứng được cho người đi bộ hay không vì phần lớn đường, vỉa hè ở Hà Nội có từ thời Pháp “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, không thể mở vỉa hè ăn vào phần đường hoặc “cắt” thêm nhà dân để mở rộng vỉa hè, theo khảo sát của nhóm CBCV thì vỉa hè Hà Nội có đến 85% không đáp ứng được cho việc đi bộ, có đoạn đường vỉa hè chỉ rộng khoảng 0,5 mét, có đoạn đường còn không có vỉa hè.
Ngay cả đường mới mở như Trần Duy Hưng chỉ đáp ứng được số lượng nhỏ người đi bộ. Vỉa hè ở nội thành Hà Nội để đi bộ chỉ có rất ít, hiếm có vỉa hè rộng như ở các đường Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng... Bài toán UTGT phải trả lại cho chính quyền TP.Hà Nội mới có thể “gỡ” được từ thực tế, không thể xây dựng trên những con số qua tổng hợp báo cáo.
Không thể kêu gọi “hy sinh” mầm non... Tuy đã nghỉ hưu, không còn phải lo lắng về thời gian song là người dân Hà Nội, tôi rất quan tâm theo dõi cuộc tranh luận khá sôi nổi xung quanh vấn đề thay đổi giờ học, giờ làm để giảm thiểu ùn tắc giao thông (UTGT). Ai cũng hiểu, để giải quyết vấn đề này cần nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp điều chỉnh thời gian biểu làm việc, học tập, sinh hoạt của người dân. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên khi thấy trình tự đề xuất việc này có nhiều điều lạ như thiếu sự điều tra, nghiên cứu nghiêm túc, kỹ lưỡng; Bộ Nội vụ chủ quản về bộ máy nhà nước, Bộ GDĐT phụ trách việc học hành , Bộ CA quản lý về TTGT chưa có ý kiến gì; chính quyền TP.Hà Nội chịu trách nhiệm quản lý TP chưa kịp có ý kiến chính thức, nhưng Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ... Thế hệ chúng tôi đã trải qua nhiều lần điều chỉnh giờ làm việc và đã nếm trải chuyện tiện và bất tiện của thời gian biểu này hay thời gian biểu khác. Qua sự trải nghiện thực tế, xin lưu ý các cơ quan có trách nhiệm vài khía cạnh sau chưa thấy ai nêu: Một là, nước ta là nước nhiệt đới, ở miền Bắc khoảng từ tháng ba - tháng mười trời nắng sớm và khoảng 8-9 giờ đã nóng, dân ta dậy sớm, có khi dậy từ 5-6 giờ, nếu đi làm sớm thì năng suất còn khá chứ 9 giờ mới bắt đầu làm thì năng suất sẽ giảm vì bắt đầu nóng bức, vả lại dậy sớm, ăn sáng sớm, 9 giờ đã ngót bụng, loanh quanh ngoài 10 giờ là đã mắt trước mắt sau lo ăn trưa. Hai là, cơ quan T.Ư phải gắn kết với cơ quan các tỉnh, thành mà ngoài Hà Nội, các tỉnh, thành đều làm việc từ 7 giờ, nếu các cơ quan T.Ư mãi 9 giờ mới làm việc thì sẽ kênh tới 2 tiếng, vậy sẽ liên hệ với nhau sao đây. Đó là chưa kể lãnh đạo Chính phủ mà tôi đã từng là thành viên thường làm việc sớm, mà cả bộ máy chưa làm việc thì sẽ trục trặc. Ba là, 6 giờ chiều mới hết giờ làm việc thì ít ra 7 giờ mới về tới nhà, các chị phụ nữ còn phải đi chợ, đón con thì sẽ về muộn hơn nữa, chắc khoảng 8-9 giờ mới ăn cơm tối. Nếu vậy thì giờ đâu để hoạt động thể dục, thể thao, xem TV, tắm giặt, kèm cặp con cái học tập... Như vậy, các đài truyền hình, các cơ sở văn hoá cũng phải đổi giờ muộn hơn nếu muốn người dân được biết tình hình thời sự, được hưởng thụ văn hoá. Bốn là, các cơ quan công quyền tồn tại và làm việc cốt phục vụ người dân và DN, việc thay đổi lịch làm việc của các cơ quan ấy tất nhiên ảnh hưởng tới người dân và DN. Không biết các phương án đã tính đến chưa? Năm là, chúng ta hay nói các cháu là tương lai của đất nước, do đó phương án gì cũng phải đặt lên hàng đầu việc chăm lo tới các cháu nhỏ, cụ thể là các trường mẫu giáo, mầm non chứ không thể kêu gọi “hy sinh” mầm non vì lợi ích chung như có vị tuyên bố một cách vô trách nhiệm. Hy vọng rằng, không vì tính cấp bách của chuyện UTGT mà gây ra những sự ùn tắc trong công việc và sinh hoạt, thậm chí cả về xã hội. Vũ Khoan - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ |
Lê Huân (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét