Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Cắm cột phân làn:

14:55

Phá sản là nhãn tiền 
Ngay từ khi bắt đầu triển khai phân làn giao thông thí điểm tại 5 tuyến phố chính của Hà Nội, báo Đại Đoàn Kết đã có bài phân tích và lấy ý kiến chuyên gia phản ánh về sự bất cập cũng như những dự báo không mấy khả quan của liệu pháp "tít mù rồi lại vòng quanh” này. Hơn 2 tháng qua, thực tế ngày một chứng minh thêm cho sự phá sản của một giải pháp mà nói thẳng ra là "trí thường, tầm ngắn” y chang cái đoạn được phân làn, cắm biển đó!
Nếu cứ mãi luẩn quẩn với những cách giải pháp tạm bợ,
ngắn ngủn, ít khoa học như phân làn giao thông những lần vừa qua,
thì "nồi canh hẹ” của giao thông Thủ đô chỉ càng thêm rối rắm, phức tạp!
Ảnh: Hoàng Long
Giao thông không những chẳng được cải thiện mà còn rối như canh hẹ thêm; lực lượng chức năng thì chỉ hăm hở được dăm bữa nửa tháng; tiền của nhà nước đang thời buổi khó khăn lại được "ném qua cửa sổ” cả gần chục tỷ đồng; biển báo chỉ dẫn phân làn chỗ thì bị đâm gãy bẹp dúm dó, chỗ thì người dân đưa vào "nghỉ ngơi” bên vệ đường; và người cùng các phương tiện tham gia giao thông lại trở về với quy luật "nước chảy chỗ hở”, mạnh ai nấy chen ...!
Thực ra, phân làn giao thông với những thành phố có mật độ phương tiện tham gia giao thông dày đặc cả ở nước ta lẫn nước ngoài là việc làm cần thiết, hữu dụng. Việc phân làn hợp lý, có tính toán kỹ lưỡng, được thực hiện một cách khoa học... sẽ giúp cho giao thông đô thị bớt đi sự lộn xộn, rối rắm. Đồng thời cũng góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giảm thiểu tình trạng ùn tắc... Đáng tiếc, riêng Hà Nội đã có tới 4 lần làm việc này mà lần nào cũng dang dở, ngổn ngang.
Thậm chí, chỉ nửa tháng sau khi thực hiện phân làn tại một số tuyến phố lớn, đã có 40 biển báo bị xoay lệch, hư hỏng, phải thay thế 23 cột nghiêng đổ, gãy, 138 cột phải "trồng mới” hoàn toàn, 4 trường hợp thanh tra giao thông đang thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn giao thông bị xe máy quệt vào người và một số vụ tai nạn giao thông phải đi cấp cứu, hàng chục vụ người tham gia giao thông phải nhập viện vì đâm vào cột, hàng trăm ô tô, xe máy bị hư hỏng .... Đến mức độ ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trong cuộc họp rút kinh nghiệm về tổ chức thực hiện phân làn phải tốt lên rằng: "Có tới 138 vụ va chạm, đâm vào cột phân làn. Như vậy chắc chắn là có bất cập về kỹ thuật chứ không phải chỉ do lỗi không quan sát của người tham gia giao thông”.
Có khá nhiều những bất cập nảy sinh. Rõ nhất có thể thấy là dải phân cách quá ngắn, quá thấp, lại được đặt ngay các giao lộ, nơi có mật độ giao thông thường rất cao. Với cách làm này, người tham gia giao thông sẽ bị khuất tầm nhìn và rất bất ngờ khi muốn chuyển hướng. Trên các tuyến đường thí điểm, phân làn được quy định bên trái dành cho ô tô, bên phải dành cho xe máy và các phương tiện thô sơ khác. Trong khi đó các điểm dừng, đỗ xe buýt đều được bố trí ở bên phải làn đường. Do đó, khi vào bến, các tài xế xe buýt phải rất vất vả, khi đang đi từ làn đường bên trái phải nhanh chóng sang làn đường bên phải để đón khách, khiến xe buýt gần như "đánh võng” trên đường. Tại điểm giao cắt ngã ba, ngã tư, việc phân làn còn làm cho giao thông trở nên lộn xộn hơn. Do hệ thống đèn tín hiệu không đồng bộ với giải pháp phân làn nên các phương tiện khi rẽ trái hoặc rẽ phải từ làn đường của mình đã dẫn đến xung đột giao thông (đây là điều tối kỵ trong điều hành giao thông). Chưa kể, dải phân cách chỉ được đặt một đoạn ngắn ngay đầu tuyến phố và chỉ đi một đoạn, người tham gia giao thông lại được phép chuyển làn. Các dòng xe cộ lại "hoà” vào nhau, việc phân làn không mang tính liên tục.
Khi dư luận phản ánh một số bất cập trong việc bố trí các dải phân cách, cột biển báo dễ gây tai nạn giao thông thì những người có trách nhiệm đã điều chỉnh... đặt thêm phía trước trụ biển báo một cục phân cách nữa. Cũng về giải pháp "bảo vệ an toàn ” biển báo phân làn này, trong một live show truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam đã hài hước chỉ ra rằng, muốn người đi đường không đâm vào biển báo, làm hư hỏng biển báo, chỉ còn cách tốt nhất là đào hố phía trước chân biển báo, xe cộ đâm xuống hố là thôi không đâm vào biển báo nữa. Nghe chuyện này, sao thấy vừa "thương cảm”, vừa chua xót cho những người đưa ra cách tiêu tiền ngân sách biết nhường nào!
Khi giải pháp thiếu tầm nhìn này có dấu hiệu bị phá sản, người có trách nhiệm lại ca bài ca muôn thuở là "đổ vấy” sang cho ý thức của người tham gia giao thông. Đã đành đó cũng là một thực tế, nhưng không phải là tất cả.
Vì rõ ràng, để hình thành nên văn hóa giao thông đích thực phải là sự gắn kết và giao thoa của rất nhiều yếu tố. Còn nếu cứ mãi luẩn quẩn với những cách giải pháp tạm bợ, ngắn ngủn, ít khoa học như phân làn giao thông những lần vừa qua, thì "nồi canh hẹ” của giao thông Thủ đô chỉ càng thêm rối rắm, phức tạp!
                                                          (Đ Đ K) Thanh Tường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét