Cáo lỗ nặng, EVN lại đòi tăng giá điện?
Điều đáng nói, những báo cáo trước đây cho thấy tổng số lỗ của EVN đến năm 2011 là hơn 31.000 tỷ đồng, nhưng lại chưa phân định rõ đâu là lỗ do sản xuất và kinh doanh điện, đâu là lỗ do đầu tư ngoài ngành - đủ cho dư luận cảm thấy chưa thuyết phục.
"Con hư tại mẹ"
Vậy là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với không ít lời chê trách về nguồn cơn "con hư tại mẹ", đã chính thức được cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương thông báo về tình thế "nếu không tăng giá điện sẽ bị vỡ nợ" vào ngày 19/11/2011.
Dư luận lại một lần nữa ồn ào dõi theo cái lộ trình tăng giá điện.
Chẳng lẽ cứ phải chọn việc tăng giá điện như một cách thức duy nhất để giữ lại một doanh nghiệp thay cho vài chục triệu hộ gia đình? Tại sao không nghĩ đến việc cần xóa bỏ độc quyền kinh doanh điện của EVN như một cách thức để các doanh nghiệp tư nhân mua lại nợ của tập đoàn này và cũng là cứu vãn tình huống khó xử cho mọi người dân đóng thuế?
Từ cuối tháng 10/2011, sau khi EVN bị dư luận và công luận phản ứng quyết liệt về dự định tăng giá thêm 13%, nghe đâu đã có những cuộc "vận động hành lang" nào đó nhằm trước hết "hợp thức hóa" những khoản lỗ của tập đoàn điện lực.
Cũng bởi một yêu cầu chỉ cách đây một tuần của chính Thủ tướng về việc Bộ Tài chính phải công khai tình hình tài chính và hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, lần đầu tiên Bộ Công Thương đã tách bạch số lỗ riêng về kinh doanh điện là 10.162 tỷ đồng.
Điều đáng nói là những báo cáo trước đây về con số lỗ của EVN đã chỉ thể hiện tổng lỗ cho đến năm 2011 là hơn 31.000 tỷ đồng, nhưng lại chưa phân định rõ đâu là lỗ do sản xuất và kinh doanh điện, đâu là lỗ do đầu tư ngoài ngành vào chứng khoán và bất động sản - đủ cho dư luận cảm thấy chưa được thuyết phục.
Còn nay, những con số do Bộ Công Thương mới tổ chức thông tin cho báo chí cũng thực sự chưa dễ "tiêu hóa". Ngay lập tức, người ta có thể đặt câu hỏi là nếu EVN thực lỗ hơn 10.000 tỷ đồng về kinh doanh điện thì con số lỗ hơn 21.000 tỷ đồng còn lại là do đâu? Chẳng lẽ toàn bộ số lỗ đó chui hết vào cái "thùng không đáy" là thị trường chứng khoán và nhà đất?
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của EVN bị lỗ là do sản lượng thủy điện thấp nên EVN phải mua điện ngoài với giá cao gấp 3-4 lần giá bán điện bình quân, làm tăng chi phí rất lớn trong phương án giá điện năm 2010.
Thế nhưng Bộ này chưa thông báo, làm rõ về nguyên nhân chính trên chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng lỗ kinh doanh điện hơn 10.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, chỉ cần làm một phép toán đơn giản cũng có thể thấy nếu không có 21.000 tỷ đồng mà EVN bị "thất thoát" do đầu tư ngoài ngành, hẳn là số tiền đó đã quá đủ để bù đắp cho tất cả các chi phí giá thành của họ.
21.000 tỷ đồng chạy đi đâu?
Vì sao cứ phải đề cập đến các khoản chi phí của EVN?
Không ít người dân sống ngay tại Hà Nội từ lâu nay đã quá quen với "giai thoại" xin việc tại EVN khó khăn đến thế nào. Sự khó khăn ấy lại có vẻ khá nghịch lý với thực trạng lỗ lã của tập đoàn này. Thế nhưng cũng rất nhiều người dân am hiểu một cách tường tận về chuyện mức lương "cứng" khoảng 7 triệu đồng hàng tháng cho mỗi nhân viên của EVN chưa phải là tất cả.
Trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, cái đáng giá hơn lại chính là "phần mềm" - điều mà người ta vẫn đồn đoán về thu nhập của một nhân viên điện lực thường thường nào đó của EVN lên đến 200 triệu đồng/năm, hoặc một số nhân viên và cán bộ khác được thưởng cuối năm từ 40-100 triệu đồng... Có lẽ đó là lý do chủ yếu giải thích cho việc xin vào EVN không dễ dàng chút nào.
Giá thành được cấu tạo từ chi phí, rất nhiều loại chi phí. Trong những loại chi phí đó, có cả một cấu thành không thể thiếu là lãng phí. Một người làm trong ngành điện (xin giấu tên) đã cho hay là chỉ riêng việc thất thoát dây đồng cũng đã chiếm hết 50% lượng dây dùng cho thi công ở đơn vị anh.
Thế nên, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu ở EVN xảy ra tình trạng lãng phí và thất thoát qua hàng loạt khâu hoạt động như mua công nghệ (có thể không đúng chuẩn và cũng chẳng đúng giá), lựa chọn nhà thầu (có thể thiếu khách quan), công trình chậm tiến độ và chất lượng kém, sửa chữa và bảo trì... Đó là chưa kể đến việc cần bóc tách hai khái niệm "lỗ sản xuất điện" và "lỗ kinh doanh điện" chứ không thể "lũy kế" vào cụm từ "lỗ sản xuất kinh doanh điện" mà Bộ Công Thương nêu ra để minh họa.
Một chuyên gia trong ngành điện, với kinh nghiệm lâu năm của mình, tiết lộ: chi phí phát điện 918 đồng/kwh chiếm tỷ lệ quá lớn trong giá thành điện 1.180 đồng/kwh; nếu có một yếu tố cấu thành chiếm đến hơn 80% tổng giá thì cần phải xem xét chi tiết và mổ xẻ chi phí lớn đó xem những thành phần của nó đã hợp lý chưa.
Nhưng hiểu theo cách phổ thông nhất, rất nhiều người dân đã không thể tin vào vào chuyện EVN lỗ từ kinh doanh điện khi một chuyên gia khác về điện nêu ra một cách nhìn hết sức đơn giản: giá mua trung bình khoảng 650 đồng, còn giá bán trung bình là 890 đồng!
"Làm nũng" và khả năng cải hóa
Dường như, người có trách nhiệm cao nhất của EVN không những không từ bỏ hành vi "làm nũng" cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương, mà còn cố đưa ra một "yêu sách": nếu hạch toán đúng, toàn bộ chênh lệch lỗ của EVN được tính vào giá thành điện thì với giá điện hiện nay, mỗi kilowatt, EVN sẽ lỗ 300 đồng; nghĩa là với mức giá bán bình quân hiện thời là 1.061 đồng/kwh, nếu tính đủ thì phải cộng thêm 300 đồng/kwh nữa!
Tức không còn là mức tăng 13% như EVN đề nghị vào tháng 9/2011, mà tỷ lệ tăng khi "tính sổ" sẽ đến 30%!
Như để làm cho khả năng tăng giá điện trở nên có sức sống hơn, một số cán bộ ngành điện đã so sánh trường hợp Thái Lan có giá bán điện là 12 US cent/kwh, còn ở Nhật Bản là 17,9 US cent/kwh, từ đó mới thấy mức giá chỉ khoảng US cent/kwh của EVN là... quá rẻ!
Tuy vậy, lại còn một cách tính khác - phổ biến không kém mà bất cứ ai trong chúng ta đều có thể suy ra được: căn cứ vào mức thu nhập bình quân đầu người ở Thái Lan là 3.850 USD/năm và ở Nhật Bản là 31.500 USD/năm thì giá bán điện của hai quốc gia này còn rẻ hơn, hoặc rẻ hơn rất nhiều so với Việt Nam - nơi có thu nhập bình quân đầu người trong năm 2010 là 1.200 USD. Nói cách khác, giá bán điện hiện nay ở Việt Nam cao gấp 1,3 lần ở Thái Lan và gấp 7,3 lần so với Nhật Bản.
Hình ảnh phản minh họa về thu nhập bình quân đầu người như trên càng làm cho người dân và công luận khó có thể tin vào đức tính trung thực của EVN, từ việc trước đây cố giấu những khoản lỗ do đầu tư trái ngành đến việc cường điệu tình trạng lỗ lã hiện thời, từ đó tạo nên sức ép lên xã hội về việc tăng giá điện là bất khả kháng, không có gì chống đỡ.
Giờ đây, những thuyết minh vẫn hoàn toàn chưa rõ ràng, hay nói cách khác là vẫn đầy mơ hồ của Bộ Công Thương đã đặt bộ này vào "cái bẫy" không biết do vô tình hay hữu ý được tạo dựng:
Hoặc Bộ Công Thương và EVN, chỉ dựa vào những con số chưa được kiểm toán và gây rất nhiều nghi vấn, vẫn tiếp tục tăng giá điện.
Hoặc Bộ Công Thương và EVN bắt buộc phải tính đến phương án "minh bạch hóa thông tin" về tình hình tài chính và những con số thực về giá thành điện, lỗ từ các khoản đầu tư, lãng phí và thất thoát... và tất nhiên cả chuyện lương thưởng của EVN, thông qua công cụ kiểm toán, được xác nhận chính thức của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, nếu không muốn nói là cần đến hoạt động của một tổ chức kiểm toán có uy tín của nước ngoài để bảo đảm tính khách quan.
Nhà kinh tế Lê Đăng Doanh đắng lòng nhận xét, "từ năm 1991 đến nay, chưa bao giờ tình hình kinh tế xã hội lại xấu như hiện nay. Có khi chỉ một 'đứa con hư' như EVN cũng có thể làm tan nát cả một gia đình". Cũng bởi thế, lời trần tình "vì 80 triệu người dân Việt Nam chứ không thể vì quyền lợi của 11 doanh nghiệp xăng dầu" của Bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ xét ra vẫn còn nguyên giá trị dân quyền và dân sinh.
(VNN) Viết Lê Quân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét