Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

11:00

Điều gì chờ đợi Palestine sau khi gia nhập UNESCO?

Với 107 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 52 phiếu trắng, Palestine hôm 31/10 đã chính thức trở thành thành viên của UNESCO. Sự kiện trên đang đặt ra những câu hỏi lớn cho các nhà nghiên cứu chính trị và dư luận quốc tế về những bước đi tiếp theo đây của nhà nước Hồi giáo này.
Việc UNESCO xem xét công nhận các di sản văn hóa có trên lãnh thổ Palestine như: Biển Chết, Nhà thờ Giáo hội Bethlehem, mộ phần của Abraham và gia đình ông, cùng với sự kiện mới diễn ra ngày hôm 31/10 có lẽ sẽ khiến Palestine trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế thời gian gần đây.
Song có lẽ những mục đích chính trị bao giờ cũng là những mối quan tâm hàng đầu. Con số chênh lệch trong việc bỏ phiếu hôm thứ Hai (31/10) vừa rồi ở Paris với tỉ lệ 107 – 14 cho thấy Palestine đang tiến những bước gần hơn để tới đích cuối cùng là trở thành thành viên chính thức của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Điều này càng trở nên ý nghĩa hơn khi Hoa Kỳ đang đe dọa dùng quyền phủ quyết của mình để phản đối việc nhà nước Hồi giáo này được công nhận. Hơn bao giờ hết, Washington đang mong muốn những kế hoạch và dự định của mình trở thành hiện thực.
Nói như thế, không có nghĩa là sự thành công của Palestine trong vấn đề gia nhập Tổ chức Khoa học, Văn hóa và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc này không gây ra tác động bất lợi gì cho phía UNESCO. Sự kiện này đồng nghĩa với việc, UNESCO sẽ nói lời tạm biệt với 22% ngân sách của tổ chức này được tài trợ từ phía Mỹ. Bởi Mỹ đã thông qua một dự luật năm 1990 buộc Washington phải cắt đứt nguồn tài trợ cho UNESCO nếu tổ chức này thừa nhận Palestine. Việc thông qua này cũng khiến cho cả UNESCO và các nhà lãnh đạo Palestine bỗng nhiên trở nên “khó xử” với người khổng lồ Mỹ. Âu cũng là dễ hiểu khi Mỹ là “cổ đông” lớn nhất cho quỹ tài trợ UNESCO, và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thì đang theo đuổi chủ trương bất động về ngoại giao đối với Washington.
Phát biểu sau khi kết quả bỏ phiếu về việc Palestine gia nhập UNESCO được thông qua, Đại sứ Mỹ tại UNESCO David T.Killon cho rằng: “Cuộc bỏ phiếu sẽ phức tạp hóa những khả năng của chúng tôi trong việc hỗ trợ UNESCO”, mặc dù Washington vẫn cam kết sẽ tham gia hỗ trợ tổ chức này.
Trong vòng bỏ phiếu việc Palestine gia nhập UNESCO, có tới 52 quốc gia bỏ phiếu trắng, trong khi Anh và Pháp, 2 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu thừa nhận Palestine. Các thành viên không thường trực như Bosnia, Bồ Đào Nha và Colombia cũng tỏ ý đồng thuận.
Trái lại, phản ứng của Israel cũng giống như người Mỹ lại là chuẩn bị để phủ quyết thành viên Hồi giáo này. Đại sứ Israel tại tổ chức, ông Nimrod Barkan nói: “UNESCO là tổ chức khoa học, nhưng không phải là thứ khoa học viễn tưởng”.
Mọi vấn đề chỉ thực sự có hiệu lực khi người Palestine ký kết và phê chuẩn hiến pháp UNESCO. Đó cũng là điều mà Palestine thiếu kể từ khi Hamas tiếp quản dải Gaza. Nếu Hamas và Fahta đồng ý các nguyên tắc hòa giải và thống nhất về việc lập ra Hội đồng Lập pháp Palestine, thì Washington sẽ xem xét vấn đề tài trợ UNESCO.
Washington nói gì?
Phát ngôn viên của Nhà Trắng Hay Carney tuyên bố rằng: Việc kết nạp chính thức Chính quyền Palestine vào UNESCO là “quá sớm”, và hành động này sẽ làm “suy yếu” những mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế cho một nỗ lực lâu dài nhằm đạt tới nền hòa bình toàn diện và lâu dài ở Trung Đông.
Phát biểu này của ông Carney được đưa ra ngay sau khi Palestine được chính thức trở thành thành viên đầy đủ của UNESCO, tại cuộc bỏ phiếu của tổ chức này trong một Hội nghị chung của 193 thành viên Liên Hiệp Quốc ở Paris.
Ông Carney còn đề cập đến vấn đề: Hoa Kỳ sẽ chỉ hỗ trợ các giải pháp khiến người Palestine và người Israel xích lại gần nhau hơn trong các cuộc đàm phán trực tiếp, đồng thời khẳng định đây là cách duy nhất để đẩy nhanh tiến trình hòa bình Trung Đông.
Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Hai vừa qua đã đặt một mốc quan trọng trong quá trình tiến dần về đích trở thành thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc của Palestine: UNESCO đã trở thành cơ quan đầu tiên của Liên Hiệp Quốc thừa nhận chính quyền Palestine như một thành viên chính thức kể từ khi nhà lãnh đạo nước này đệ đơn lên Đại Hội đồng vào ngày 23/9 vừa qua. Các vấn đề sẽ được Hội đồng Bảo an tiếp tục thảo luận trong tháng 11 tới.
Lịch sử ra đời và phát triển của UNESCO
Đầu năm 1942, trong khi Chiến tranh thế giới Hai đang diễn ra khốc liệt thì chính phủ các nước châu Âu trong khối liên minh chống phát xít đã tổ chức một hội nghị tại Vương quốc Anh, có tên là “Hội nghị Các bộ trưởng giáo dục của các quốc gia đồng minh” (Conference of Allied Ministers of Education, CAME) để bàn bạc và chuẩn bị cho các vấn đề sau chiến tranh. Thế chiến Hai vừa kết thúc, trong khi các quốc gia đang phải vật lộn với tình hình hậu chiến đầy khó khăn thì các nước đồng minh đã tính tới ngay việc xây dựng một hệ thống giáo dục phục vụ cho thời bình. Một dự án khẩn trương đã đạt được một sự nhất trí mang tính toàn cầu. Các quốc gia mới bao gồm các thành viên của Liên Hiệp Quốc đã quyết định tham gia vào dự án này.
Theo lời kêu gọi của CAME, một hội nghị đã được triệu tập trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc (ra đời trước đó không bao lâu, ngày 24/10/1945), để bàn về việc thành lập một tổ chức về văn hoá và giáo dục (ECO/CONF) diễn ra tại London từ ngày 1 đến 16 tháng 11 năm 1945. Hội nghị diễn ra ngay sau khi chiến tranh vừa mới kết thúc. Hội nghị đã thu hút được sự tham gia của đại diện 44 quốc gia. Căn cứ theo đề nghị của Pháp và Anh, là hai nước được coi là chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến tranh vừa qua, các đại biểu đã đi đến nhất trí về việc thành lập một tổ chức quốc tế tiêu biểu, xứng đáng với một nền văn hoá vì hoà bình. Các quốc gia mong mỏi tổ chức này hướng tới việc thiết lập “một tình đoàn kết về trí tuệ và lương tri của toàn nhân loại” và hành động nhằm loại bỏ nguy cơ chiến tranh.
Kết thúc Hội nghị có 37 trong số 44 nước đã quyết định việc thành lập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là UNESCO). Ngày 16/11/1945 Hội nghị đã ký thông qua nội dung Công ước UNESCO. Công ước này đã có hiệu lực sau đó một năm, vào ngày 4/11/1946, sau khi được chính phủ của 20 trong số 37 quốc gia tham gia hội nghị London phê chuẩn.
Ngày 16/11/1945 được coi là ngày ra đời UNESCO. Hai mươi quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước UNESCO được coi là các thành viên ban đầu (Sáng lập viên) của UNESCO, đó là: Ai Cập, Vương quốc Anh, Ấn Độ, Australia, Brazil, Canada, Đan Mạch, Cộng hoà Dominican, Tiệp Khắc, Pháp, Hoa Kỳ, Hy Lạp, Lebanon, Mexico, Na Uy, Nam Phi, New Zealand, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Đại hội đồng đầu tiên của UNESCO được tổ chức tại Paris, Pháp từ ngày 19/11 đến 10/12/1946 với sự tham gia của đại diện của 30 chính phủ thành viên có quyền bầu cử.
                                                           Hương Mai (Theo Time/Xinhua/Wiki)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét