Nhà biên soạn “cưỡng chế” cổ tích
Có lẽ, chẳng ở đâu trên thế giới này lại có chuyện sửa truyện cổ tích vì “để cho nó kết thúc có hậu, cho phù hợp với tư tưởng hiện đại” như các nhà biên soạn ở nước ta.
Câu chuyện có “hai cô Tấm” trong truyện cổ tích Tấm Cám sách giáo khoa lớp 10 đang khiến dư luận ồn ào suốt tuần qua. Có lẽ, chẳng ở đâu trên thế giới này lại có chuyện sửa truyện cổ tích vì “để cho nó kết thúc có hậu, cho phù hợp với tư tưởng hiện đại” như các nhà biên soạn ở nước ta. Câu chuyện thật đáng làm trò cười cho dư luận khi cho là sửa truyện cổ tích vì quan ngại nó ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách xấu của học sinh lớp 10, người ta cổ súy nó là nguyên nhân cho những hành động “ghê gớm” của một số thành phần tội phạm trong giới trẻ hiện nay; rằng nó làm cho hình ảnh của Tấm không nhất quán, làm xấu đi một hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho cái thiện.
Nói như vậy thì chẳng lẽ từ nhiều thế hệ ông cha ta đã tiếp xúc và nằm lòng câu chuyện cổ tích dân gian này đã bị sự trả thù của cô Tấm ở cuối truyện tác động xấu hay sao? Hơn nữa, cái kết nguyên bản vẫn tồn tại bao đời nay nhưng Tấm vẫn là biểu tượng của cái thiện, cái đẹp trong Tấm Cám và sự trả thù đó nói lên cái ác sẽ bị trừng trị, quan trọng hơn hết là nó thể hiện sự đấu tranh giai cấp tới cùng trong xã hội phong kiến ngày xưa.
Đáng nói hơn, rõ ràng nếu đem so truyện Tấm Cám nguyên bản với cái kết mụ dì ghẻ ăn hết lọ mắm và phát hiện cái đầu lâu ở đáy lọ là của con mình đã vỡ tim lăn ra chết và cái kết mới trong SGK lớp 10 hiện tại với chi tiết Tấm sai quân hầu đào hố và đun một nồi nước sôi bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi vào hố, Cám chết, mụ dì ghẻ thấy thế cũng lăn ra chết là không có sự thay đổi về tính chất. Đây là sự thay đổi hoàn toàn thất bại, bởi nếu nói về mức độ tàn nhẫn và độc ác thì cái kết mới so với cái kết ban đầu của câu chuyện vẫn là như nhau. Cái kết sau cũng tàn nhẫn không kém gì cái kết cũ, cũng vẫn là chuyện Tấm báo thù và mẹ con Cám phải chết tức tưởi… Tuy nhiên, có một điều rất rõ ràng là người đọc không thấy được hả hê cõi lòng khi thấy cái ác không bị trừng trị một cách thích đáng nhất. Như vậy, hiệu quả thay đổi mà các nhà biên soạn muốn hướng đến đã không thể đạt được dù đã dụng công tìm tòi, thay đổi với tinh thần đầy thiện chí.
Lý do chính đáng nhất để giải thích cho việc những con người đương đại như các nhà biên soạn của chúng ta phải mất công đi chỉnh sửa, thay đổi những cái đã tồn tại, được nhân dân từ đời này sang đời khác công nhận, coi là chuẩn mực là gì? Tất cả những lý do mà phía nhà sửa cổ tích đưa ra nêu trên đã hoàn toàn bị các nhà nghiên cứu văn học, nhà giáo, dư luận bác bỏ. Câu hỏi đặt ra là, phải chăng đây là sự bất lực trong suy nghĩ làm sao để học sinh cảm nhận và hiểu được cái tư tưởng xuyên suốt, căn nguyên nhất mà truyện Tấm Cám muốn truyền tải?! Nghi vấn ấy cũng không phải thiếu cơ sở, bởi thay vì chọn giải pháp hết sức tình thế và thô thiển là chỉnh sửa cổ tích, thì nhà biên soạn, nhà giáo dục nên trang bị kiến thức biện luận xung quanh tác phẩm này cho giáo viên một cách vững vàng hay quan trọng hơn hết là xác định chính xác đối tượng học sinh tiếp nhận. “Nếu đối tượng học sinh cấp 1 chưa thể hiểu biết được, chúng ta hãy chuyển lên đối tượng học sinh cấp 2 và thậm chí là cấp 3, đại học”, nữ nhà giáo, nhà phê bình văn học PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ.
Bây giờ, dù cái kết ấy có sửa hay không cũng không còn gì để bàn bởi chắc hẳn ai cũng biết được cái kết thật vốn có của Tấm Cám bao đời nay. Điều đáng nói ở đây là sự phi lý khi cổ tích, lịch sử lại vô tư mang ra sửa đổi dễ dàng như vậy. Và nó cũng giống như chuyện NXB cấp phép phát hành rồi sau đó cấm phát hành, thu hồi vì dư luận lên án một cách hết sức vô tư, dễ dàng!
Trúc Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét