Người tiêu dùng sẽ phải…"gánh" lỗ cho EVN
Dân Việt - Để Tập đoàn Điện lực VN (EVN) không bị phá sản, thoát khỏi thua lỗ, nợ nần thì không còn cách nào khác là tăng giá bán điện. Điều này cũng có nghĩa là người tiêu dùng sẽ phải "gánh" số lỗ của tập đoàn này.
Chiều 19.11, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của EVN. Sở dĩ phải công bố muộn như vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng - chủ trì cuộc họp - là do đây là năm đầu tiên công bố lỗ lãi của EVN và việc kiểm toán kinh doanh của tập đoàn này vừa mới hoàn thành.
Ông Vượng cũng cho hay, do "tổ chức gấp lại cuối tuần nên đại diện Bộ Tài chính (thành viên Tổ công tác liên bộ Tài chính - Công Thương về kiểm tra EVN) đã không thể tham dự".
Ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện các khâu của EVN năm 2010 cho thấy tổng sản lượng điện thương phẩm toàn hệ thống thực hiện năm 2010 là 85,674 tỉ kWh; sản lượng điện sản xuất và mua ngoài là 95,472 tỉ kWh; tỉ lệ tổn thất lưới điện truyền tải, phân phối là 10,15%.
Tổng doanh thu bán điện 2010 là 90.934 tỉ đồng, tương ứng giá bán điện bình quân thực hiện là 1.061,4 đồng/kWh điện thương phẩm. Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2010 là 101.096 tỉ đồng, tương ứng với giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 là 1,180,0 đ/kWh điện thương phẩm.
Năm 2010, sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ 10.162 tỉ đồng (bằng doanh thu trừ chi phí bằng 90.934 tỉ đồng, chưa tính đến lỗ/lãi tại các công ty cổ phần điện EVN góp vốn).
Cũng theo ông Cường, chi phí còn treo lại chưa được tính hết vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN trong năm 2010 bao gồm khoản lỗ chênh lệch tỉ giá là 15.463 tỉ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn còn lại là 356 tỉ đồng.
Một số nguyên nhân dẫn đến lỗ của EVN, theo Bộ Công Thương, là do năm 2010 sản lượng thủy điện thấp (thiếu hụt 6.000 tỉ kWh) nên EVN phải huy động các nhà máy chạy dầu (1 tỉ kWh chạy dầu so với 1 tỉ kWh thủy điện lỗ 3.000 tỉ đồng) và mua điện ngoài với giá cao gấp 3-4 lần giá bán điện bình quân, làm tăng chi phí rất lớn so với kế hoạch chi phí được duyệt trong phương án giá điện năm 2010. Bên cạnh đó là các nguyên nhân biến động tỉ giá hối đoái, giá thành nhiên liệu cũng gây nên lỗ kinh doanh điện của EVN trong năm 2010.
Chuyện năm 2010 EVN bị lỗ là có thật, song tập đoàn này đang rất khó thuyết phục được người tiêu dùng về việc lấy chuyện lỗ để tăng giá điện. Thực tế, năm 2010, Chính phủ đã cho phép EVN tăng giá điện (từ 1.3.2010) là 6,8% song Bộ Công Thương đã cho phép EVN tăng giá điện lên 9%, vượt 2,2% so với quy định của Chính phủ và cũng chính vì việc này, cả Bộ Công Thương và EVN đã bị Chính phủ yêu cầu "rút kinh nghiệm".
Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Vượng đã "thanh minh" rằng "do cách tính thôi". Theo ông Vượng, nếu lấy mốc từ 1.3.2009 đến 1.3.2010 thì việc điều chỉnh giá điện tính toán chia ra bình quân vẫn là tăng 6,8%, nhưng nếu lấy mốc từ 1.1.2009 đến 1.1.2010 thì giá điện đúng là tăng 9%. "Điều này không có gì khuất tất cả. Và với giá bán điện bình quân năm 2010 là 1.061,4 đồng/kWh, sản xuất kinh doanh của EVN vẫn lỗ, riêng sản xuất kinh doanh điện lỗ như báo cáo là 10.162 tỉ đồng" - ông Vượng nói.
Có một việc đáng suy ngẫm là việc tăng giá điện hiện nay dường như đang chỉ vì lợi ích của EVN, bởi giá bán điện tăng nhưng giá điện mà EVN mua vào từ các nhà máy điện lại không tăng lên. Vậy câu hỏi đặt ra là "liệu có lợi ích nhóm" trong việc điều chỉnh giá điện hiện nay đối với EVN không?
Thứ trưởng Vượng thừa nhận, thực tế hiện nay, tất cả các nhà máy điện đang phát điện lỗ. Các "ông lớn" như EVN lỗ, TKV, PVN cũng rất khó khăn. Nguyên nhân là do giá điện đầu ra đang quá thấp. "Tình huống này chỉ có thể giải quyết bằng việc để giá điện vận hành theo cơ chế thị trường", ông Vượng khẳng định.
Chính phủ đã ban hành quyết định 24 cho phép điều chỉnh giá điện theo thông số đầu vào cơ bản: sự thay đổi của chi phí, nguyên liệu. "Thực hiện đầy đủ quyết định 24 thì giá điện bán cho người tiêu dùng điều chỉnh, giá mua điện của các nhà máy cũng được điều chỉnh tương ứng. Các nhà máy điện sẽ có lãi. Đây cũng là chính sách lâu dài vì suy cho cùng nhà đầu tư sẽ chỉ đầu tư điện khi có lãi", ông Vượng nói.
Ông Vượng cũng khẳng định, không có "lợi ích nhóm" nào trong chính sách giá điện hiện nay, vì giá điện đang theo hướng phải để người tiêu dùng chấp nhận được và còn đang bị thấp hơn giá thành.
Tại cuộc họp này, nhiều vấn đề cũng được Bộ Công Thương trả lời một cách thẳng thắn, như câu hỏi: Lỗ của EVN sẽ được giải quyết như thế nào? Việc công bố lỗ của EVN có phải để "dọn đường" cho việc sớm tăng giá điện? Ông Vượng trả lời: Liên Bộ Tài chính-Công Thương đã trình Chính phủ cho phép hạch toán lỗ của EVN vào giá điện vì "không hạch toán được vào đâu cả". Và việc công bố lỗ của EVN là bắt buộc, không liên quan đến việc sẽ sớm tăng giá điện.
Ông Vượng cho biết, "việc điều chỉnh giá điện như thế nào, ra sao, lúc nào không thể nói được. Chúng ta sẽ biết khi điều chỉnh giá điện được thực hiện".
Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh nhận được ít câu hỏi tại cuộc họp này nhưng ông đã tự lý giải nhiều "khúc mắc" về việc thua lỗ của EVN. Ông Thanh cho biết, EVN chỉ có 30% là vốn sở hữu còn 70% là vốn vay để hoạt động, lại vay bằng ngoại tệ và vay của các ngân hàng nước ngoài nên khi thế giới bị biến động về tài chính tiền tệ, EVN đã bị tổn thương lớn. Lỗ do chênh lệch tỉ giá của EVN năm 2010 lên tới trên 15.000 tỉ đồng. Hiện EVN đang lỗ 300 đồng/kWh nếu tính đủ chi phí khi bán điện cho dân. Song vì Chính phủ chỉ đạo phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên không cho EVN sớm được điều chỉnh giá điện.
Ông Thanh cũng bức xúc việc Chính phủ hỗ trợ 30.000 đồng tiền điện cho hộ nghèo nhưng thực tế với chính sách giá điện hiện hành, người giàu, trung lưu cũng đang được bù lỗ 300 đồng/kWh, hộ nào dùng 2 triệu đồng tiền điện/tháng đang được bù lỗ 600.000 đồng. Cũng chính vì chính sách giá điện thấp hơn giá thành hiện nay mà tạo áp lực lớn cho EVN trong kinh doanh, huy động vốn đầu tư.
"Chúng ta lại đang phát triển nguồn điện, lưới điện mới, nhưng với chính sách giá hiện hành thì không thể huy động nổi vốn và nhà đầu tư; nếu không tích cực đầu tư thì năm 2013, Việt Nam sẽ không thể đủ điện cho nền kinh tế" - ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng "phản bác" việc cho rằng có "lợi ích nhóm" về giá điện. Ông nói: "Chúng tôi đang lỗ 10.000 tỉ đồng, đang phải "gánh" cho cả xã hội về giá điện, vậy ai chịu cho chúng tôi. Chúng tôi phải chấp nhận lỗ để giữ một mặt bằng giá điện sao cho dân chịu được, để đảm bảo an sinh xã hội, không thể nói chúng tôi có lợi ích nhóm".
Ông Thanh cho biết, trong các đợt điều chỉnh giá điện tới đây sẽ vẫn có chính sách hỗ trợ cho người nghèo, nhưng thực sự là khó thực hiện bởi EVN chỉ có doanh thu từ bán điện, không có nguồn thu nào khác. Do vậy, ông Thanh "kêu gọi" xã hội nên hiểu để "giá điện được trả theo đúng giá trị thực của nó và đúng với giá thị trường".
Trước câu hỏi, EVN lỗ như vậy nhưng tại sao thu nhập của lãnh đạo ngành điện vẫn cao ngất ngưởng?. Ông Thanh trình bày rằng, "tính thu nhập thì không biết thế nào, thực tế tôi cũng có nghe nói về dư luận này. Nhưng nếu tính lương hạch toán được thì ngành điện hiện lương trung bình chỉ 7 triệu đồng/người/tháng". Mức lương này, theo ông Thanh, "với tình hình lạm phát như hiện nay là thấp (?!), không đủ nuôi vợ và hai con..."
Kết thúc cuộc họp báo, ông Vượng cũng cho biết thêm, Bộ Công Thương và EVN đang xây dựng biểu giá điện mới, nếu có tăng giá bán điện sẽ vẫn hỗ trợ người nghèo gián tiếp, hộ nghèo dùng dưới 130kWh/tháng vẫn được nhận phiếu hỗ trợ gián tiếp.
Ông Vượng nhấn mạnh thêm rằng, "năm 2010 EVN đã lỗ nặng, năm 2011 dự kiến số lỗ cũng sẽ không thấp hơn. Và nếu nói kinh tế thị trường thì EVN mua điện giá cao phải bán giá cao, họ không phải chịu lỗ như hiện nay. EVN là một doanh nghiệp Nhà nước, và lỗ là do phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế của đất nước. Chúng ta cũng không thể để tập đoàn này phá sản, nên phải giải quyết lỗ của EVN qua giá vì EVN không có nguồn thu nào khác. Do vậy, mong dư luận người dân ủng hộ...".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét