Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

07:15

Thị trường vàng sắp bị thao túng?

ĐV-Với dự thảo Nghị định mới về kinh doanh vàng, nhiều doanh nghiệp lo lắng sẽ bị loại khỏi "cuộc chơi". Tuy nhiên, còn một điểm nới trong kinh doanh vàng trang sức, bởi Ngân hàng Nhà nước không đưa ra điều kiện nào cho đơn vị kinh doanh mặt hàng này.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước công bố những nội dung chủ yếu trong dự thảo Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã được trình Chính phủ. Theo đó, chỉ những doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, chiếm 25% thị phần trong nước trong 3 năm gần nhất mới được xem xét cho sản xuất, gia công vàng miếng.
Cụ thể, một doanh nghiệp nếu muốn sản xuất và kinh doanh vàng miếng phải đủ các điều kiện sau: có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vàng miếng theo quy định, có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị đầy đủ và đặc biệt là chiếm từ 25% trở lên thị phần sản xuất vàng miếng trong 3 năm liên tiếp gần nhất.
Nhận định về dự thảo này, ông Nguyễn Minh Châu, Tổng giám đốc Bảo Tín Minh Châu, cho hay, về mặt chủ trương thì việc Ngân hàng Nhà nước muốn quản lý sát sao hơn thị trường vàng là tốt, song những phương án đề ra vẫn còn nhiều bất cập.
Thứ nhất, hiện có 8 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sản xuất vàng miếng (SJC, PNJ, SBJ, AAA, Bảo Tín Minh Châu…). Thế nhưng trong đó, SJC đã chiếm thị phần sản xuất và thị phần bán ra trên thị trường lên tới hơn 90% (điều này nằm trong thông báo của Ngân hàng Nhà nước – PV). 7 doanh nghiệp còn lại chỉ còn 10% thị phần, làm sao đáp ứng đủ điều kiện 25% thị phần như trong dự thảo luật mới. Vậy nên chủ trương mới của Ngân hàng Nhà nước vô hình chung lại mang đến sự độc quyền cho thị trường vàng, bởi đáp ứng đủ điều kiện trên chỉ có mỗi Công ty TNHH Một thành viên vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Hiện có 8 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sản xuất vàng miếng - ảnh minh hoạ
Bên cạnh đó, điều kiện vốn điều lệ 500 tỷ đồng trở lên là một con số không nhỏ với các doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện nay. Bảo Tín Minh Châu nếu tăng gom huy động vốn thì có thể đáp ứng được, song không ít doanh nghiệp khác phải “đầu hàng” trước điều kiện này. Bởi lẽ, các doanh nghiệp vàng hoạt động mua đi bán lại, cứ có tiền lúc khách bán vàng lại phải bỏ ra mua, đến lúc khách mua vào thì mới gom được tiền. Như vậy, doanh nghiệp khó mà một lúc tập trung được một lượng vốn lên tới 500 tỷ đồng.

“Nếu dự thảo trên được duyệt, thì hiện chỉ có 1 doanh nghiệp đủ điều kiện để được phép tiếp tục sản xuất và gia công vàng miếng. Việc này ngoài dẫn đến sự độc quyền, thị trường vàng không còn tính cạnh tranh, thì còn mang đến nhiều hạn chế khác. Chẳng hạn, trước đây, có những thời điểm người dân mua vàng nhiều đến nỗi tất cả 8 thương hiệu vàng đều không đáp ứng đủ, nên có hiện tượng khan hàng. Nay nếu chỉ giao cho 1 đơn vị sản xuất và gia công, thì càng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Một khi không đáp ứng được thì sẽ kích thích vấn đề nhập lậu, ảnh hưởng đến thị trường vàng, ngoại tệ, ngân sách Nhà nước…”, ông Châu nói.

Còn đại diện PNJ cho biết, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống công nghệ để sản xuất vàng miếng và họ cũng bỏ ra nhiều chi phí, công sức để xây dựng thương hiệu bao năm nay. Hiện tại, ngoài SJC vẫn có đến 7 thương hiệu vàng miếng khác đang được người tiêu dùng chọn lựa. Nếu dự thảo của Ngân hàng Nhà nước được duyệt thì sẽ là một "đòn đau" cho nhiều doanh nghiệp.
Một chuyên gia kinh tế bình luận, có thể với dự thảo lần này, Ngân hàng Nhà nước muốn hướng đến là quản lý trực tiếp hoạt động vàng, mà cụ thể ở đây là thị trường vàng miếng. Thực tế cho thấy, cơ quan này đã can thiệp vào giá mua bán hằng ngày của SJC để bình ổn thị trường. Có thể sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thành lập một đơn vị để nhận đơn hàng trực tiếp của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, sau đó phân bổ về SJC để gia công. Bởi trong dự thảo ghi rõ: “Việc sản xuất vàng miếng (của doanh nghiệp đủ điều kiện – PV) được thực hiện theo hạn mức do Ngân hàng Nhà nước cấp từng lần”. Như vậy, nếu làm theo cách này, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ dễ dàng điều tiết và bình ổn thị trường hơn, song các doanh nghiệp muốn có vàng để bán thì sẽ phải liên hệ với Ngân hàng Nhà nước và chờ duyệt, không khác nào cơ chế “xin – cho” một thời.
Đa số những doanh nghiệp có thị phần nhỏ cho hay, rất lo lắng nếu dự thảo luật mới của Ngân hàng Nhà nước được duyệt. Song nếu điều này thành hiện thực, họ cũng sẽ phải tìm các hướng kinh doanh khác. Thậm chí, có doanh nghiệp cho hay họ có nhiều cách để lách, “chỉ sợ người thiệt thòi cuối cùng vẫn là người tiêu dùng”.
Một số doanh nghiệp còn lại cho biết sẽ đầu tư hơn vào kinh doanh vàng trang sức. Bởi, điểm nới và "thoáng" của dự thảo Nghị định Quản lý kinh doanh vàng lần này là Ngân hàng Nhà nước không quy định hoạt động kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Đây là một tín hiệu vui cho các doanh nghiệp vàng có thị phần nhỏ hiện nay. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét