Xác minh cán bộ nhiều nhà đất, giàu
nhanh thế nào?
Cập nhật lúc 14:04
Với đồng lương của cán bộ hiện
tại, theo ông Ninh, không thể đủ để tậu biệt thự, xe sang, cho con đi du
học trường xịn...
Trao đổi trên
báo VnExpress về công tác chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ mới của tỉnh, Bí thư Tỉnh
ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường khẳng định, tỉnh xác định "tuyển chọn người có
tâm, có tầm, có tài để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương".
"Cán bộ
tái cử và cán bộ lần đầu nhận nhiệm vụ đều thực hiện quy trình năm bước. Mỗi
chức danh quy hoạch 2 đến 3 người, thậm chí 5 người để chọn một người xứng
đáng giới thiệu ứng cử, bầu cử hoặc chỉ định tùy theo vị trí.
Nhân sự chuẩn
bị cho các vị trí khối Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể, sở ngành, địa
phương đều đảm bảo cơ cấu tỷ lệ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số... Bên cạnh đảm bảo
cơ cấu, nhân sự phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, không vì cơ cấu mà chúng tôi hạ
thấp tiêu chuẩn.
Trong hồ sơ của
mỗi ứng viên giới thiệu để đại hội bầu ở cấp cơ sở, cấp trên cơ sở và cấp
tỉnh đều có bản kê khai tài sản. Chúng tôi chú trọng xác minh đối với những
cán bộ nhiều đất, nhiều nhà, giàu nhanh mà không giải trình được. Tỉnh kiên
quyết không bố trí vào cấp ủy những người để người thân lợi dụng chức vụ trục
lợi. Tất cả công việc liên quan đến chuẩn bị nhân sự đang tiến hành theo lộ
trình, đến tháng 8 sẽ hoàn thiện", Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết.
Chia sẻ với những quan điểm của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, PGS.TS Nguyễn Lê
Ninh, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam TP.HCM thừa nhận, công tác đánh giá cán bộ là
một việc rất khó khăn.
Riêng về vấn đề
tài sản của cán bộ, theo ông Ninh, nếu chỉ dựa vào bản kê khai tài sản
thì không đủ và khó đảm bảo chính xác bởi để ứng cử vào các vị trí
lãnh đạo, các ứng viên phải đảm bảo trong sạch, nhưng thực tế
lâu nay lại cho thấy chuyện cán bộ kê khai
tài sản ít đi, tẩu tán, để người này người kia trong
gia đình đứng tên tài sản... không còn là chuyện hiếm
nữa và ai cũng biết.
Cho nên, vị Ủy
viên UBMTTQ Việt Nam TP.HCM cho rằng, để biết được cán bộ nào nhiều đất,
nhiều nhà, giàu bất thường... không phải không làm được. Trước hết, dựa
vào mắt nhìn thông thường đã có thể phát hiện: cán bộ, vợ con cán
bộ đeo đồng hồ gì, đi xe gì, lương nhà nước nhưng con
lại đi du học với mức học phí hàng chục ngàn đôla mỗi năm...
"Chỉ có
tham ô, tham nhũng, rút ruột các dự án, công trình mới có tiền của tiêu xài
như vậy, còn tiền lương cán bộ may ra chỉ đủ sống", PGS.TS Nguyễn Lê
Ninh nói.
Một điểm khác,
tài sản gốc của cán bộ có bao nhiêu nhà, đất có thể tra hồ sơ ở Sở Địa
chính-Nhà đất (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường). Cụ thể, trước đây cán bộ
đứng tên bao nhiêu m2 đất, bao nhiêu căn nhà, sau này có sang nhượng cho ai
(bán hay cho, bán thật hay bán giả...), vấn đề này, theo ông Ninh, cơ quan
chức năng dư sức làm rõ.
"Vấn đề là người
ta có muốn làm hay không, chưa kể còn có nhóm lợi ích - chính nhóm này cấu
kết với nhau, bao che cho nhau khiến tình hình trở nên phức tạp", PGS.TS
Nguyễn Lê Ninh lưu ý.
Cho rằng khó
xác định được chính xác tài sản của cán bộ ra sao, ông Ninh cho rằng,
tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá cán bộ chính là cán bộ đó phải được
sự tín nhiệm, yêu mến của nhân dân. Người dân nhìn ra người cán bộ có đạo
đức, có tâm và vì dân thì lựa chọn.
"Như vậy,
cán bộ phải có được uy tín ở trong dân thì được dân đề xuất đứng vào hàng ngũ
lãnh đạo. Từ đó, tổ chức mới xem xét và phải có xác minh, điều tra
cặn kẽ. Đây là vấn đề tổ chức, không có gì khó mà không làm
được", vị chuyên gia nhấn mạnh .
Nguyên tắc
là như vậy, song ông Ninh cũng thừa nhận một thực tế rằng, một bộ phận
không nhỏ người dân hiện nay ít quan tâm đến vấn đề công tác cán bộ
bởi phải lo mưu sinh, có chăng là những cán bộ, công chức đã về
hưu, thấy nhiều điều không đúng thì phát biểu.
Cho nên, để
chọn được cán bộ có tâm, có đức và có tài trước tiên phải dựa vào chính
những cán bộ lão thành, công chức về hưu, những người có quá trình phấn
đấu, có lập trường, quan điểm "thực sự xã hội chủ nghĩa",
"trung với Đảng, hiếu với dân", lấy ý kiến của họ rồi đưa
ra gợi ý, cho nhân dân thảo luận, đánh giá trong các cuộc
họp tổ dân phố.
"Tất
nhiên, cũng phải lường đến chuyện những cán bộ, công chức về hưu
- ở ngay trong địa phương - chưa chắc đã nói hết vì đó là vấn đề tế nhị
và để lựa chọn được người cán bộ thực sự có tâm, có đức không hề dễ
dàng trong thời buổi kinh tế thị trường, thời buổi mà đồng
tiền chi phối mọi tư duy, hành động", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh chỉ rõ,
đồng thời cho rằng, sau khi lựa chọn được cán bộ rồi cần phải có chính sách
để cán bộ sống được bằng đồng lương. Tức là, ngoài lương cơ bản
nhân với hệ số, vì cán bộ đó có đảm đương chức vụ phục vụ xã hội nên có thêm
phụ cấp, phụ cấp này phải đảm bảo được cuộc sống của bản
thân, gia đình cán bộ đó, đáp ứng những nhu cầu cơ bản
của cuộc sống và có chút để phòng hờ.
"Dĩ nhiên,
nó không thể đủ cho những người muốn có nhà lầu, xe sang, cho con đi du
học... Cho nên, công tác cán bộ là vấn đề khó, nhưng
quyết tâm làm thì không phải không có cách.
Bây giờ có thể để những cán bộ có kinh nghiệm, có tâm,
có đức làm cán bộ chủ chốt, rồi bồi dưỡng cho người trẻ, dù
chưa có kinh nghiệm nhưng họ có tâm huyết, vì dân vì nước, để họ
trưởng thành, không thể nóng vội được", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nhấn
mạnh.
(Theo Đất Việt)
Thành Luân
|
Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét