Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

Đằng sau quyết định của Mỹ đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston

Cập nhật lúc 14:50  

Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc đã lên một nấc thang mới chưa từng có tiền lệ với việc Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc. Động cơ đằng sau là gì?

Tiếp tục chuỗi leo thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc, chính quyền Mỹ đã đột ngột yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán của Trung Quốc ở thành phố Houston, bang Texas.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng động thái này để bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ và các thông tin cá nhân của người Mỹ. Phía Trung Quốc gọi đây là “sự leo thang chưa từng có” nhằm vào nước này và cảnh báo sẽ trả đũa nếu Mỹ không chịu rút lại quyết định.


Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. Ảnh: AP.

Có thể nói, căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng trở thành một cuộc đối đầu toàn diện, trên tất cả các mặt trận. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra sau hành động của Mỹ, chẳng hạn như hậu quả trong quan hệ Mỹ -Trung như thế nào, phải chăng đây là một chiến lược của Tổng thống Donald Trump trong cuộc tranh cử cuối năm nay?
Tổng thống Trump muốn “ghi điểm” trước cử tri?
Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ xác nhận yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Lãnh sự quán ở thành phố Houston, bang Texas, vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ngày 21/7 Washington đã yêu cầu Bắc Kinh đóng cửa cơ sở ngoại giao này trong vòng 72 giờ.
Tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nêu rõ, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ. Chính phủ Mỹ sẽ không dung thứ cho các vi phạm chủ quyền và dọa nạt người dân Mỹ của Trung Quốc, cũng như Mỹ từng không dung thứ cho các hành vi thương mại không công bằng, đánh cắp việc làm của người Mỹ và hành vi nghiêm trọng khác của Trung Quốc.
Theo bà Morgan Ortagus, Tổng thống Donald Trump đòi hỏi sự công bằng và có đi có lại trong các mối quan hệ Mỹ - Trung. Trong khi không nói rõ bất kỳ vi phạm nào có thể đã xảy ra, bà Ortagus trích dẫn một phần Công ước Vienna năm 1961 về các mối quan hệ ngoại giao, lưu ý rằng hiệp ước này yêu cầu các nhà ngoại giao nước ngoài “phải tôn trọng luật pháp và các quy định của nước tiếp nhận” và “có bổn phận không can thiệp vào công việc nội bộ của nước chủ nhà”.
Trong bối cảnh những triển vọng tái đắc cử vào ngày 3/11 tới đã và đang bị tổn hại nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần đổ lỗi cho Trung Quốc vì để dịch bệnh lây lan ra toàn thế giới, gây tổn thất vô cùng lớn cho nước Mỹ cả về sinh mạng và kinh tế. Do vậy, gần như mỗi ngày Nhà Trắng lại đưa ra một hành động để chống lại điều mà ông Trump đã gọi là “sự lợi dụng nước Mỹ” của siêu cường châu Á đang trỗi dậy.
Động thái mới nhất này có thể là một phần trong những nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm gây sức ép với Trung Quốc trên hàng loạt lĩnh vực, bao gồm thương mại, cạnh tranh công nghệ và quân sự, ảnh hưởng địa chính trị và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. 
Dư luận Trung Quốc về động thái của Mỹ
Trong một phản ứng gần như tức thì sau quyết định đột ngột của phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng cho rằng đây là hành động "leo thang chưa từng có" của Mỹ nhằm vào nước này, cũng là thách thức chính trị đơn phương của Washington đối với Bắc Kinh, nhằm cố tình phá hoại quan hệ Trung Mỹ. Trung Quốc đã lên án mạnh mẽ và yêu cầu Mỹ hủy bỏ quyết định này, đồng thời đe dọa sẽ có những phản ứng đáp trả cần thiết.
Trung Quốc còn tố cáo Mỹ gây khó dễ cho nhân viên lãnh sự ngoại giao nước này, áp đặt các hạn chế vô lý đối với họ hồi tháng 10/2019 và tháng 6/2020, nhiều lần tự ý mở các túi thư ngoại giao, kiểm tra và thu giữ các vật dụng công của Trung Quốc, thậm chí các đoàn ngoại giao và nhân viên ngoại giao của nước này còn bị dọa đánh bom và giết chết.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, đây là việc làm "chưa từng có trong lịch sử" ngoại giao và quan hệ Trung Mỹ. Hành động này không khác gì "trục xuất" các nhà ngoại giao Trung Quốc ra khỏi đất Mỹ. Nếu Trung Quốc cũng thực thi các biện pháp đáp trả tương ứng, trong đó có việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán của Mỹ tại Trung Quốc, thậm chí có thể dẫn tới việc hạ cấp quan hệ ngoại giao hai nước.
Cuộc đối đầu toàn diện Mỹ-Trung
Căng thẳng Mỹ - Trung đã xảy ra trên nhiều lĩnh vực và đang trở thành cuộc đối đầu toàn diện. Chính vì vậy, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây đã phải thừa nhận rằng các mối quan hệ Mỹ - Trung phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang ở thăm Đan Mạch, từ chối giải thích điều gì đã dẫn đến quyết định yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Lãnh sự quán tại Houston, nhưng ông nêu lên những cáo buộc lâu nay của Washington rằng Chính phủ Trung Quốc đang đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.
Ông Pompeo cũng nhắc tới việc Bộ Tư pháp Mỹ vừa buộc tội hai tin tặc có liên hệ với Chính phủ Trung Quốc, đã đánh cắp các bí mật thương mại từ hàng trăm mục tiêu trên toàn cầu và gần đây tìm cách xâm nhập vào những lỗ hổng của các công ty Mỹ liên quan tới phát triển vắc-xin và phương pháp chữa trị bệnh Covid-19.
Ông Pompeo đồng thời nhắc lại tuyên bố “đủ rồi” của Tổng thống Donald Trump và nói rằng Chính phủ Mỹ sẽ không để điều đó tiếp tục xảy ra. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pompeo không nêu chi tiết những cáo buộc hoạt động gián điệp của Trung Quốc nhắm vào phát triển vắc-xin, phương pháp điều trị của Mỹ, và ông cũng không nói rằng yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston có bất kỳ liên quan nào tới vụ việc này.
Ông Pompeo được cho là sẽ tiếp tục “công kích” Bắc Kinh trong bài phát biểu về mối quan hệ Mỹ - Trung tại Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Richard Nixon ở bang California trong ngày 23/7 (giờ địa phương).
Theo nhận định của chuyên gia Trung Quốc, hành động giới hạn thời gian đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao mà không có bất cứ dấu hiệu nào trước đó này của chính quyền Mỹ sẽ là "thử thách lớn nhất" đối với quan hệ Trung-Mỹ kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay.
Dù căng thẳng Mỹ - Trung đang bị đẩy lên cao trên nhiều mặt nhưng nhiều khả năng hai bên vẫn để ngỏ cánh cửa cho đối thoại và điều đó đã được thể hiện qua tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper.
Phát biểu tại cuộc hội thảo trực tuyến do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, Anh tổ chức ngày 21/7, ông Esper khẳng định ông sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc và đã lên kế hoạch tới Bắc Kinh vào cuối năm nay. Ông Esper nêu rõ, một trong những mục tiêu của chuyến thăm này là thiết lập các hệ thống cần thiết để trao đổi trong trường hợp xảy ra khủng hoảng./.
Phạm Huân, Bích Thuận/VOV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét