Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

Đập Tam Hiệp ở Trung Quốc làm trầm trọng hơn lũ lụt Vũ Hán?

Cập nhật lúc 10:29

Đập Tam Hiệp ở Trung Quốc có thể làm trầm trọng hơn lũ lụt tại Vũ Hán, khiến thành phố này phải chịu thảm hoạ kép trong năm nay sau khi bùng phát COVID-19.

Tỉnh Hồ Bắc có đập Tam Hiệp khổng lồ để điều tiết dòng chảy của sông Dương Tử - con sông dài nhất Châu Á. Dự án đập Tam Hiệp, đập thủy điện trọng lực lớn nhất thế giới, được xây dựng từ năm 1994-2012, nhưng có một lịch sử gây tranh cãi.
Từng là tâm chấn dịch COVID-19, Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, đang đối mặt với lũ lụt nghiêm trọng - thảm hoạ thứ hai tấn công thành phố 11 triệu dân trong vòng một năm.
Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo đỏ về mưa lũ (cấp cao nhất) cho nhiều vùng bị ngập trong những cơn mưa xối xả. Tỉnh Hồ Bắc là một trong số đó.

Đập Tam Hiệp gây tranh cãi
Được làm từ bê tông và thép, đập Tam Hiệp có chiều dài 2.355 mét và đỉnh đập cao 185 mét trên mực nước biển. Công trình đã sử dụng 27,2 triệu mét khối bê tông (chủ yếu cho thành đập), 463.000 tấn thép (đủ xây 63 tháp Eiffel, đào 102,6 triệu mét khối đất. Thành đập cao 181 mét so với nền đá.
Mực nước đập cao tối đa 175 mét trên mực nước biển, cao hơn mực nước sông ở hạ nguồn 110 mét. Vùng hồ chứa đập Tam Hiệp có chiều dài trung bình khoảng 660 km và rộng 1,12 km. Vùng hồ chứa có thể tích 39,3 km3 và tổng diện tích bề mặt nước 1.045 km2.
Tuy nhiên đập Tam Hiệp gây tranh cãi, khi các nhà môi trường từ lâu đã cáo buộc rằng các hồ chứa làm tăng nguy cơ sạt lở, lũ lụt và thiệt hại cho hệ sinh thái sông Dương Tử.
“Đập Tam Hiệp được cho là bảo vệ hàng triệu người khỏi lũ lụt định kỳ ở lưu vực sông Dương Tử, mặc dù mức độ hiệu quả của nó trong vấn đề này cũng đã gây tranh luận”, theo Britannica.
Ngoài ra, Britannica cũng lưu ý, 1.200 địa điểm có tầm quan trọng về lịch sử và khảo cổ học từng nằm giữa dòng sông Dương Tử đã biến mất trong quá trình xây đập Tam Hiệp.

Phân tích hình ảnh vệ tinh của đập Tam Hiệp

Đại tá nghỉ hưu Vinayak Bhat, chuyên gia phân tích hình ảnh vệ tinh cho quân đội Ấn Độ trong hơn 33 năm, viết trên tờ India Today rằng, việc xem xét kỹ lưỡng các hình ảnh vệ tinh cho thấy nước lũ đã được giải phóng khỏi đập tràn từ sớm trong năm nay.


Ảnh vệ tinh đập Tam Hiệp (Three Gorges Dam) ngày 4.6.2020. Ảnh: India Today

Cũng trong năm nay, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cảnh báo mưa bão trong hơn 30 ngày - khoảng thời gian kéo dài hiếm có.
Khu vực lưu vực của đập Tam Hiệp, nằm trên đảo Zhongbao, đã cao lên trong 5 năm qua vì những ngọn núi cao xung quanh.

Vũ Hán (Wuhan) và đập Tam Hiệp ngày 4.6.2020. Ảnh: India Today

Hình ảnh vệ tinh cho thấy hồ chứa có thể đã hấp thụ nhiều nước mưa hơn trong khu vực lưu vực so với trước đây.
Đại tá Bhat lưu ý, sự thay đổi mực nước được so sánh một cách khái quát với phần còn lại của đảo Zhongbao.


Ảnh vệ tinh cho thấy cổng xả lũ (Water Release Gates), đảo Zhongbao, ngày 4.6.2020. Ảnh: India Today

Mực nước theo quan sát trong một hình ảnh cũ ngày 27.10.2017, cao hơn nhiều, ít nhất là 15 mét, so với tình trạng hiện tại của nó. Tuy nhiên, không có cửa xả lũ nào được mở và việc phát điện vẫn tiếp tục như thường lệ trước đó.
Tuy nhiên, những hình ảnh mới nhất chỉ ra rằng cửa xả lũ đã được mở sớm nhất vào ngày 24.6.2020 và vẫn mở thậm chí cho đến ngày 9.7.


Ảnh vệ tinh đập Tam Hiệp ngày 24.6.2020 cho thấy nước lũ đã được xả (hình khoanh tròn). Ảnh: India Today

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc chỉ đưa tin về lũ lụt ở sông Dương Tử vào ngày 2.7.
"Tại đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, tốc độ dòng chảy của lũ đạt 50.000 mét khối nước mỗi giây. Do đó, đập Tam Hiệp mở ba cửa xả lũ để giảm bớt tác động của lũ ở vùng hạ lưu sông" - CGTN đưa tin.
"Kể từ ngày 29.6, dòng chảy của đập Tam Hiệp đã được kiểm soát với tốc độ trung bình hàng ngày là 35.000 mét khối mỗi giây, giảm tới 30% lưu lượng đỉnh của sông Dương Tử, giảm bớt áp lực kiểm soát lũ ở khu vực giữa và hạ lưu của dòng sông một cách hiệu quả“ - CGTN nói thêm.
(Theo Lao Động) Ngọc Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét