Trái phiếu doanh nghiệp: Nếu nhà đầu
tư vẫn ‘ngủ mơ’
Cập
nhật lúc 14:55
Cần
có những cuộc khảo sát đầy đủ, cẩn trọng của các nhà quản lý về vốn tự có và
vốn vay của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Đó
là ý kiến của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) liên quan đến
những quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Lãi
suất càng cao, rủi ro càng lớn
PV: - Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái
phiếu doanh nghiệp vừa được ký ban hành, trong đó có quy định mức dư nợ trái
phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả
khối lượng dự kiến phát hành) không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, theo
báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền
phê duyệt. Theo dự thảo mà Bộ Tài chính đưa ra trước đó thì con số giới hạn
là 3 lần.
Ông
bình luận thế nào về sự sửa đổi này? Theo ông, dựa vào căn cứ nào để chúng ta
đưa ra mức phát hành trái phiếu gấp 5 lần vốn chủ sở hữu?
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng
Thịnh
PGS.TS
Đinh Trọng Thịnh: - Việc đưa ra mức phát hành trái phiếu gấp bao nhiêu lần
vốn chủ sở hữu, theo lý thuyết mà các quốc gia trên thế giới thực hiện, dựa
trên thực tế bình quân của vốn vay trên vốn chủ sở hữu (cơ cấu vốn vay và vốn
chủ sở hữu).
Các
quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đều có quy định cụ thể về vấn đề này,
trong đó phân rõ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp lớn lần
lượt được phát hành trái phiếu gấp mấy lần vốn chủ sở hữu. Ví dụ, doanh
nghiệp nhỏ thường được phát hành trái phiếu gấp 2 lần vốn chủ sở hữu, doanh
nghiệp vừa tối đa gấp 3 lần, còn doanh nghiệp được phát hành trái phiếu có hệ
số cao hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường gấp 4-5 lần vốn chủ sở
hữu. Nói chung, sự xê dịch các chỉ số này tùy từng quốc gia.
Đối
với Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khá mới mẻ và trước đây
chúng ta không có quy định. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là
doanh nghiệp bất động sản, có thể phát hành trái phiếu gấp tới 10 lần vốn chủ
sở hữu, thậm chí còn lớn hơn nữa. Đây là điều không thể chấp nhận được vì
điều này sẽ khiến doanh nghiệp phải ôm khoản nợ rất lớn.
Đồng
thời, nó cũng tạo ra nguồn vốn lớn hơn nhiều so với khả năng quản trị của
doanh nghiệp. Khi đã vay nợ là phải trả lãi, muốn trả được thì doanh nghiệp
phải kinh doanh tốt. Nhưng vì khả năng quản lý của doanh nghiệp thấp, các yêu
cầu sản xuất kinh doanh cũng thấp hơn, nên việc sử dụng vốn không hiệu quả,
gây lãng phí, thất thoát, không loại trừ khả năng doanh nghiệp không có khả
năng trả nợ.
Một
đặc điểm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là doanh nghiệp phải tự chịu
trách nhiệm với việc phát hành trái phiếu trên thị trường và người mua phải
tự tìm hiểu tình hình tài chính của doanh nghiệp, lãi suất có thỏa đáng
không… Thường thì lãi suất càng cao, rủi ro sẽ càng lớn và nếu doanh nghiệp
phá sản hay vỡ nợ, nguy cơ nhà đầu tư mất trắng số tiền họ đã bỏ ra mua trái
phiếu doanh nghiệp hoàn toàn có thể xảy ra.
Dĩ
nhiên là có cơ chế xử lý khi doanh nghiệp vỡ nợ, người mua trái phiếu sẽ được
xếp hạng thứ bao nhiêu đó trong danh sách những người thu nợ. Thế nhưng, nếu
tài sản của doanh nghiệp đã sử dụng để giải quyết hết các vấn đề tài chính ưu
tiên theo quy định của pháp luật rồi, đến lượt người mua trái phiếu nhiều khi
không còn lại gì. Vì thế, trong các trường hợp doanh nghiệp phát hành trái
phiếu bị vỡ nợ, người mua trái phiếu gần như bị trắng tay.
Do
thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam còn mới nên các nhà đầu tư vẫn
như “ngủ mơ”, nghĩ rằng cầm tờ trái phiếu đó là yên tâm rằng sau này thế nào
cũng đòi được vốn gốc và lãi vay. Họ không biết rằng mình có thể trắng tay
khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản.
Hiện
có tình trạng nhiều nhà đầu tư chỉ nhìn thấy lãi suất trái phiếu doanh nghiệp
cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi của ngân hàng, thường từ 10-13%, thậm
chí tới 20%, mà không chút đắn đo suy nghĩ tới nguyên tắc lãi suất càng cao,
rủi ro càng lớn.
Chính
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý đã nhiều lần cảnh báo
các nhà đầu tư rằng họ hoàn toàn có thể bị mất vốn nếu như doanh nghiệp phát
hành trái phiếu bị vỡ nợ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Việt Nam vẫn chưa thực sự
quan tâm đến điều này.
Từ
kinh nghiệm của thế giới và thực tế trong hoạt động cho vay của ngân hàng
(doanh nghiệp được vay 70%, còn 30% phải là vốn chủ sở hữu), dự thảo trước đó
của Bộ Tài chính mới đề xuất doanh nghiệp được vay vốn thông qua phát hành
trái phiếu gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, Nghị định 81 vừa được thông
qua lại cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu gấp 5 lần vốn chủ sở hữu.
Tôi
chưa rõ các nhà làm chính sách dựa trên cơ sở nào để đưa ra con số này, nhưng
có khả năng họ dựa trên thực tế doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua có tỷ lệ
vay nợ cao hơn mức 3 lần nhiều, nên khi phát hành trái phiếu, theo thông lệ,
họ cũng có thể vay nợ cao hơn mức này, cụ thể là 4-5 lần.
Thế
nhưng, dù ở mức bao nhiêu, để đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp phát hành
trái phiếu và nhà đầu tư, cần phải có những cuộc khảo sát đầy đủ, cẩn trọng,
tỉ mỉ của các nhà quản lý về vốn tự có và vốn vay của các doanh nghiệp trong
nền kinh tế quốc dân.
Đặc
biệt, chúng ta mới bước vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì cũng nên
có những quy định phân ra các loại hình cụ thể: doanh nghiệp lớn thì phát
hành trái phiếu gấp bao nhiêu lần vốn chủ sở hữu, nhỏ thì bao nhiêu lần, vừa
bao nhiêu lần thì hợp lý hơn.
PV: - Trong bối cảnh này, đặt mức trần huy động trái phiếu
doanh nghiệp như trên sẽ tạo thuận lợi như thế nào cho các doanh nghiệp huy
động vốn, khôi phục sản xuất kinh doanh?
PGS.TS
Đinh Trọng Thịnh: - Đúng là phải nhìn nhận mặt tích cực của việc nâng mức
trần huy động trái phiếu doanh nghiệp so với dự thảo của Bộ Tài chính. Đây là
cơ sở để các doanh nghiệp có đủ điều kiện phát hành trái phiếu trên thị
trường tài chính tiền tệ có thể huy động và tiếp cận vốn tốt hơn.
Nhưng
như đã nói, chúng ta cần cẩn trọng vì đi kèm với thuận lợi là những rủi ro
cho các nhà đầu tư nói riêng và thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam nói
chung.
Chúng
ta đi sau các nước trong phát triển thị trường trái phiếu. Nếu không cẩn
trọng, xảy ra tình trạng các doanh nghiệp vỡ nợ một loạt thì sau này khó lấy
lại được niềm tin của các nhà đầu tư cũng như của người mua trái phiếu doanh
nghiệp. Tiền lệ xấu sẽ trở thành vật cản rất lớn đối với hoạt động của thị
trường tài chính tiền tệ Việt Nam.
Cần
có tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp
PV: - Ông nghĩ thế nào về khả năng nguồn tiền dồn vào doanh
nghiệp bất động sản khi các ngành kinh doanh khác do ảnh hưởng của Covid-19
đều đang gặp khó khăn, không có nhiều nhu cầu huy động vốn, còn lãi suất bình
quân huy động của nhóm doanh nghiệp bất động sản cao hơn mức lãi suất bình
quân chung của thị trường? Để xảy ra tình trạng này, các ngành sản xuất khác
và nền kinh tế nói chung có thể phải chịu những rủi ro gì?
Có
ý kiến cho rằng, trong các hướng dẫn chi tiết hơn, nên quy định mức trần phát
hành trái phiếu doanh nghiệp cho từng ngành kinh doanh cụ thể, còn mức trần
gấp 5 lần vốn chủ sở hữu chỉ là giới hạn cao nhất. Ý kiến của ông thế nào?
Nhà đầu tư cá nhân tham gia mua trái
phiếu doanh nghiệp ngày càng tăng
PGS.TS
Đinh Trọng Thịnh: - Nhìn một cách tổng thể, nguồn vốn trong nền kinh tế
phải được phân bố một cách tốt nhất, có hiệu quả nhất bởi tổng vốn chỉ có
thế, không thể tăng thêm, nếu tăng chỗ này thì chỗ khác sẽ bị sụt giảm.
Cho
nên thời gian qua Chính phủ đã có những giải pháp kịp thời để siết hoạt động
cho vay của ngân hàng đối với lĩnh vực bất động sản, tháo gỡ được nguy cơ xảy
ra bong bóng bất động sản trong khoảng thời gian cuối năm 2019, đầu năm 2020,
giúp cho thị trường bất động sản loại bỏ được những nhà đầu tư chộp giật, tay
không bắt giặc. Qua đó, hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bất động sản trở nên
thực chất hơn so với thời gian trước đây.
Tuy
nhiên, trong điều kiện hiện nay, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó
lường trên thế giới, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục đóng cửa biên giới, thực
hiện giãn cách xã hội, thu nhập của người dân giảm sút khiến hoạt động của
các doanh nghiệp trong nền kinh tế gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp rất muốn
vay và cần vay để tái cấu trúc nhưng khó được vay nợ mới vì họ đã vay rồi,
chưa trả được nợ cũ do bán hàng chậm, sản xuất kinh doanh không khởi sắc.
Bên
cạnh đó, nếu doanh nghiệp có vay cũng không có gì đảm bảo, vì cái gì có thể
đem đảm bảo đã được đem đi vay trước đó rồi. Một dạng khác chiếm đa số là
doanh nghiệp bây giờ có vay cũng không biết dùng vốn làm gì bởi hoạt động sản
xuất kinh doanh đang đình trệ.
Đó
là lý do vì sao tăng trưởng tín dụng thời gian qua rất thấp. Ngân hàng có huy
động được vốn thì cũng không tìm được khách vay, cho nên lãi suất tiền gửi
phải giảm đi, kéo theo lãi suất cho vay cũng giảm theo. Ngoài ra, ngân hàng
có tiền cũng không dám nới lỏng điều kiện cho vay vì rất rủi ro.
Nhưng
khi lãi suất của ngân hàng giảm đi và bị khống chế dòng tín dụng vào lĩnh vực
bất động sản thì nó cũng tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản phát
hành trái phiếu. Thêm nữa, các doanh nghiệp bất động sản lại sẵn sàng trả lãi
suất cao để hút vốn trên thị trường tài chính tiền tệ. Vì thế, đây cũng là
bài toán phải cẩn trọng, phải làm sao để tổng vốn phân bổ trong nền kinh tế
đi đến đúng đích mong muốn.
Chúng
ta khuyến khích đầu tư vào các doanh nghiệp, ngành nghề thuộc lĩnh vực sản
xuất kinh doanh, cũng vẫn có thể đầu tư vào cả lĩnh vực bất động sản vì đây
là lĩnh vực rất quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, đừng để tạo nên
những bong bóng bất động sản, cũng như đừng để bùng phát khả năng xảy ra các
chấn động lớn trong thị trường bất động sản nói riêng và trong nền kinh tế
nói chung thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
Cho
nên, tôi nhắc lại đề nghị các nhà làm chính sách cần có quy định cụ thể, chi
tiết hơn trong việc xác định mức trần huy động vốn thông qua trái phiếu đối
với doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, có mức trần đối với từng lĩnh vực, ngành
nghề riêng biệt (sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, bất động sản...)
thì mới sát với thị trường, qua đó quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp
tốt hơn.
PV: - Khi doanh nghiệp là con nợ lớn của cả ngân hàng và nhà
đầu tư, sẽ xảy ra tình huống tréo ngoe là ngân hàng và chủ đầu tư tiếp tục
phải bơm tiền duy trì sự tồn tại của con nợ, với hi vọng sẽ được trả nợ.
Bên
cạnh đó, hoàn toàn có khả năng doanh nghiệp dùng những chiêu thức nâng vốn
chủ sở hữu để nâng mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, khiến thị trường bị
ảo, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo
ông, phải làm thế nào để quản lý tốt vấn đề này?
PGS.TS
Đinh Trọng Thịnh: - Khả năng ngân hàng và nhà đầu tư trở thành con nợ của
doanh nghiệp phát hành trái phiếu là hoàn toàn có thể xảy ra. Cho nên vấn đề
quan trọng là phải xác định cơ cấu vốn của doanh nghiệp (vốn chủ sở hữu bao
nhiêu; vốn đi vay bao nhiêu...), qua đó lấy phần vốn vay của doanh nghiệp trừ
đi phần đã vay nợ trước đây, trong đó có nợ ngân hàng, để ra số lượng trái
phiếu được phép phát hành.
Nhiều
nơi lâu nay vẫn theo kiểu lấy vốn chủ sở hữu rồi tính mức bình quân của cơ
cấu vốn tín dụng để đưa ra mức phát hành trái phiếu là không chính xác và
không đảm bảo được an toàn vốn cho doanh nghiệp cũng như cho nhà đầu tư.
Bản
thân doanh nghiệp có nhiều cách để nâng vốn chủ sở hữu lên để từ đó nâng được
mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp có thể phát hành
cổ phiếu bổ sung vì cổ phiếu chính là vốn chủ sở hữu, ai mua cổ phiếu là trở
thành cổ đông, đồng chủ sở hữu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng có thể trả
cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu. Dựa vào cách làm này, doanh nghiệp tăng
được vốn chủ sở hữu và tăng được nợ vay qua trái phiếu phát hành mà không sai
luật.
Dĩ
nhiên, việc này phải được đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp thông qua
bằng việc ra nghị quyết cho phép phát hành cổ phiếu bổ sung hoặc cho phép trả
cổ tức bằng cổ phiếu.
Bên
cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể có nhiều cách khác để nâng vốn chủ sở hữu
lên, nhưng nếu nâng không đúng luật thì chắc chắn sẽ bị cơ quan quản lý tuýt
còi.
Khi
doanh nghiệp phát hành trái phiếu, theo quy định của luật, bắt buộc phải có
cáo bạch về tình hình tài chính của doanh nghiệp trong vài năm qua, nhằm
chứng minh doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh tốt, có nhu cầu về vốn, có
khả năng quản lý tốt nguồn vốn đó... Những thông tin này phải được kiểm định
bởi cơ quan có thẩm quyền.
Nhiều
quốc gia có quy định nghiêm ngặt về sàng lọc sức khỏe của doanh nghiệp, chủ
yếu thông qua các cơ quan xếp hạng tín nhiệm. Những cơ quan này sẽ vào để
đánh giá và khi họ gật đầu thì doanh nghiệp mới được phát hành trái phiếu ra
thị trường. Người mua căn cứ vào các thông số được cung cấp để đánh giá tình
hình tài chính của doanh nghiệp, lãi suất có hợp lý không, có phù hợp với rủi
ro họ phải chịu không… từ đó mới quyết định mua trái phiếu. Dĩ nhiên, một khi
đã qua tay cơ quan xếp hạng tín nhiệm đánh giá thì nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn
để đầu tư, nhưng cũng vì thế mà lãi suất trái phiếu giảm xuống vì rủi ro đã
được giảm thiểu.
Ở
nước ngoài hay Việt Nam, doanh nghiệp luôn phải là người chịu trách nhiệm
chính về các thông số mà họ đưa ra. Nếu một doanh nghiệp làm ăn chân chính,
họ cần vốn và đi vay vốn để kinh doanh thì việc phát hành trái phiếu là rất
tốt, tiết kiệm nhiều chi phí cho doanh nghiệp và doanh nghiệp có thể huy động
được số vốn lớn nhanh chóng.
Về
phía cơ quan quản lý, phải nâng cao các biện pháp quản lý cho chặt chẽ. Ở
Việt Nam hiện nay, cơ sở để tin được chỉ là số liệu của các cơ quan kiểm
toán, còn không có những tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập, cho nên Nhà nước
cần có cơ chế để kiểm soát độ tín nhiệm, sự trung thực trong nội dung các số
liệu mà doanh nghiệp công bố khi phát hành trái phiếu. Sau đó, dần dần hệ
thống xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam sẽ hoàn thiện để giúp các doanh nghiệp
trong nền kinh tế có được xếp hạng tín nhiệm đáng tin cậy.
Về
phía nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, cần đề cao
cảnh giác cũng như học hỏi kinh tế thị trường để biết rằng trái phiếu doanh
nghiệp phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của doanh nghiệp và không có ai đứng
ra bảo lãnh cho trái phiếu đó.
Đương
nhiên, nếu trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của ngân hàng hay tổ chức nào
đó thì lãi suất của nó sẽ giảm đi do tính rủi ro đã được giảm thiểu. Còn nếu
doanh nghiệp tự phát hành trên thị trường thì độ rủi ro sẽ cao, như vậy phải
xác định chuyện vỡ nợ, phá sản của doanh nghiệp, trái phiếu doanh nghiệp xảy
ra thường xuyên trong nền kinh tế thị trường để từ đó phải suy nghĩ nhiều lần
trước khi quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
(Theo
Đất Việt) Thành Luân
|
Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét