Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

Luật sư Hoàng Duy Hùng - Từ âm mưu đánh bom đến lá cờ đỏ sao vàng
Cập nhật lúc 15:06     
          
 Năm nay, đúng ngày 30/4, thời điểm mà với nhiều người gốc Việt ở Mỹ vẫn là "ngày quốc hận", "tháng Tư đen", Hoàng Duy Hùng lại chọn treo lá cờ đỏ sao vàng trong văn phòng – nhà riêng của ông ở Houston, bang Texas, gây nên một cú sốc lớn với nhiều người Việt ở Mỹ. Nhưng, trong cuộc trò chuyện với Dân Việt, Hoàng Duy Hùng nói, ông đã suy nghĩ kỹ, bởi đất nước đã thay đổi, quan hệ Việt Mỹ đã thay đổi.


Báo Dân Việt có cuộc trò chuyện cởi mở với vị luật sư từng được coi là chống cộng khét tiếng.
Trò chuyện với PV Dân Việt, luật sư Hoàng Duy Hùng kể:
- Năm 2001, tôi từ Campuchia xâm nhập về Việt Nam qua đường mòn ở An Giang. Tôi mặc đồ nông dân, lẫn vào những người đi làm về qua lại ở vùng biên giới, trời nhá nhem tối nên  không ai nhận ra tôi. Lọt qua biên giới, có người dẫn tôi qua một ngôi nhà, ăn uống thay đồ lên xe tải chạy về Bến Tre, rồi họ lại chở tôi lên thành phố TP.HCM. Mỗi chặng người dẫn đường chỉ biết đưa tôi đến đó mà thôi. 
Những người cùng "hoạt động" đã liên lạc trước, mua chất nổ cho tôi từ Campuchia. Hồi ấy chất nổ bên đó rất nhiều và rất dễ mua. Lên tới thành phố tôi quyết định đi khấn vua Hùng ở Phú Thọ để mình có thể hoàn thành "nhiệm vụ" trót lọt. Tôi mua vé xe lửa ra Huế, đi taxi đến Đền Hùng. Trên chuyến đi mấy tuần đó, tôi thấy đất nước thay đổi rất nhiều. Thành phố sầm uất, làng mạc trù phú, gương mặt người dân ai cũng thơi thới, vui vẻ nên tôi không còn muốn tiếp tục kế hoạch đánh bom như ban đầu.
Khi đến Đền Hùng lòng tôi bỗng chợt thao thức. Mộ vua Hùng thứ 6 ở đền Thượng, đứng đó nhìn ra xa thấy 99 ngọn đồi quây quần, chỉ có một ngọn đồi ở xa, giống 99 con voi phục về đền Hùng, chỉ có một con đi xa. Lúc đó tôi suy tư về đất nước, tôi thấy không thể đặt bom được, đặt xong thì sẽ có kết quả gì? 
Về Sài Gòn tôi lại xuống Cần Thơ rà soát lại bến Ninh Kiều, cả ở bến Nhà Rồng cũng vậy. Tôi nghĩ, đánh bom xong thì tiếp theo sẽ là gì? Nên tôi nói với những người "hoạt động" với mình là thôi bỏ. Tôi lại chạy qua Campuchia, Thái Lan.
Tôi bỏ không phải vì sợ mà vì thấy nếu đánh bom xong cũng chẳng giải quyết được gì. Sau này tiếp xúc với phía Việt Nam, mọi người có nói phía Việt Nam biết hết việc tôi làm, chỉ cần tôi có hành động thôi là họ hốt tôi rồi.
Khi ấy, sự thù hận trong ông như thế nào mà ông dám chấp nhận bị bắt, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng?
- Năm 1975 khi mới 13 tuổi, mang cờ vàng ba sọc xuống tàu HQ8 sang Mỹ, tôi khóc như mưa và đã có lời thề "diệt cộng". Bố tôi từng là sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng hòa. Học xong ngành Triết học ở đại học, tôi tham gia một tổ chức chống cộng bên Mỹ, rồi năm 1990 – 1991 - 1992 tôi về nước hoạt động cho đảng Đại Việt thuộc Quốc dân đảng.
Năm 1992 tôi bị bắt và bị biệt giam 16  tháng, lòng tôi khi đó đầy căm hận. Viện Kiểm sát lúc đó đề nghị không truy tố tôi vì tôi không mang súng ống mà chỉ hoạt động theo tổ chức và lý luận. Lúc đó, Việt – Mỹ lại đang nối lại mối bang giao, tôi là công dân Mỹ rồi nên Việt Nam trục xuất tôi, đưa tôi ra máy bay trả về Mỹ.
Về Mỹ tôi học tiến sĩ luật. Tới năm 1998 tôi lập tổ chức chính trị có tên Phong trào Việt Nam quốc dân hành động với  lời thề "quyết tâm lật đổ chế độ cộng sản".
Nhưng cuộc xâm nhập năm 2001 là chuyến đi khiến tôi bắt đầu suy nghĩ khác về đất nước. Chuyến trước tôi về năm 1991 – 1992, Việt Nam còn nghèo lắm. Đến 2001 nước mình thay đổi nhiều, chính điều đó làm tôi thay đổi theo. Năm 2013 tôi về Việt Nam với tư cách nghị viên của thành phố Houston thì đất nước còn thay đổi nữa. Đến lần về cuối 2019 đất nước đã khác hoàn toàn.
Lúc từ bỏ con đường bạo lực, ông đối mặt với việc những người trong tổ chức coi ông là "kẻ phản bội" thế nào?
- Tôi làm gì cũng minh bạch, người ta có phản ứng hay không thì tôi chấp nhận.  Tôi họp đại hội rất minh bạch, trình bày suy nghĩ của tôi. Có những người lắng nghe và đồng ý, có người rời bỏ tổ chức, có người chửi bới – tất cả là chuyện bình thường.
Có cụ già 80 tuổi ở San Jose, tôi đến ở với cụ 7 ngày 7 đêm cố gắng thuyết phục cụ nhìn ra con đường của tôi thì cụ đồng ý. Giờ tổ chức của tôi không hoạt động nữa. Một khi mình thay đổi thì phải minh bạch với mọi người. Con người tôi không thích nói dối, không có nói dối được gì hết, khổ thế chứ.
Ông thuyết phục thế nào để có những người đồng ý với ông?
- Tôi nói bạo lực không thay đổi được gì và chúng ta cũng không có khả năng bạo lực. Lúc đó nói về đất nước hay những điều tích cực họ (người Việt bên Mỹ) không nghe đâu. Tôi phải nói về khả năng của mình. Nếu đặt vài trái bom tự chế, cho nổ tượng đài xong cũng chả làm được gì, họ cũng nhận ra điều đó. Hơn nữa, tôi cũng tiếp xúc với các cơ quan phía Mỹ, họ rằng nói bạo lực gây hại cho đất nước, cho quan hệ hai bên.
Lúc đó nhiều người nghĩ rằng tôi bị cộng sản mua chuộc, rằng tôi đã gia nhập Đảng Cộng sản. Họ nghĩ vậy là bình thường. Nhưng với cách tôi sống thực tâm cho đất nước, họ cũng nhận ra phải đi theo con đường mới, phải đối thoại, hợp tác, hòa hợp với nhà nước, thì những điều đó phải có thời gian mới thuyết phục được.

Từ sau cuộc xâm nhập năm 2001 ông đã về nước nhiều lần chưa?
- Từ năm 2001 Nhà nước không cho tôi về. Nhưng năm 2013 tôi về với tư cách nghị viên thành phố Houston, chuyến đi đó để nối kết Đà Nẵng và Houston. Khi đó tôi đi Về Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM trong 2 tuần. Hai chuyến đi với hai tư cách khác hoàn toàn.
Năm 2013 dù là nghị viên, nhưng với hồ sơ 2 lần về Việt Nam trước đó, việc xin visa của ông có khó không?
- Khi ấy tôi về sân bay Nội Bài là bị công an chặn, nhưng Bộ Ngoại giao có người dẫn tôi đi, vì chuyến đi do phía Bộ Ngoại giao mời. Khi ra khỏi Việt Nam tôi cũng bị chặn ở Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Ngoại giao khi đó là ông Nguyễn Thanh Sơn đã can thiệp và họ để tôi đi.
Chuyến đi kết nối có kết quả gì?
- Lúc đó chính sách của Houston muốn kết nối giao thương và đặc biệt là kết nối tinh thần với Đà Nẵng. Cả Đà Nẵng và Houston đều sẵn sàng. Nhưng khi trở về, người Việt ở đây chống phá việc đó dữ dội, thậm chí họ đặt bom nhà tôi, thành phố Houston ngưng không tiến hành việc hợp tác nữa. Sau đó tôi không được bầu làm nghị viên nữa.
Ông có tiếc vì mất đi ghế nghị viên?
- Mất đi ghế nghị viên có là gì đâu. Những gì có thể làm cho đất nước thì tôi làm, tôi chẳng ngại gì cả. Chuyện tôi thấy phải thì làm, đúng lương tâm thì tôi làm. Không tiếc! Cũng có những người nói nếu tôi tung hô cờ vàng 3 sọc tiếp, tôi từng là ngôi sao sáng bên này, nếu tôi đi theo con đường họ mong muốn thì họ sẽ đẩy tôi lên. Nhưng tôi chả cần gì hết, chỉ cần nói tiếng nói lương tâm.
Người ta hỏi tôi về Việt Nam tìm kiếm lợi ích gì? Tôi chả tìm kiếm gì hết. Mình làm là vì lòng mình thấy đúng, trở về với mẹ Việt Nam, cộng tác, xây dựng mẹ Việt Nam, làm được gì đúng thì làm, đó là một phần trách nhiệm, không có gì phải tiếc hết.
Tôi làm chủ tịch cộng đồng, đắc cử nghị viên, lúc đó muốn dùng vị trí của nước Mỹ để giúp lại cho đất nước. Lúc đó sự phản đối dữ dội quá, tôi chấp nhận thôi.
Sự phản đối đến bây giờ vẫn còn. Cùng với  thời gian từ từ nó sẽ bớt, nếu so sánh sự phản đối hồi năm 2013 là 100 thì giờ chỉ còn 50, phải có thời gian cho mọi người nhìn thấy vấn đề thôi.

Lần đầu tiên, tháng 1/2020, ông Hoàng Duy Hùng thăm hàng loạt di tích lịch sử và thắng cảnh Việt Nam: Địa đạo Củ Chi, Thác Bản Giốc, Hang Cốc Bó.
Ông  có thấy vấn đề hòa hợp dân tộc được Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh qua Nghị quyết 36 về hòa hợp dân tộc, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi?
- Kết quả Nghị quyết 36 chưa được mong đợi là do lòng người bên này (người Việt bên Mỹ), không phải do chính sách. Lòng người vẫn còn bảo thủ, cần có thời gian, nhưng con đường hòa hợp tất yếu phải đến, không sớm thì muộn, không năm nay thì năm khác nhưng chắc chắn phải đến.
Lòng người có biến cố đau thương, có người trải qua quá khứ ở tù, gia đình có người chết trên biển, họ không nguôi ngoai ngay được mà cần thời gian để lắng đọng lại.
Tại sao ông nghĩ hòa hợp là tất yếu?
- Người Việt phải đoàn kết để xây dựng đất nước. Nếu không thì sức mạnh dân tộc bị tản ra, ta sẽ là mồi ngon cho các dân tộc khác xâu xé. Hòa hợp là nhu cầu tất yếu, con đường tất yếu. Bác Hồ nói rồi: Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công. Đứng trước thảm họa nước khác nhòm ngó, họ thấy ta yếu họ sẽ tìm cách xâu xé.
Những khác biệt trong tâm tư người Việt ở hải ngoại đã được giải quyết. Chẳng hạn từ lâu họ đã được thăm nghĩa trang Bình An của binh lính Việt Nam Cộng hòa. Sự thay đổi đó có giúp xoa dịu tâm tư người Việt?
- Nhìn kỹ thì thấy đã có nhiều thay đổi. Nhà nước mở lòng, mở rộng vòng tay rất nhiều. Những tổ chức phản động, các đài phản động quốc tế bịa chuyện, bóp méo sự kiện  làm họ hiểu lầm. Những năm vừa rồi, có mạng xã hội nên  người ta hiểu được nhiều điều. 
Nghĩa trang Bình An không bị xóa, không bị cày lên giống như tuyên truyền của các tổ chức phản động. Khi họ hiểu điều đó, họ sẽ thấy lòng trùng xuống và cảm thấy phải đánh giá lại. Hay có những người trước đây tuyên truyền rằng Trường Sa bị Trung Quốc chiếm hết rồi, thì phải cần có những chuyến đi Trường Sa, những hình ảnh để họ vỡ ra rằng Trường Sa vẫn có những chiến sĩ bám đất bám biển để giữ vững chủ quyền trước Trung Quốc.
Nhà nước đã có chính sách cởi mở, đã chìa bàn tay, lòng người có thay đổi không, có rất nhiều chứ. Đó là lý do vì sao những clip của tôi trong chuyến về nước cuối năm ngoái gây chấn động trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. 
Clip của tôi được người ở hải ngoại theo dõi, họ nhìn thấy thay đổi thật, không phải là đất nước nghèo nàn khổ sở, đi tới chỗ nào cũng bị theo  dõi… - tất cả những suy nghĩ đó được đánh tan. Khi có những tiếng nói như vậy họ nhận ra sự thật về đất nước, họ sẽ chùng xuống, bớt chống đối Nhà nước Việt Nam. 



Ông Hoàng Duy Hùng thăm nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết tháng 1/2020. Ông Hùng từng được gặp ông Nguyễn Minh Triết khi về Việt Nam năm 2013. Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang gặp Hoàng Duy Hùng, tháng 1/2020.  


Ông bắt đầu làm kênh Góc nhìn Hoàng Duy Hùng từ bao giờ?
- Từ khi có dịch Covid-19 và thành phố của tôi bị cách ly ngày 18/3, tôi phải ở nhà. 45 ngày sau tôi đạt Nút bạc khi có 100.000 người đăng ký. Mỗi ngày 1 – 2 clip, trong nhà có mình tôi thôi, tự thu, tự làm, đọc báo đọc sách, tổng hợp tình hình rồi ghi hình.
Các clip của ông động chạm nhiều vấn đề nóng ở Việt Nam, từ dịch Covid-19, phát biểu của Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam. Ông nhận được phản hồi như thế nào?
- Không những là vấn đề nóng ở Việt Nam mà cả với bên này. Nhưng góc nhìn của tôi là tôi không sợ ai, tôi nói đúng lương tâm của mình. Tôi nhận được nhiều phản hồi. Clip bị phản hồi dữ dội nhất là tôi thực hiện clip treo cờ đỏ sao vàng. Khi đó, tôi bị người ta dọa giết, bạn bè tôi nhiều người chia tay. Có chứ sao không có, những người bạn rất thân chia tay nhau… Dám chơi dám chịu không có gì cả. Họ phản ứng cũng là bình thường.
Còn gia đình  ông?
- Bây giờ tôi ở một mình, không còn ai với ai (im lặng). Tôi hoàn toàn chỉ còn một mình.
Điều đó tác động  thế nào đến suy nghĩ tình cảm của ông?
- Khi mình nhận ra được con đường của mình thì mình đi. Ai hiểu được mình thì cảm ơn, không hiểu thì cũng cảm ơn, không ép ai hết, có người họ hiểu nhưng họ e ngại. Ngay chính người trong gia đình, hay trong giáo xứ mà họ sinh hoạt họ bị chửi thì họ không muốn gặp mình nữa thôi. Chuyện bình thường…
Như vậy thì thật sự nặng nề khi không chia sẻ được với ai?
- Về lý trí thì không sao. Còn tấn công tình cảm có những đau đớn phải giữ trong lòng mình, không nên nói ra. Biết sao bây giờ…
Khi bị quay lưng như thế ông có gặp khó khăn đến công việc?
- Đương nhiên việc bị phá này nọ có đôi chút ảnh hưởng nhưng tôi không quan tâm. Ghế Nghị viên tôi còn không quan trọng. Công việc của tôi vẫn duy trì. Nhưng lấy điều đó làm gánh nặng cho mình để không dám nói ra thì không đúng với lòng mình. Tôi không phải người như thế. Tôi sẵn sàng bỏ tất cả mà. Việc bị chống đối không ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi. Tôi chủ trương làm đủ sức của tôi, dự trù một hai năm nữa sẽ về hưu thôi. 
Ông nhìn nhận thế nào về vị thế Việt Nam thời gian qua?
- Đã có những thay đổi chắc chắn là tuyệt vời. 10 năm nữa vị thế của Việt Nam sẽ rất vững chãi trên trường quốc tế, tôi khẳng định điều đó. Về địa chính trị Việt Nam rất sáng giá. Về kinh tế Việt Nam có thể nhận nhiều đơn hàng sau Covid-19 thay thế Trung Quốc. Việt Nam đang được thế giới chú ý.
Người ta đã nhắc đến việc Việt Nam tham gia Bộ tứ kim cương mở rộng gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và sẽ mời thêm New Zealand, Hàn Quốc, Việt Nam tham gia để tạo tuyến đường phát triển mới. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam có đà phát triển 6,8%. Năm nay Covid-19 có thể chỉ 4%, nhưng 10 năm nữa Việt Nam là một trong những cường quốc, với dân số 100 triệu. 
Năm nay Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an đúng vào thời điểm khó khăn. Ông đánh giá thế nào về vai trò quốc tế của Việt Nam?
- Việc Việt Nam là Ủy viên không thường trực HĐBA, luân phiên Chủ tịch HĐBA cho thấy vị thế của Việt Nam  trên toàn thế giới. Việt Nam được điều phối các cường quốc trong bối cảnh tế nhị. Đó là một Việt Nam trong vai trò lãnh đạo. Trong khi đó Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, khối này đang được cả thế giới chú ý.
Sau dịch, các công ty tập đoàn  tìm nơi thay thế Trung Quốc thì đó là ASEAN, gồm những quốc gia đông dân như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia… cộng lại con số tương đương gần 1 tỷ người, gần tương đương với Trung Quốc 1,4 tỷ. Thế giới tìm một lựa chọn khác và tìm được. Việt Nam là chủ tịch ASEAN thì vị trí Việt Nam mỗi ngày càng lên.
Quan hệ Việt – Mỹ đã có những thay đổi ngoạn mục 25 năm qua. Ông có hình dung được sự thay đổi này?
- Một mối quan hệ tuyệt vời. Việc trở thành đối tác đã thay đổi Việt Nam rất nhiều, làm Việt Nam có cơ hội phát triển  kinh tế. Năm 2019, khi Tổng thống Donald Trump thăm Việt Nam, ông ấy cũng đã vẫy lá cờ đỏ sao vàng. Chắc chắn đó là một thông điệp. Sự tương tác của Mỹ với Việt Nam sẽ tăng. Đó cũng là quyền lợi của Mỹ chứ không chỉ của Việt Nam, đó là quyền lợi chung của cả hai nước.
- Xin trân trọng cảm ơn luật sư Hoàng Duy Hùng đã giành cho Dân Việt một cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét