Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2020

Huyện nghèo đang khẩn trương xây tượng đài 48 tỉ

Cập nhật lúc 13:48                 

Vĩnh Thạnh, một trong 3 huyện miền núi nghèo của tỉnh Bình Định, đang khẩn trương hoàn thành tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh với vốn đầu tư hơn 48 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% và huyện huy động từ các nguồn vốn xã hội hóa.


 

Tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh có tổng mức đầu tư 48 tỉ đồng đang trong giai đoạn hoàn thành - Ảnh: T.TH.

Công trình tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh do UBND tỉnh Bình Định phê duyệt năm 2019, với phần tượng đài có chiều cao 20m, phần thân tượng đài cao 15,5m và bục cao 4,5m, sử dụng chất liệu đá nguyên khối, được xây dựng ở đồi Lâm Viên (thị trấn Vĩnh Thạnh) trên diện tích khuôn viên hơn 3.000m2.
Phần chính của tượng đài là hình ảnh điêu khắc tái hiện cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh cách đây hơn 60 năm của quân dân hai làng Tơlok, Tơlek (đồng bào Ba Na).
Ông Lê Văn Đẩu, chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết công trình tượng đài này đã hoàn thành được 50%, nhưng rất khó đúng tiến độ dự kiến hoàn thành trong tháng 7-2020. 
"Nguồn vốn xã hội hóa được lấy để làm tượng đài, không lấy vốn xóa đói giảm nghèo. Với các ý kiến của nghệ nhân, già làng người đồng bào Ba Na về các hình ảnh khắc trên tượng đài chưa đúng với hình ảnh người đồng bào dân tộc thiểu số, hiện huyện đang tiếp thu và điều chỉnh" - ông Đẩu nói.
Ông Đinh Bá Hòa, nguyên giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (nay là Bảo tàng Bình Định), cho rằng Vĩnh Thạnh là một huyện nghèo, dân còn khổ cực, làm một tượng đài gần 50 tỉ thì quả thực quá lớn. 
Tượng đài nằm ở huyện miền núi, vị trí lại không phải di tích (di tích làng Tơlok, Tơlek nằm ở bên kia sông Kôn, trên núi thuộc xã Vĩnh Hiệp) nên chưa biết sẽ hiệu quả như thế nào. Chưa kể kiến trúc tượng đài quá hiện đại, người Ba Na thấy không gần gũi sẽ khó đến nhiều.
Nghệ nhân Yang Danh (người đồng bào Ba Na), chi hội trưởng chi hội các dân tộc thiểu số (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định) cho biết nhiều chi tiết điêu khắc của tượng đài chưa phải của người Ba Na.
"Người Ba Na chúng tôi cầm giáo, mác khi tham gia cuộc khởi nghĩa nhưng trên tượng đài lại cầm... búa. Người Ba Na mặc váy hở chứ không phải váy kín như đồng bằng, hoa văn cũng không phải của người Ba Na. Dáng đứng cũng không phải của người Ba Na mà là dáng đứng bắn súng" - nghệ nhân Yang Danh nói.
(Theo Tuổi trẻ) Thái Thịnh

Tiêu chí về lịch sử và nghệ thuật đều không đạt, có vẻ tượng đài này chỉ đạt mục tiêu… tiêu tiền!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét