Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Thâm nhập đường dây làm giả thẻ nhà báo, công an

Cập nhật lúc 10:05   

Gần đây, cơ quan chức năng liên tục triệt phá, bắt giữ hàng chục đối tượng chuyên làm giả thẻ nhà báo, thẻ công an, sổ đỏ, văn bằng, chứng chỉ. Tuy nhiên, nhiều đối tượng vẫn công khai rao bán giấy tờ giả trên mạng...


Công an bắt quả tang vụ trao trả thẻ nhà báo, công an giả, từ nguồn tin của báo Tiền Phong. Ảnh: MĐ

Mua thẻ công an, nhà báo... dễ như mua rau
Giữa tháng 5/2020, trong lúc ngồi cà phê trên đường Lê Văn Lương, Thanh Xuân (Hà Nội), PV Tiền Phong vô tình nghe thấy bàn bên cạnh có một thanh niên tóc nửa đỏ nửa xanh, đang khoe với nhóm bạn có quan hệ “đặc biệt” với ngành công an, báo chí và nhiều cơ quan trung ương nên có thể sở hữu các loại thẻ, bằng cấp. Sau đó, thanh niên này rút từ trong ví ra nào là thẻ nhà báo, thẻ công an, thẻ công vụ đặc biệt… khiến đám bạn tròn xoe mắt.
Được đà, thanh niên cho biết có thể giúp đỡ mọi người làm các loại thẻ giả, bằng giả với chi phí vài triệu đồng. Anh ta còn nói đó chỉ là tiền “xăng xe” đi lại, rồi oang oang đọc số điện thoại của mình cho đám bạn lưu để sau này liên lạc lại với hắn khi cần.


Thẻ nhà báo, thẻ công an được làm giả mạo

Từ những lời chém gió bất thường, PV Tiền Phong cũng kịp ghi lại số điện thoại: 0862881114. Qua tìm hiểu, được biết chủ số thuê bao trên theo đăng ký là Trần Kim Ngọc Kỳ Nam. Lần theo số điện thoại này trên mạng xã hội facebook, PV tìm thấy các quảng cáo công khai dịch vụ làm thẻ nhà báo, công an, bằng cấp... các loại. Ai có nhu cầu, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân. Cụ thể, đối với thẻ nhà báo cần, họ tên, ngày tháng năm sinh, cơ quan công tác, ảnh chân dung.
Đối với thẻ công an, nhóm này yêu cầu cung cấp họ tên, ngày tháng năm sinh, cơ quan công tác, chức vụ, cấp bậc, ảnh chân dung. Chưa đầy 5 phút, đội quân chân rết đã chế bản giấy tờ giả và trả kết quả qua số Zalo 0862771115, hoặc facebook, email… nhằm thể hiện “uy tín”. Các đối tượng này cam kết tối đa 3 ngày, thẻ nhà báo, thẻ công an, bằng cấp các loại sẽ được giao tận cửa nhà.
Ở trang web chuyên làm bằng giả có tên miền: lambangpro…, kèm số điện thoại 0967343146, các đối tượng làm giấy tờ giả còn quảng cáo công khai, với những lời “ngon ngọt”: “Các loại bằng cấp mình làm có thể dùng xin việc tại các công ty tư nhân, xuất khẩu lao động, du học hoặc để nâng lương, nâng chức, không được sử dụng vào mục đích khác...”. Thậm chí, web này còn cam kết phôi thật, dấu giáp lai nổi, “bao soi” công chứng... Mức giá thẻ nhà báo trang này rao 4 triệu đồng/chiếc, thẻ công an 6 triệu đồng/chiếc, bằng cử nhân 3 triệu đồng/chiếc, bằng thạc sỹ 6 triệu đồng/chiếc, bằng tiến sỹ 10 triệu đồng/chiếc…
Sau khi thu thập thông tin, PV Tiền Phong gửi 1 tấm ảnh kèm theo thông tin cá nhân cho các đối tượng. Quả thực, chỉ sau 5 phút, đối tượng sử dụng 0862881114, tên Zalo Trần Kim Ngọc Kỳ Nam đã lập tức trả ảnh kết quả 1 thẻ nhà báo và 1 thẻ công an theo thỏa thuận. Nam cam kết, sau đúng 3 ngày sẽ trả thẻ nhà báo và công an theo địa chỉ của khách.
Chiêu trò, thủ đoạn tinh vi
Để tìm hiểu rõ hơn thủ đoạn làm bằng giả, giấy tờ giả của các đường dây này, phóng viên đã trao đổi với cơ quan công an. Một cán bộ công an Hà Nội cho biết, đơn vị từng nhận nhiều thông tin tương tự, tuy nhiên các đối tượng thường sử dụng nhiều số điện thoại, liên tục thay đổi địa điểm… và khi thấy có dấu hiệu không an toàn sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”.
Từ thông tin trên, PV Tiền Phong lên kế hoạch phối hợp cơ quan công an hẹn gặp các đối tượng giao thẻ giả tại một ngõ dài trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội. Địa điểm nhận “hàng” là ngõ cụt, với mục đích phối hợp cơ quan công an để bắt quả tang những đối tượng làm ăn phi pháp.
Đến ngày 29/6, PV Tiền Phong phối hợp với lực lượng công an thuộc Công an quận Long Biên, Hà Nội bắt giữ đối tượng giao thẻ nhà báo và thẻ công an giả. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an mở rộng làm rõ.
Tháng 6/2020, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết đã khởi tố vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tạm giữ hình sự Phạm Hoài Thanh, Nguyễn Tấn Linh (cùng quê Quảng Ngãi, tạm trú TPHCM) và Phạm Văn Đoàn (ở Hóc Môn, TPHCM). Đây là đường dây làm giả con dấu, tài liệu quy mô lớn từ TPHCM cung cấp về Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành. Trong số các tài liệu giả có sổ đỏ, bằng cấp, thẻ nhà báo, thẻ công an, con dấu giả, có cả dấu của công an một số địa phương.
(Theo Tiền Phong) Minh Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét