Doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước
ngoài: Lỗ dồn 1,1 tỉ USD, nguy cơ mất vốn nhà nước
Cập
nhật lúc 15:43
Rất
nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp
có vốn nhà nướcđang nằm trong tình trạng “đắp chiếu” hoặc kinh
doanh thua lỗ liên miên hơn 1,1 tỉ USD khiến hiệu quả đầu tư nguồn vốn nhà
nước không đảm bảo, có nguy cơ mất vốn nhà nước.
Từ năm 2013 đến nay, hãng hàng không Cambodia
Angkor Air (CCA) liên tục bị lỗ. Ảnh: VGT
Hàng loạt dự án thua lỗ
Báo cáo tình hình đầu tư ra nước ngoài vừa được Bộ Kế
hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) gửi lên Thủ tướng Chính phủ cho thấy, đến hết năm
2019 có 114 dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước với tổng
vốn đăng ký 13,82 tỉ USD và vốn thực hiện lũy kế đến hết năm 2019 đạt khoảng
6,7 tỉ USD.
Cũng liên quan đến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhà
nước, Bộ KHĐT dẫn báo cáo ngày 31.3.2020 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại
doanh nghiệp (Ủy ban) cho hay, hiện có 8 tập đoàn, tổng công ty nhà nước
thuộc quản lý của Ủy ban có hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Đáng chú ý, trong
15 dự án được các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ở nước ngoài, chỉ có 6 dự án
hoạt động đúng tiến độ, 2 dự án chậm tiến độ, 5 dự án khó khăn và 2 dự án
không có khả năng triển khai. Bên cạnh đó, hiện còn có 3 tập đoàn, tổng công
ty có các công ty con trực thuộc đầu tư 56 dự án, với 2 dự án trong số này
chậm tiến độ, 4 dự án đang gặp khó khăn và không có khả năng thực hiện. Tổng
vốn đã chuyển ra nước ngoài khoảng 3,8 tỉ USD, lợi nhuận chuyển về nước đạt
gần 270 triệu USD.
Về hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp
có vốn nhà nước, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, có 20 doanh nghiệp nhà
nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối đầu tư ra nước ngoài 116 dự án
với tổng vốn đăng ký khoảng 12 tỉ USD và vốn đầu tư thực hiện lũy kế đến hết
năm 2018 đạt khoảng 5,8 tỉ USD. Đáng chú ý là cũng trong năm 2018, doanh thu
của các dự án này có dấu hiệu giảm 4% so với năm trước đó, trong đó có 49 dự
án có lợi nhuận và 37 dự án lỗ. Dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ KHĐT cho
hay, số lợi nhuận được chia của các nhà đầu tư Việt Nam trong năm đạt gần
186,6 triệu USD, giảm gần 10% so với năm 2017. Cũng trong năm này, có 49 dự
án lỗ lũy kế với số lỗ lên đến 1.156 triệu USD trong lúc nhiều dự án khác
chưa báo cáo doanh thu, lợi nhuận.
Nguy cơ mất vốn nhà nước
Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư ra nước
ngoài của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí
Dũng trong báo cáo cho hay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tổng
công ty, tập đoàn được yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư ra
nước ngoài. Theo đó đối với các dự án đầu tư không hiệu quả cần đánh giá sự
cần thiết đầu tư đối với từng dự án, đánh giá khả năng tài chính về việc tiếp
tục đầu tư hay chấm dứt, chuyển nhượng dự án và báo cáo cấp có thẩm quyền xem
xét, quyết định. Các doanh nghiệp đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt
động đầu tư ra nước ngoài và kịp thời đôn đốc thu hồi các khoản đầu tư cũng
như thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về đầu tư ra nước ngoài, quản lý
sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo này, Bộ KHĐT cho hay, Ủy ban Quản lý vốn nhà
nước tại doanh nghiệp sau đó phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát và
xây dựng phương án xử lý một số dự án đầu tư có quy mô lớn của các tập đoàn,
tổng công ty nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Thăm
dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV
Power), Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và hay
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)… “Tuy nhiên, tiến độ xử
lý các dự án nêu trên bị chậm, kéo dài do phần lớn các dự án đầu tư có quy mô
vốn lớn, các khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp, có nguy
cơ mất vốn nhà nước nên việc giải quyết những tồn tại nêu trên rất khó và mất
rất nhiều thời gian” - Bộ KHĐT đánh giá.
Trong số các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước
hiện không có hiệu quả hoặc liên tục thua lỗ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại
doanh nghiệp hiện đang xúc tiến các phương án xử lý đối với dự án khai thác
chế biến muối mỏ Kali tại Lào của Vinachem và thực hiện việc thoái vốn nhà
nước của Vietnam Airlines tại Hãng hàng không Cambodia Angkor Air (CCA).
Trong đó dự án khai thác muối tại Lào có tổng vốn đầu tư hơn 522 triệu USD,
vốn thực hiện dự án đến nay đạt hơn 81 triệu USD song do giá sản phẩm Kali trên
thị trường thế giới giảm sâu kéo dài, dự án không hiệu quả như dự kiến ban
đầu. Còn tại dự án Hãng hàng không CCA, sau giai đoạn ngắn kinh doanh có lãi,
từ năm 2013 đến nay hãng này kinh doanh không hiệu quả và liên tục bị lỗ.
Theo Bộ KHĐT, việc kinh doanh dự án này đến nay không thuận lợi, hiệu quả
không đạt như dự kiến và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện
chủ trì việc thoái vốn của Vietnam Airlines tại dự án này.
Cả 5 dự án đầu tư của Vinacomin đều không hiệu quả
Theo báo cáo của Bộ KHĐT, đến nay Tập đoàn Công nghiệp Than -
khoáng sản (Vinacomin) có 5 dự án đầu tư ra nước ngoài, trong đó có 3 dự án
tại Campuchia và 2 dự án tại Lào. Trong số này có 2 dự án được cho dừng đầu
tư vì không hiệu quả và đã hoàn thành chuyển nhượng. 3 dự án còn lại có tổng
vốn đầu tư đăng ký 21,5 triệu USD và tổng vốn đầu tư đã thực hiện là hơn 13,5
triệu USD. Tuy nhiên các dự án này có phát hiện trữ lượng thấp, không đủ khả
năng phát triển thương mại để chuyển sang giai đoạn khai thác, chế biến sâu,
không hiệu quả. Vinacomin theo đó đang tìm các đối tác và thực hiện các thủ
tục chuyển nhượng dự án để thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư.
N.Văn
(Theo Lao
Động) VĂN NGUYỄN
|
Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét