Lâm Đồng:
Dự
án 25.000 tỷ đồng: Địa phương ưu ái, Thanh tra Chính phủ đề xuất thu hồi
Cập
nhật lúc 09:45
Dự án Khu đô
thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh triển khai với tiến độ
rùa bò, với hàng loạt sai phạm để mất rừng và đất rừng, không nộp tiền sử
dụng đất, tiền phạt chậm nộp đến hàng trăm tỷ đồng, nợ đọng nhiều tỷ đồng đối
với khoản tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên và môi trường rừng... nhưng
vẫn được Lâm Đồng “ưu ái”.
Cây rừng bị cưa hạ ngổn ngang
“Bốc
hơi” hơn 370 ha rừng và đất rừng
Dự án Khu đô thị-du lịch Đại Ninh với
tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng của Cty Sài Gòn - Đại Ninh (trụ sở tại thành
phố Đà Lạt) đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối
năm 2010. Dự án nằm trên địa bàn các xã Phú Hội, Tà Hine, Ninh Loan và Ninh
Gia (huyện Đức Trọng) với tổng quy mô diện tích lên đến hơn 3.595 ha, trong
đó có trên 1.306 ha đất quy hoạch lâm nghiệp.
Theo giấy phép, dự án được triển khai
xây dựng từ năm 2010 - 2018 với 6 phân khu chức năng, quy mô dân số lưu trú
thường xuyên hơn 19.700 người. Thế nhưng đến nay trễ hạn hơn một năm rưỡi mà
các hạng mục chính của dự án hầu như chưa được xây dựng. Gần 10 năm qua, chủ
đầu tư chỉ xây 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng cho chuyên gia, 1 hội trường, 6
trạm dừng chân, khoảng 20 km đường nội bộ...
Theo UBND huyện Đức Trọng Cty Sài Gòn -
Đại Ninh hiện chưa lập hồ sơ tận thu lâm sản, chưa thực hiện nghĩa vụ trồng
rừng thay thế đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng và đền bù tài
nguyên rừng mà đã tiến hành làm đường giao thông là không đúng quy định. Còn
theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, từ khi được giao về cho Cty này quản
lý, có tới 258 ha rừng bị tàn phá và trên 118 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.
Thông tin từ Hạt Kiểm lâm Đức Trọng,
tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong phạm vi dự án xảy ra rất phổ
biến nhưng hầu hết các vụ vi phạm đều không được chủ đầu tư kiểm tra, ngăn
chặn, lập biên bản chuyển UBND các xã xử lý theo quy định; việc lập kế hoạch
kiểm tra truy quét của Cty này chỉ mang tính chất đối phó chứ không có lực
lượng để chủ động thực hiện; thậm chí có dấu hiệu làm ngơ cho các đối tượng
vi phạm.
Ngay cả đối với các vụ phá rừng quy mô
lớn, Cty cũng không phát hiện, xử lý kịp thời như vụ đổ hóa chất đầu độc 86
cây thông 3 lá tại khoảnh 5, tiểu khu 364; nhiều vụ các đối tượng đưa xe cơ
giới vào đào xới đất, múc hố để trồng cây nông nghiệp tại tiểu khu 350 xã Phú
Hội; vụ khai thác mủ ở 82 cây thông tại khoảnh 3, tiểu khu 363B, xã Phú Hội…
Hậu quả, gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng, làm giảm độ tán che hàng năm
của địa phương.
Năm 2017, Sở Tài chính có quyết định yêu cầu Cty bồi thường giá trị
thiệt hại về tài nguyên rừng tổng cộng 6,66 tỉ đồng, nhưng đến nay mới nộp
1,67 tỷ đồng. Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Trọng Lương Ngọc Phương từng ký
nhiều văn bản, trong đó đề nghị UBND huyện Đức Trọng chỉ đạo các phòng ban
liên quan tiến hành kiểm tra, tham mưu đề xuất UBND tỉnh thu hồi toàn bộ dự
án.
Ưu
ái chủ đầu tư
Theo
Thanh tra Chính phủ, từ năm 2012, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định cho
phép Cty Sài Gòn - Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng 323 ha đất để thực hiện
dự án với số tiền sử dụng đất phải nộp là hơn 158 tỷ đồng. Mặc dù được đôn
đốc nhiều lần nhưng đến năm 2018 chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài
chính nói trên; do đó phát sinh thêm khoản tiền phạt chậm nộp khoảng 104 tỷ
đồng.
Tháng 10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng lại
ra quyết định điều chỉnh quyết định nói trên, trong đó có nội dung chưa thực
hiện chuyển mục đích sang đất ở đối với diện tích hơn 166 ha đã được chuyển
mục đích từ năm 2012. Theo đó, diện tích đất ở được chuyển đổi từ năm 2012
trở về trạng thái đất chuyên dùng và Cty không phải thực hiện nghĩa vụ tài
chính đối với số tiền hàng trăm tỷ này.
Thanh tra Chính phủ còn cho rằng việc
UBND tỉnh Lâm Đồng không quyết định thu hồi đất của dự án này là chưa thực
hiện đúng theo quy định Luật Đất đai 2013, thể hiện sự tùy tiện, chạy theo
chủ đầu tư trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.
Chiều
7/7, tại UBND tỉnh Lâm Đồng, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra
về quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo đó,
tỉnh Lâm Đồng đã buông lỏng quản lý, để xảy ra hàng loạt sai phạm. Thanh tra
Chính phủ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu chủ tịch và các phó chủ tịch UBND tỉnh
có liên quan nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm về những thiếu sót, tồn tại, vi
phạm có liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành được nêu trong kết luận
thanh tra; kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của 3 dự án có vi phạm
pháp luật đất đai và đầu tư, trong đó có dự án Khu đô thị thương mại, du lịch
nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.
(Theo Tiền
Phong) Kim Anh
|
Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét