Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh có nên làm đại biểu Quốc hội hay không?

Cập nhật lúc 09:26      
 Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh có nên làm đại biểu Quốc hội hay không đã được nêu ra trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội vừa qua. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh không nên làm đại biểu quốc hội vì dễ xung đột lợi ích.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi.

Theo tôi, ở khối các cơ quan điều hành nên giảm tối đa số lượng ĐBQH, chỉ nên cơ cấu những gì cần thiết thôi. Ở cơ quan lập pháp khi xây dựng pháp luật mà mang tư tưởng cá nhân thì không chỉ hại một vài người mà có hại cho tất cả các đối tượng. Cần tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách, đồng thời giao quyền, chức năng, tạo điều kiện làm việc, sinh hoạt tốt hơn để đại biểu toàn tâm toàn ý làm việc, cống hiến.
Nếu không tạo điều kiện tốt sẽ không ai muốn vào Quốc hội cả.
Về số lượng, Quốc hội không cần tới 500, mà 400 ĐB cũng được, nhưng phải tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, như vậy họ sẽ làm việc độc lập và không bị rào cản, chi phối. Cơ quan lập pháp không nên để bị chi phối bởi bất kỳ lợi ích nhóm nào. Chỉ cần một ý ngắn lồng vào luật sẽ gây tác động rất lớn đến rất nhiều người.
Khi tăng ĐBQH chuyên trách, phải giảm ĐB kiêm nhiệm, không nên chuyên trách tăng, kiêm nhiệm cũng tăng, như vậy bộ máy sẽ cồng kềnh. Những người từng làm ở Chính phủ sang làm ĐBQH sẽ rất tốt. Ví như tôi từ Chính phủ sang QH thì hiểu lĩnh vực tốt hơn, vì đã có kinh nghiệm thực tiễn.
  
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà: Bộ trưởng không nhất thiết phải là ĐBQH


Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà

Hiện có nghịch lý là QH muốn tăng số lượng ĐB chuyên trách, nhưng tổng số ĐB lại đang muốn giảm đi. Vậy muốn tăng chất lượng, tăng ĐBQH chuyên trách thì tăng bằng cách nào? Như một số ĐB nói, với cơ chế chính sách như hiện nay thì chẳng ai muốn về QH cả. Thế thì làm sao tìm được người có năng lực? Chính vì vậy, phải có cơ chế để thu hút người có trình độ, năng lực về QH.
Về giải pháp, theo tôi, muốn tăng số lượng ĐB chuyên trách thì phải giảm số lượng ĐB kiêm nhiệm. Như cá nhân tôi làm bộ trưởng thì không nhất thiết là ĐBQH nhưng vẫn có thể đảm đương trách nhiệm thuộc thẩm quyền.
Bộ trưởng làm ĐBQH thường không đóng góp được nhiều và sâu cho các lĩnh vực khác, vì riêng lĩnh vực mình phụ trách cũng đã quá nhiều rồi.
Với các bộ trưởng về hưu, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn thì có thể quay về làm ĐB chuyên trách, phương án này rất hiệu quả. Chúng ta đừng lấy con số giới hạn bởi công chức, viên chức hay độ tuổi. ĐBQH có thể là nhà khoa học, người về hưu.
Mặt khác, mỗi ĐBQH cũng nên sử dụng cơ chế có các chuyên gia tư vấn, lúc cần tham vấn về vấn đề gì thì hoàn toàn có thể lấy ý kiến các chuyên gia, những người về hưu. Theo tôi, mỗi ĐBQH có thể làm với 10 - 15 các chuyên gia, mỗi người phụ trách một lĩnh vực khác nhau. QH hoàn toàn có thể sử dụng lực lượng của các viện nghiên cứu, lập pháp, những nơi đó không bị hạn chế bởi số lượng ĐB.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM): Phải cắt giảm đại biểu “không nói gì”


ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM)

Về số lượng ĐBQH chuyên trách, nhiều ý kiến đề xuất nâng lên mức 40%, nhưng tôi cho rằng, con số này lên tới 50% cũng tốt. Đề xuất giảm số lượng ĐB kiêm nhiệm để tăng ĐB chuyên trách là một giải pháp. Nhiều cán bộ, công chức về hưu như thứ trưởng, bộ trưởng, họ đã ở trong bộ máy, có nhiều kinh nghiệm, khi về hưu không bị chi phối bởi công việc khác, hoàn toàn có thể làm ĐBQH.

“Muốn tăng số lượng ĐB chuyên trách thì phải giảm số lượng ĐB kiêm nhiệm. Như cá nhân tôi làm bộ trưởng thì không nhất thiết là ĐBQH nhưng vẫn có thể đảm đương trách nhiệm thuộc thẩm quyền. Bộ trưởng làm ĐBQH thường không đóng góp được nhiều và sâu cho các lĩnh vực khác, vì riêng lĩnh vực mình phụ trách cũng đã quá nhiều rồi”.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà

Ngay trong số ĐB kiêm nhiệm cũng phải tính, xem ai kiêm nhiệm tốt. Có người kiêm nhiệm không phù hợp ví dụ bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt với ĐB ở địa phương xa xôi, mỗi năm đi họp mấy tháng trời, xa chồng xa con, xa gia đình, trong khi đó việc nghiên cứu tài liệu tốn nhiều thời gian. Do đó, ngay cả số ĐB kiêm nhiệm cũng phải tính lại cơ cấu, xem ai vào thì thích hợp, góp phần làm tăng sức mạnh cho ĐBQH. Có những người đưa vào có khi còn làm QH yếu đi, vì nhiệm kỳ 5 năm không làm được bao nhiêu, phát biểu cũng ít, tác động đóng góp cũng ít. Một đoàn ĐBQH có 7 - 8 người mà có 2 - 3 người không nói gì, không làm gì thì coi như đoàn đó yếu hẳn. Vì thế, nên hướng tới các đối tượng có thể đóng góp tốt cho QH mới cơ cấu vào kiêm nhiệm.
Tất nhiên ĐBQH do cử tri bầu, nhưng khi định hướng mình cũng phải tính chứ không phải đưa đồng đều hết giống như mặt trận. QH phải lựa chọn những ĐB có năng lực và điều kiện để làm nhiệm vụ dân cử. Hay với khối doanh nhân, chúng ta đã thí điểm đưa họ vào QH, nhưng sau thấy không ổn. Do vậy, trong khóa tới cần phải có khảo sát, đánh giá, rút kinh nghiệm.
ĐBQH không phải cái gì cũng biết, cái gì cũng thạo, nhưng nếu có nghiên cứu, khảo sát, bố trí ĐB kiêm nhiệm trên cơ sở khoa học, khách quan, thực tiễn sẽ tốt hơn. Chúng ta có thể giảm nhưng phải giảm ở những ĐB không đóng góp được bao nhiêu, không nói gì, đặc biệt khi có vấn đề rất nóng.
Vì những vấn đề nóng, khó đó rất cần có người đóng góp, tìm giải pháp hiệu quả.
Đã là ĐB kiêm nhiệm sẽ khó tránh tình trạng nể nang, né tránh. Chẳng hạn tôi là chủ tịch tỉnh, tôi cũng bức xúc về một số vấn đề của bộ này, bộ kia, nhưng chất vấn, phê phán rất khó. Vì thế khi cơ cấu cần phải lưu ý, không để bị xung đột lợi ích. Khi một ông bộ trưởng đồng thời là ĐB dân cử, bản thân ông ấy đã có xung đột lợi ích.
Còn về bộ máy giúp việc, tùy theo lĩnh vực hoạt động của mỗi người để lựa chọn thư ký khác nhau, chẳng hạn tôi làm luật thì tôi cần thư ký am hiểu về luật. Bên cạnh đó, ĐB cũng cần có quyền yêu cầu một vụ nào đó giúp việc nọ việc kia, nhưng hiện nay chúng ta chưa áp dụng điều này. Mấy ông bộ trưởng, chủ tịch tỉnh “quân tướng” rất đông, nhưng ĐBQH không có.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình): Đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương


ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình)

Kiến nghị “bộ trưởng không nên là ĐBQH” đúng với tinh thần nghị quyết của Trung ương: Đối với ĐB cơ quan dân cử, xu hướng là nâng ĐB chuyên trách lên, dành nhiều thời gian cho hoạt động của QH cũng như HĐND, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. Còn các ĐB kiêm nhiệm nên giảm bớt, đặc biệt các ĐB kiêm nhiệm giữ trọng trách của UBND, Chính phủ.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Một người đóng hai vai, giám sát rất khó


ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai)

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội lần này nên quy định tăng số lượng ĐB chuyên trách để nâng cao hoạt động, vai trò giám sát của QH. Khi những người thuộc cơ quan hành pháp là ĐBQH sẽ giống như một người đóng hai vai, như vậy về nguyên lý, việc giám sát lẫn nhau rất khó. Chỗ này anh nói với vai bộ trưởng còn ở chỗ kia cử tri giao cho anh là ĐB của dân. Cho nên, cần giảm bớt những người ở cơ quan hành pháp làm ĐBQH là tốt nhất, sau đó đến tăng cường số lượng người chuyên trách.
Nói về đề xuất bộ trưởng, chủ tịch tỉnh không nên là ĐBQH, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, vấn đề này liên quan đến cơ cấu, thành phần và sẽ được đề cập đến ở Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
(Theo Tiền Phong) Thành Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét