Đường sắt
Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo chậm 12 năm, đội vốn 16.000 tỉ
Cập nhật lúc 15:58
Theo báo cáo mới nhất Bộ Kế hoạch - đầu tư gửi
Chính phủ, tuyến đường sắt đô thị số 2 TP Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần
Hưng Đạo sẽ chậm tiến độ 12 năm, đội vốn khoảng 16.000 tỉ đồng.
Tình trạng đội vốn nghìn tỉ đang diễn ra ở hầu hết các dự án đường sắt
đô thị - Ảnh: TTO
Trong tổng vốn đầu
tư 35.600 tỉ đồng dự án, có khoảng 30.500 tỉ đồng vay ODA Nhật Bản, khoảng
5.100 tỉ đồng huy động từ vốn đối ứng của TP Hà Nội.
Dự án xây dựng đường sắt đô thị số 2 TP Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do liên danh Công ty CP tư
vấn thiết kế Giao thông vận tải phía Nam và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội
lập dự án đầu tư.
Chiều dài đoạn tuyến Nam Thăng Long -
Trần Hưng Đạo khoảng 11,5km, trong đó 8,9km đi ngầm, 2,6km chạy trên cao, với
7 ga ngầm và 3 ga trên cao. Quy mô sử dụng đất dự án khoảng 92ha.
Điểm đầu tuyến là khu đô thị mới
Ciputra - đường Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy
Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào -
Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối giao phố Nguyễn Du.
Tuyến đường sắt dự kiến đưa vào vận
hành vào năm 2015 nhưng đến nay chưa khởi công, thời gian hoàn thành xây dựng
dự kiến vào năm 2027, chậm 12 năm so với kế hoạch.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã điều
chỉnh một số thông số kỹ thuật dự án so với thiết kế ban đầu được duyệt vào
năm 2008 để bảo đảm an toàn chạy tàu.
Vận tốc thiết kế chạy tàu, theo đó
được nâng từ 90km/h lên 120km/h, tốc độ vận hành tối đa các đoàn tàu trên
tuyến sẽ đạt 110km/h ở đoạn trên cao, 80km/h trong hầm và 15km/h khu depot.
Đồng thời, TP Hà Nội cũng điều chỉnh
giảm số lượng đoàn tàu từ 14 đoàn (56 toa tàu) xuống 10 đoàn (40 toa tàu) để
vận hành các đoàn tàu phù hợp với lưu lượng hành khách dự báo, bảo đảm thời
gian giãn cách, vận chuyển hành khách tiện lợi.
Theo điều chỉnh của TP Hà Nội, thời
gian giãn cách chạy tàu trên tuyến được thay đổi 3,5 phút/chuyến lên 6
phút/chuyến. Điều chỉnh này tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ Kế hoạch -
đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải về nâng cao hiệu quả vận hành.
Khu depot của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh: TTO
Việc điều chỉnh các thông số kỹ thuật
dự án và tình trạng chậm tiến độ dự án làm tổng vốn đầu tư dự án tăng thêm
khoảng 16.000 tỉ đồng, tăng 82% vốn đầu tư.
Tổng mức đầu tư ban đầu dự án được TP
Hà Nội phê duyệt năm 2008 khoảng 19.500 tỉ đồng, nay TP đề xuất Chính phủ
tăng vốn lên 35.600 tỉ đồng. TP cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác
trong điều chỉnh vốn đầu tư dự án.
Nguyên nhân tăng vốn được Hà Nội giải
thích do thay đổi về quy mô đầu tư, thay đổi tỉ giá, trượt giá và thay đổi
chế độ chính sách với dự án.
Cụ thể, chi phí xây dựng tăng 6.500
tỉ đồng, thiết bị tăng gần 5.000 tỉ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng tăng
1.500 tỉ đồng, chi phí dự phòng tăng 3.200 tỉ đồng, chỉ chi phí quản lý dự án
giữ nguyên, chi bồi thường giải phóng mặt bằng vài tái định cư giảm 300 tỉ
đồng.
Tổng chi phí đầu tư/km đường sắt đô thị số 2 Hà Nội, đoạn Nam Thăng
Long - Trần Hưng Đạo theo tính toán của TP.Hà Nội khoảng 143 triệu USD/km.
Kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng cho thấy chi phí đầu
tư/km của dự án phù hợp với suất đầu tư các dự án đường sắt đô thị nhiều nước
trong khu vực.
Về hiệu quả
kinh tế xã hội của dự án, theo đánh giá của TP Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị
Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới
giao thông công cộng, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng
nghiêm trọng khu vực trung tâm thủ đô.
(Theo Tuổi trẻ) B.NGỌC
|
Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét