Lí do phản
đối đặt tên đường 2 giáo sĩ có công với chữ quốc ngữ
Cập nhật lúc 09:57
PGS.TS Lê Cung: Alexandre de Rhodes có tội làm
sao đặt tên đường được. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Chữ quốc ngữ tạo ra
không nhắm phát triển dân tộc ta mà là công cụ xâm lăng. Giám đốc Sở VH-TT TP
Đà Nẵng: "Không nên bỏ bóng đá người".
Đường dẫn vào khu vực phía nam tượng đài ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng
nơi dự định sẽ đặt tên 2 nhà truyền giáo có công với chữ quốc ngữ - Ảnh:
TRƯỜNG TRUNG
Liên quan đến việc đặt tên đường 2 giáo sĩ
(linh mục) Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes tại Đà Nẵng, Tuổi Trẻ Online lấy
ý kiến sâu của các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử đã phản đối.
Phải xứng đáng để hậu thế noi gương
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Lê Cung, Trường ĐH
Sư phạm Huế (ĐH Huế), người đứng đầu đồng đơn kiến nghị lên lãnh đạo Đà Nẵng
cho rằng không nên lấy tên 2 linh mục này để đặt cho đường phố, trường học...
vì thời Pháp thuộc, thực dân Pháp muốn người dân thuộc địa biết ơn mẫu quốc
đã có công "khai hóa".
Có lẽ vì vậy nên họ tôn vinh Alexandre de
Rhodes là người sáng tác chữ quốc ngữ. Sau ngày
bại trận ở Điện Biên Phủ, thực dân Pháp cuốn gói về nước, nhiều nhà nghiên
cứu, trong đó có cả những linh mục, đã chứng minh Alexandre de Rhodes không
phải là người sáng tác chữ quốc ngữ.
Theo ông Cung, thời điểm Alexandre de Rhodes
ở Việt Nam, vì thấy những ý định không tốt của ông nên cả chúa Nguyễn ở Đàng
Trong lẫn chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đều đã trục xuất, không cho ông ta cư trú
và hoạt động ở Việt Nam.
Vì thế ở miền Bắc sau năm 1954 và ở miền Nam sau năm 1975, các đường
phố, trường học… mang tên Alexandre de Rhodes (do thực dân Pháp hay chính
quyền Việt Nam Cộng hòa đặt) đều bị xóa.
Ông Cung khẳng định: Alexandre de Rhodes không phải là người sáng chế
ra chữ quốc ngữ. Trái lại, đối với dân tộc Việt Nam, Rhodes là kẻ có tội thì
làm sao vinh danh, đặt tên đường được.
Còn phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thuận, nguyên phó trưởng khoa lịch sử
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng việc đặt
tên đường cho những nhân vật lịch sử, nhân vật văn hóa phải xem xét đến việc
nhân vật đó có đóng góp trong lịch sử, có xứng tầm để hậu thế noi gương hay
không.
Bởi việc này
có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau.
"Dù
TP.HCM đã đặt tên đường này nhưng những nơi khác chưa đặt thì chúng tôi phải
nêu ý kiến. Nhất là căn cứ trên quy định pháp lý, những nhân vật mà lịch sử còn
tranh cãi chuyện công tội thì cần bàn tỏ tường trước khi quyết định" - ông
Thuận nói.
Những nhân vật
lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì
chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân phân tích thêm rằng quá trình ban
đầu của việc tạo ra chữ quốc ngữ không nhằm mục đích phát triển văn minh của
dân tộc ta, mà chỉ là một phương tiện để truyền giáo, một công cụ để thực dân
Pháp xâm lăng nước ta.
Ông Xuân cho rằng chúng ta phải hiểu
Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina rất có công với Vatican, với đạo
Thiên Chúa ở Việt Nam. Trong phạm vi nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam thì
họ có quyền vinh danh những người đã có công với họ.
Còn việc xác định đặt tên đường là vinh danh những người có công
với đất nước, với dân tộc.
Không nên "bỏ bóng đá người"
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP Đà
Nẵng, tranh cãi quanh việc đặt đổi tên đường không phải là
mới.
Trước đây đã từng có thời kỳ chúng ta loại bỏ tên đường nhiều vị
vua triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Sau đó có nhiều hội thảo lịch sử đã
đánh giá lại công trạng của một số nhà vua rồi đặt lại tên đường.
Đối với việc đặt tên 2 vị linh mục có công
với tiếng Việt, ông Hùng cho rằng những bậc tiền nhân, sĩ phu yêu nước của
dân tộc ta, những nhân vật yêu cách mạng từ thế kỷ trước đều xác định việc
truyền bá chữ quốc ngữ là yêu nước.
Cụ thể như các phong trào Duy Tân cho đến
việc thành lập Hội truyền bá chữ quốc ngữ do ông Nguyễn Văn Tố, sau này là
chủ tịch Quốc hội, đã nỗ lực truyền bá.
"Chữ quốc ngữ là hồn trong nước. Phải
đem ra tính trước dân ta. Ông Trần Quý Cáp đã đánh giá cao như vậy. Chúng ta
không nên "bỏ bóng đá người" mà phải xem xét và nhận thức đầy
đủ" - ông Hùng nói.
Từng đi đầu đặt tên đường Phan Khôi
Ông Huỳnh Văn Hùng kể trước năm 2013 cả nước chưa có nơi nào đặt tên
người khởi đầu phong trào thơ mới Phan Khôi (1887-1959).
Sau đó
có một số hội thảo và sách của các học giả có uy tín đánh giá đúng vai trò,
đóng góp của ông trên lĩnh vực văn hóa. Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng
cũng đã thực hiện loạt phim về tác giả Tình già.
"TP
Đà Nẵng mới thấy rằng một người con quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng có ảnh
hưởng trên văn đàn, có tên tuổi ai cũng vinh danh, truyền hình cũng làm phim,
tại sao lại không đặt tên đường? Thế là đặt tên trên địa bàn quận Cẩm Lệ, Đà
Nẵng. Sau này nhiều địa phương khác cũng có tên đường Phan Khôi" - ông
Hùng kể.
(Theo Tuổi trẻ)
TRƯỜNG TRUNG
Tên đường có tiêu chí riêng, phải là những người có công lớn
nhưng không vướng những tì vết hay tội trạng. Những giáo sĩ có công với chữ
quốc ngữ thì ghi nhận công đó của họ trên phạm vi, mức độ hạn hẹp, không thể
ngang hàng các danh nhân của đất nước. Do vậy không đặt tên đường với những
vị trên là chính xác!
Thương Giang
|
Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét