Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2019

Động đất ở Lào, lo an toàn chung cư Hà Nội

Động đất từ 4 độ Richter sẽ là thảm họa với Thủ đô
 Cập nhật lúc 09:17
 
 Động đất với cường độ 4-5 độ Richter đã có thể gây sụp đổ hàng loạt chung cư cũ, nơi có khoảng 30.000 hộ dân đang sinh sống.


Chung cư Thành Công nguy hiểm mức độ D nhưng vẫn chưa được cải tạo do nhiều vướng mắc . Ảnh: P.V
Sáng 21/11, nhiều người ở các tòa nhà cao tầng ở nội thành Hà Nội có cảm giác đồ vật trong nhà rung lắc giống như có động đất. Cơ quan chức năng bước đầu nhận định, hiện tượng này là do ảnh hưởng của trận động đất mạnh ở Lào.

Theo KTS Nguyễn Anh Tuấn, Việt Nam có nhiều khu vực động đất khác nhau; Hà Nội thuộc khu vực động đất cấp 7 theo hệ MCS. Theo quy định, công trình phải đáp ứng với động đất cấp 8 (trên 1 cấp so với quy chuẩn).

Chung cư cũ có thể sụp đổ hàng loạt

Đối với các chung cư mới xây dựng, việc xây dựng công trình phải đảm bảo chịu được rung lắc, tải trọng ngang, tải trọng đứng… “Tuy vậy, nguy hiểm thực sự ở khối nhà cũ, nhà cổ và hàng nghìn chung cư cũ ở Hà Nội. Nếu có động đất thực sự thì sẽ thành thảm họa”, KTS Tuấn nói.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc thẩm định, kiểm tra tuân thủ các quy định về thiết kế công trình cao tầng được thực hiện nghiêm túc. Do đó, không đáng ngại với những tòa nhà cao tầng xây mới. Tuy nhiên, các nhà dân tự xây thì cần phải xem xét, kiểm soát về chất lượng công trình.

Trong đề án “Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội” được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, các chung cư cũ có thể đổ sụp khi có động đất từ 4 độ Richter trở lên.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ, tập trung ở 76 khu với 1.273 chung cư và 306 chung cư riêng lẻ với quy mô 2 - 5 tầng. Đa số chung cư cũ đang có hiện tượng sụt lún, xuống cấp khá nghiêm trọng do đã hết niên hạn sử dụng. Những chung cư này phân bố chủ yếu ở 4 quận nội thành cũ. Động đất với cường độ 4-5 độ Richter có thể gây sụp đổ hàng loạt chung cư cũ. Khoảng 30 nghìn hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ 4-5 tầng.

Do các khu vực này tồn tại đan xen nhiều kiến trúc khác nhau và quy hoạch xây dựng không đồng bộ nên khi xảy ra hỏa hoạn, mức độ nguy hiểm là rất lớn, thiệt hại cả người lẫn của. Thông thường, tại những khu chung cư này, nhà dân xen kẽ với các khu dịch vụ thương mại nên số lượng, chủng loại chất cháy rất đa dạng, trong đó có nhiều chất dễ cháy như gas, bông, vải sợi, nilon, giấy, hóa chất...

Các khu có mật độ dân cư cao, tồn tại nhiều công trình cổ, cũ, giao thông nhỏ, hẹp... như các khu phố cổ, khu nội đô lịch sử tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, sập đổ. Khi có hỏa hoạn, thảm họa, khu vực này rất khó được cứu hộ kịp thời.

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Hà Nội là vùng có nền đất không tốt nên dễ cảm nhận được rung chấn khi có động đất lớn ở nơi khác. Không chỉ thủ đô, các vùng khác cũng sẽ chịu rung chấn theo quy luật càng gần tâm chấn thì càng chịu rung chấn.

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguy cơ xảy ra động đất tại Hà Nội là không cao. Thủ đô nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng- sông Chảy, nơi đã xảy ra các trận động đất mạnh 5,1-5,5 độ Richter. Chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,4 độ Richter ở Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra cách đây hơn 700 năm (1285).

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, cần có chương trình kêu gọi cải tạo khu chung cư cũ. Lúc đó, doanh nghiệp có thể tính toán những căn nhà cao tầng, thấp tầng, có nơi làm khu vui chơi công cộng. Hiện nay, phải đồng thuận 100% mới được cải tạo nhà chung cư thì gần như bất khả thi. Theo ông Võ niên hạn sử dụng nên được quy định bằng tuổi thọ của nhà chung cư. Như vậy, giá chung cư rất rẻ và hết thời hạn, nhà đó cần cải tạo lại thì không gặp vướng mắc, bởi khi đó, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Gần 3.000 chung cư mới chịu được động đất cấp 8

Theo lãnh đạo Cục Quản lý hoạt động Xây dựng (Bộ Xây dựng), gần 1.600 khối nhà chung cư cũ ở Hà Nội sẽ trong tình trạng nguy hiểm nếu xảy ra động đất, còn các tòa nhà cao tầng mới xây có thể chịu được động đất cấp 8.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Quang Nhu, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động Xây dựng, cho biết, Hà Nội đã có bản đồ phân vùng động đất đến từng phường để các công trình xây dựng dễ dàng thiết kế theo quy chuẩn. Sở Xây dựng Hà Nội là đơn vị thẩm định thiết kế cơ sở cũng như kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về thiết kế công trình.

Theo ông Nhu, chủ đầu tư thiết kế có nghĩa vụ tuân thủ các quy định trên, nhất là các công trình có nguy cơ gây thảm họa lớn khi xảy ra động đất như chung cư cao tầng, trung tâm thương mại… “Do vậy, với những tòa nhà cao tầng mới xây sẽ không đáng ngại. Hiện, tòa nhà cao tầng hiện đại có thể chịu động đất cấp 8”, ông Nhu nói.

Theo ông Nhu, chung cư cũ được xây dựng theo tiêu chuẩn cũ. Tuy nhiên, nhiều chung cư cũ đã quá niên hạn sử dụng, xuống cấp nên khi xảy ra động đất, nguy cơ thiếu an toàn rất cao.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong số gần 1.600 tòa chung cư cũ ở Hà Nội, 25% thuộc diện nguy hiểm nặng, được xây dựng trong giai đoạn 1960 - 1980. Phần lớn số chung cư này đã hết niên hạn sử dụng, tập trung tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa...

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước có gần 3.000 tòa chung cư mới tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, được xây dựng từ những năm 2000 và được xây theo tiêu chuẩn chịu được động đất cấp 8.

Hà Nội đã kiểm định được 340 chung cư cũ. Thành phố đang tổ chức triển khai lập quy hoạch cải tạo 28 chung cư cũ, đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện. Đã có 16 nhà đầu tư đề xuất ý tưởng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với khu chung cư cũ. Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các khu chung cư cũ trong nội thành chậm và còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách. Đến nay, Hà Nội mới hoàn thành cải tạo, xây dựng lại 14 trên tổng số hơn 1.500 khối nhà, chiếm khoảng 1% so với kế hoạch. Có 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D đang được tổ chức di dời nhưng chưa có phương án xây dựng lại.

(Theo Tiền Phong) HIỂU MINH - NGỌC MAI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét