Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

Cần loại bỏ khối di căn về nhân cách

Cập nhật lúc 09:07      

Cắt bỏ khối di căn về nhân cách vô cùng khó khăn, đặc biệt đó là người vốn không dễ từ bỏ “vinh hoa, phú quý” mà họ đã lao tâm khổ tứ để có được.
Trên diễn đàn Quốc hội ngày 30/10, khi thảo luận về tình hình kinh tế -xã hội của đất nước, nhiều đại biểu nêu ý kiến về đạo đức cán bộ. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng, “còn nhiều cán bộ xấu xa đang lẩn khuất, tạo ra quốc nạn tham nhũng”, và “đó là một căn bệnh ung thư về nhân cách”.


Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Mặc dù đó là ý kiến của một đại biểu nhưng nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu khác cũng như của đông đảo dư luận xã hội. Bởi đó là một thực tế mà nếu không dũng cảm loại trừ, thì một bộ phận cán bộ sẽ lún sâu vào sự suy thoái, gây khủng hoảng lòng tin trong dân.
Căn bệnh ung thư di căn giờ đây được ví với nhiều thứ, nhiều chuyện với ý nghĩa cực kỳ nguy hiểm và gần như không có thuốc chữa. Căn bệnh ấy không loại trừ cả những mảng tối trong chống tham nhũng hay những bất cập của công tác cán bộ, đạo đức cán bộ. Phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trước diễn đàn Quốc hội cũng là một cách nói về mảng tối đó.
Không thể phủ nhận kết quả đã có được từ quyết tâm chính trị của Đảng và người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta trong việc giữ gìn uy tín, thanh danh của Đảng; trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay. Hơn 53.700 đảng viên, trong đó hơn 70 người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố hình sự và chiếm phần không nhỏ là hành vi tham nhũng, sai phạm trong quản lý kinh tế. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều tra đã thụ lý, điều tra hơn 420 vụ với gần 1.100 bị can có hành vi tham nhũng. 
Dù vậy, người dân và cử tri cả nước không khỏi băn khoăn, lo lắng khi đây đó còn những chuyện tiêu cực mà người gây ra không ai khác, chính là một bộ phận mang danh “công bộc của dân”. Bởi người dân không thể “ăn gian nói dối” khi làm thất thoát, lãng phí tài sản công; không thể sử dụng những chiếc xe mang “biển xanh” để đi lễ, đi dự tiệc; không thể “phù phép” thay đổi chất lượng nguyên vật liệu để “rút ruột” công trình từ ngân sách nhà nước; không biết cách nhũng nhiễu, moi tiền của dân, của doanh nghiệp; không có tiền tỷ để chạy chọt ghế nọ, ghế kia; rồi phiếu bầu, rồi bằng cấp, rồi cả điểm thi cho con, em, người thân của mình. Người dân cũng không thể có sân sau, hoặc dùng quyền hành để bảo kê, chống lưng cho doanh nghiệp. Họ càng không có khả năng “đổi trắng thay đen”, thậm chí làm lệch cả cán cân công lý.


Nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý, kỷ luật trong nhiệm kỳ khóa XII

Người dân còn thấy nhiều nơi, cán bộ, đảng viên lời nói đi ngược với việc làm, nói hay nhưng làm dở. Họ cũng đã rõ hành vi vi phạm của cán bộ, đã thấy được “hứa” và cam kết sẽ xử lý nghiêm. Nhưng rồi lại luân chuyển đến chỗ ngồi khác; hoặc đưa ra quyết định xử lý kỷ luật “như đùa”, làm vui lòng quan nhưng rầu lòng dân; hoặc nữa là “rút kinh nghiệm sâu sắc”!
Những góc khuất ấy đã trở thành căn bệnh cố hữu của một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, về lối sống, nhưng lại có chức, có quyền. Họ tưởng như hành vi ấy, việc làm ấy được che giấu kỹ càng; tưởng như chỉ một người, hoặc một nhóm người biết.
Nhưng, không dễ gì lọt qua “trăm tai, nghìn mắt”, sự giám sát, kiểm soát của người dân. Và, họ coi đó là khối di căn của căn bệnh ung thư quái ác về đạo đức, về nhân cách của một số người, một bộ phận cán bộ lãnh đạo. Cũng chính bởi vậy, người dân càng lo lắng, càng khó củng cố được lòng tin.
Vậy nên, việc cần làm và phải làm là dũng cảm diệt trừ, cắt bỏ khối di căn ấy. Bởi cắt bỏ di căn về thực thể là không khó, nhưng di căn về nhân cách, về đạo đức thì vô cùng khó khăn, đặc biệt đó là người vốn không dễ từ bỏ “vinh hoa, phú quý”- những thứ họ phải lao tâm khổ tứ, phải bỏ nhiều tiều, rất nhiều tiền để mua, bán nó.
Vì thế, quan trọng là nhân cách, ý thức và ý chí quyết tâm của người đứng đầu như thế nào; là sự kiểm tra việc chấp hành lỷ luật, kỷ cương luật pháp; là việc kiểm soát quyền lực ra sao; là chuyện giám sát của người dân, tổ chức đoàn thể, của cơ quan dân cử như thế nào. Chỉ khi nào làm tốt được những điều đó thì sự suy thoái, khối di căn của căn bệnh “ung thư về nhân cách” mới có thể bị diệt trừ./.
Đàm Hoa/VOV1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét