Khẩn thiết đề nghị Phó thủ tướng xem xét lại việc thi trắc
nghiệm hoàn toàn môn toán
Cập nhật lúc
09:52
GS
Phùng Hồ Hải khẩn thiết đề nghị Phó thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét lại việc thi
trắc nghiệm hoàn toàn môn toán và nhiều môn học trong kỳ thi THPT
quốc gia, vì nó gây hại lớn đối với sự
nghiệp chấn hưng giáo dục.
Điểm thật và điểm sửa các môn thi trắc nghiệm của một
số thí sinh Hòa Bình, Sơn La kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh H.H
Nhân việc
mới đây đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh nêu lại vấn đề thi trắc nghiệm tại
nghị trường, GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, đã công bố
trên trang cá nhân của mình toàn văn bức thư ông đã gửi Phó thủ tướng Vũ Đức
Đam hồi tháng 7 năm ngoái, để góp ý về mô hình thi trắc nghiệm hoàn toàn môn
toán và nhiều môn khác trong kỳ thi THPT quốc gia.
GS Phùng Hồ
Hải cho biết, đây là lá thư riêng ông gửi Phó thủ tướng (và đã được hồi âm là
chuyển Bộ GD-ĐT xem xét), nên ông không định công khai nội dung bức thư.
Nhưng nay
thấy con trai (đang học THPT - phóng viên) đang phải luyện thi trắc nghiệm,
ông không an lòng. “Với trách nhiệm phụ huynh, tôi phải làm gì đó cho con
mình”, GS Phùng Hồ Hải giải thích.
Mở đầu bức
thư, GS Phùng Hồ Hải viết: “Tôi viết thư này gửi anh như một lời kêu cứu khẩn
thiết của một nhà khoa học đối với tương lai của nền khoa học nước nhà. Trong
vòng 2 năm qua, những lo lắng của tôi về mô hình thi trắc nghiệm đối với môn
toán tại kỳ thi THPT ngày càng chất chứa. Những gì Ban Chấp hành Hội Toán học
Việt Nam khuyến cáo Bộ GD-ĐT vào cuối năm 2016 đã thành hiện thực. Hơn thế
nữa, nhiều điều mà chúng tôi khi đó đã dự đoán nhưng vì sự cẩn trọng mà không
dám tuyên bố cũng đã thành sự thực”.
Cũng trong
phần mở đầu này, GS Phùng Hồ Hải đặt vấn đề: “Để phát triển lâu dài và bền
vững thì chấn hưng giáo dục là yếu tố tiên quyết. Điều này tất nhiên anh hiểu
hơn ai hết. Nhưng tôi rất buồn mà nói với anh rằng, mô hình thi trắc nghiệm
một trăm phần trăm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với môn toán và một số môn
khác là sai lầm, hết sức sai lầm và có hại lớn đối với sự nghiệp chấn hưng
giáo dục”.
“Việc dùng
biện pháp trắc nghiệm để tránh quay cóp chỉ khiến cho người ta quay cóp một
cách công khai, trắng trợn"
Bức thư được GS Phùng Hồ Hải gửi
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vào 19/7/2018. Đó là thời điểm Bộ GD-ĐT mới rà soát,
xác minh xong điểm thi bất thường ở Hà Giang, thậm chí cơ quan điều tra còn
chưa khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can nào ở địa phương này. Các vụ việc
gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình chưa hề bị phát giác. Thế nhưng trong
thư, GS Phùng Hồ Hải đã dự liệu: “Chắc chắn Hà Giang không phải là địa phương
duy nhất xảy ra tiêu cực trong thi cử”.
Theo GS
Phùng Hồ Hải, về mặt logic, sử dụng mô hình thi trắc nghiệm khách quan là
phương thức có vẻ hợp lý hơn cả để thỏa mãn các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra
cho kỳ thi THPT quốc gia là hiện đại hóa quy trình thi cử, giảm tiêu cực,
giảm chi phí, giảm vất vả cho người dân, đồng thời đưa việc thi cử về cho địa
phương quản lý.
Vấn đề là
sai ở xuất phát điểm, khi mà mô hình này được áp dụng cho một kỳ thi mà tỷ lệ
đỗ là hơn 90%, đồng thời, kết quả của nó lại được sử dụng để tuyển sinh vào
đại học. Một kỳ thi mà gần như tất cả đều đỗ thì việc tổ chức là hoàn toàn
không có ý nghĩa. Hơn nữa, với một kỳ thi như vậy, đòi hỏi phải thực hiện
nghiêm túc là điều không thể thực hiện được.
“Việc dùng biện pháp trắc nghiệm
để tránh quay cóp chỉ khiến cho người ta quay cóp một cách công khai, trắng
trợn hơn mà thôi. Những vụ việc đã được phát giác tại Hà Giang là minh chứng
cho điều này. Chắc chắn Hà Giang không phải là địa phương duy nhất xảy ra
tiêu cực trong thi cử. Như vậy, khi dùng biện pháp chống tiêu cực một cách
không thích hợp, vô tình chúng ta lại ép người ta phải tiêu cực mạnh hơn, và
hệ lụy của nó không nằm ở trong mục tiêu đỗ tốt nghiệp nữa. Vì kỳ thi còn có
mục tiêu thứ hai, là xét tuyển đại học”, GS Phùng Hồ Hải viết.
GS Phùng Hồ
Hải cảnh báo nếu cứ áp dụng máy móc, thiếu cân nhắc, thiếu chuẩn bị các mô
hình nước ngoài vào Việt Nam thì chắc chắn dẫn tới thất bại. Khó khăn lớn
nhất của thực tế Việt Nam là vấn đề ''con người" chứ không phải vấn đề
''cơ chế". Rất nhiều cơ chế rất hay ở nước ngoài có thể thất bại một
cách ngớ ngẩn ở Việt Nam.
Đơn cử,
trong ngành giáo dục, chúng ta đã thất bại với mô hình ''tuyển thẳng học sinh
giỏi vào đại học", thất bại với phong trào ''nói không với tiêu
cực", và đang thất bại với mô hình thi THPT quốc gia. Nó cho thấy những
mô hình cơ chế được thực hiện ở các nước tiên tiến cứ đưa về ta là hỏng và
gây hiệu quả nghiêm trọng.
Lý giải vì
sao các mô hình ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực dịch vụ thì thành công
nhưng đưa vào giáo dục thì thất bại, GS Phùng Hồ Hải viết: “Bản chất của các
thành công này, trên nền của công nghệ, chỉ nằm ở hai chữ: công khai và có
kiểm soát. Nhưng việc tổ chức kỳ thi THPT vừa qua, mặc dù sử dụng công nghệ,
lại đi ngược với nguyên lý này. Toàn bộ quy trình xây dựng đề thi, tổ chức
thi, coi thi, chấm thi đều không đáp ứng yếu tố công khai và có kiểm soát
(mặc dù về hình thức thì có vẻ là có).
Và hệ quả
của sự mất kiểm soát, trên nền công nghệ, là sự gian lận có thể thực hiện ở
phạm vi chóng mặt. Thay vì sửa điểm cho một vài học sinh, người ta sửa cho
hàng trăm và mức sửa thực sự là không có giới hạn. Có những bài thi được sửa
tới hơn một ngàn phần trăm”.
Tạo tiền đề cho một nền giáo dục học chỉ để đối phó
Trong thư, GS Phùng Hồ Hải đưa ra
những khó khăn đòi hỏi sự chuẩn bị lâu dài và rất kỹ lưỡng trong việc tổ chức
thi trắc nghiệm đối với một kỳ thi trên diện rộng. Một đề thi trắc nghiệm tốt
khi nó phù hợp được với số đông học sinh dự thi, theo nghĩa đánh giá, phân
loại được học sinh ở mức độ chính xác nhất định.
Trong khi
đó, theo GS Phùng Hồ Hải: “Với các đề thi toán khó như năm nay (2018 - phóng
viên), đến những người có thể nói là siêu giỏi về giải toán sơ cấp cũng phàn
nàn là không giải nổi, câu hỏi đặt ra là việc tổ chức ra đề đã đúng quy trình
chưa? Tôi giám khẳng định là chưa. Rất mong anh chỉ đạo điều tra việc này một
cách kỹ lưỡng. Chắc phải dùng tới Thanh tra Nhà nước, kết hợp với chuyên gia
thì may ra mới làm rõ được”.
GS Phùng Hồ
Hải nhấn mạnh, tác hại lớn nhất của kỳ thi liên quan tới mục tiêu thứ hai của
nó, là xét tuyển vào đại học. Cho dù Chính phủ và Bộ GD-ĐT nói rằng đây không
phải là mục tiêu của kỳ thi, thì thực tế kết quả của nó đang được các trường
sử dụng để xét tuyển và việc tổ chức nó cũng đang được thực hiện chủ yếu nhằm
mục đích này. Đây chính là lý do mà hai năm trước Ban Chấp hành Hội Toán học
Việt Nam đã kịch liệt phản đối chủ trương thi trắc nghiệm.
Theo GS
Phùng Hồ Hải, riêng đối với môn toán, năng lực đầu vào của các sinh viên hiện
nay đang ở mức báo động. Do đối phó với kiểu thi tốt nghiệp, các em hoàn toàn
không được chuẩn bị các kiến thức toán học căn bản để có thể tiếp thu các
kiến thức ở bậc đại học. Đó là chưa nói đến, do chất lượng đề thi mà người ta
không chọn được đúng học sinh có năng lực. Ngoài ra, thời gian học đại học
thì đang bị rút ngắn. Hệ quả là chúng ta sẽ phải cho ra trường những sinh
viên không có mấy chữ trong bụng.
“Tôi đã từng
chứng kiến nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành toán thuộc lòng các định lý toán
như thuộc thơ, và cũng như thơ, các em nhớ nhầm vài chữ trong đó. Đó mới là
điều đáng ngại nhất”, GS Phùng Hồ Hải nêu hiện tượng đáng cảnh báo.
Xin hãy lắng nghe…
Trong thư, GS Phùng Hồ Hải đã
nhắc lại một số quan điểm mà Ban Chấp hành Hội Toán học Việt Nam đã bày tỏ,
sau khi biết Bộ GD-ĐT áp dụng mô hình thi trắc nghiệm hoàn toàn đối với môn
toán trong kỳ thi THPT quốc gia.
Theo đó, mô
hình trắc nghiệm về cơ bản chỉ phù hợp với các kỳ thi dạng đánh giá năng lực,
không phù hợp với các kỳ thi mang tính tuyển chọn. Thực tế ở Mỹ, mặc dù kỳ
thi SAT được tổ chức hết sức chuyên nghiệp, cũng chỉ có một tỷ lệ các trường
đại học sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển vào đại học, và họ cũng
chỉ sử dụng kết quả này như một tiêu chí.
Việc tổ chức
thi trắc nghiệm ngay trong năm 2016 là vội vàng, các kinh nghiệm dựa trên
việc tổ chức thi trắc nghiệm ở Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng các kỳ thi trắc
nghiệm ở đó chưa được tổng kết, đánh giá. Vì thế, đề nghị chưa áp dụng thi
trắc nghiệm hoàn toàn môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia.
GS Phùng Hồ
Hải bày tỏ bức xúc: “Riêng đối với môn toán, tôi khẳng định rằng không ai
ngoài những nhà toán học, đang giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học,
viện nghiên cứu, có đủ uy tín và thẩm quyền quyết định về mô hình thi tốt
nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu cần phải dạy
toán như thế nào, phải kiểm tra những nội dung gì trong toán học. Nhưng mọi
chuyện đều được quyết định bởi những người thiếu hiểu biết, không đáng là học
trò của chúng tôi về lĩnh vực toán học ở Bộ GD-ĐT, không hề tham vấn các nhà
toán học”.
GS Phùng Hồ
Hải cũng chia sẻ: “Tôi viết thư này không nhằm mục đích chỉ trích. Tôi suy
nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để có thể cải thiện tình hình. Và tôi thú
thực là một mình tôi cũng không đưa ra được phương án cụ thể khả thi nào cho
các anh để cứu vãn tình thế.
Thay vào đó,
tôi nghĩ rằng Chính phủ cần tổ chức gấp các hội thảo để rút kinh nghiệm công
tác thi cử và đưa ra các biện pháp cho năm tới. Tất nhiên, hội nghị hội thảo
của chúng ta xưa nay không thiếu, vấn đề là những ai tham dự và ý kiến có
được lắng nghe?
Tôi chỉ xin
có một ý kiến. Đối với những vấn đề liên quan tới chuyên môn toán học, xin
hãy lắng nghe những nhà toán học”.
Lãng phí thời gian, tuổi trẻ
của con em chúng ta
“Thưa anh
Đam, 2 kỳ thi đã trôi qua, đồng nghĩa với gần 2 triệu thí sinh đã phải học
phải ôn thi đáp ứng yêu cầu ''trắc nghiệm".
Hai năm
qua, 2 triệu em học sinh đó, cùng các thầy các cô phải tìm đủ cách học thuộc
lòng khái niệm, tập luyện các mẹo mực nhằm loại trừ các phương án để chọn
phương án hợp lý nhất, luyện tập sử dụng máy tính cầm tay để giải phương
trình, để tính tích phân mà không cần biết những nguyên lý cơ bản của toán
học, không hề được dạy về phương pháp tư duy toán học. Toán học phổ thông đối
với đại đa số các em là một sự hành xác, cốt để đạt được điểm cao tại kỳ thi.
Tôi không
tính tới chi phí xã hội cho các hoạt động luyện thi, học thêm dạy thêm nhằm
vào mục đích thi cử, vì nói cho cùng đó là sự luân chuyển tiền từ vùng này
sang vùng khác, chúng ta cũng chưa tới mức phải dùng ngoại tệ để mời chuyên
gia nước ngoài tới luyện thi đại học. Tuy nhiên, tôi đau xót với sự lãng phí
thời gian, tuổi trẻ của con em chúng ta, như anh thấy đấy, mỗi năm gần 1
triệu cháu”.
Trích
thư gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tháng 7/2018 của GS Phùng Hồ Hải
(Theo Thanh Niên) Quý Hiên
Chẳng lẽ PTT cứ để anh Phùng Nhọ phá hỏng nền giáo dục trong một nhiệm kỳ bằng công nghệ giúp gian lận ở quy mô quốc gia?
Thương Giang
|
Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét