Không
đưa vào quy hoạch khóa 13 người cơ hội chính trị như 'con lươn, con chạch'
Cập nhật lúc 09:20
Dứt
khoát không đưa vào Quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng
chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính
trị như “con lươn, con chạch”.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn
mạnh điều này khi chủ trì họp Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến
lược nhiệm kỳ 2021 - 2026, tổ chức hôm nay tại trụ sở TƯ Đảng.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức TƯ công
bố các quyết định của Bộ Chính trị, Ban bí thư về việc thành lập Ban Chỉ đạo
xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Tổ giúp việc
của Ban Chỉ đạo.
Theo Quyết định số 147-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Bộ Chính,
Ban chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm
6 người.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng
ban. Các thành viên gồm: ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Trần
Quốc Vượng; ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tổ chức TƯ
Phạm Minh Chính; ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực QH Tòng Thị
Phóng; ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình; Bí
thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Trần Cẩm Tú.
Theo Quyết định số 148-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban bí
thư, Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo gồm 12 người, do ủy viên Bộ Chính trị, Bí
thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính làm Tổ trưởng.
Các thành viên dự họp đã thảo luận, thông qua quy định về
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc, chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo
và Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo; xem xét lần cuối dự thảo Kế hoạch của Bộ
Chính trị về xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 để
ban hành.
Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp thống nhất rất cao với
dự thảo Kế hoạch xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cả về nội dung, lộ
trình, các bước thực hiện, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến nhằm tiếp tục hoàn
thiện và ban hành Kế hoạch, làm cơ sở để tiến hành xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp
chiến lược một cách bài bản, chặt chẽ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung
dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công tâm, đúng quy trình, quy
định, bảo đảm cả về số lượng, cơ cấu và nâng cao chất lượng.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định rõ và đề cao trách
nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn
vị và người đứng đầu trong việc xem xét, giới thiệu nhân sự quy hoạch; nhấn
mạnh nhân sự quy hoạch phải bảo tiêu chuẩn, điều kiện, tiến hành đúng quy
trình, quy định…
Tháng 11 tiến hành quy trình giới
thiệu nhân sự quy hoạch TƯ khóa 13
Theo Kế hoạch, tháng 11/2018, các cấp ủy, tổ chức đảng,
tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị sẽ tiến hành quy trình giới
thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành TƯ khóa 13.
Sau khi nghe báo cáo của Ban Tổ chức TƯ, nghe các ý kiến
thảo luận của các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo,
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận, nhấn mạnh
công tác xây dựng quy hoạch cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược có vai
trò hết sức quan trọng, được Đảng, Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo từ rất sớm và
đã tiến hành từ lâu, được đề cập ở nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
Trên cơ sở tổng kết rút kinh nghiệm cách làm các khóa
trước, công tác chuẩn bị, xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho nhiệm
tới được tiến hành theo quyết định của Bộ Chính trị, Ban bí thư, dự kiến
trình Ban Chấp hành TƯ, tại hội nghị lần thứ 9 sắp tới.
Việc xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhằm chủ
động chuẩn bị nguồn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, làm cơ sở cho
công tác nhân sự tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, nhằm xây dựng đội ngũ
cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, kiên định lý tưởng,
mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; lãnh đạo thành công sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, đây là bước bàn Kế
hoạch để tiến hành việc xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, thống nhất
về phương pháp, cách đặt vấn đề, bước đi cụ thể, chưa phải là công tác nhân
sự mà là cơ sở để sắp tới làm công tác nhân sự tốt hơn.
Nếu phát hiện cán bộ quy hoạch nào có vấn đề sẽ đưa ra
khỏi Quy hoạch ngay, hoặc cũng có thể bổ sung vào Quy hoạch. Lần này, điểm
khác trước là không quy hoạch cho nhiều khóa, mà chỉ tập trung cho khóa tới:
2021-2026.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Yêu cầu đặt ra là phải
thận trọng, chặt chẽ, tập trung, dân chủ, công tâm khách quan, tuyệt đối
không được thiên vị, giữ gìn kỷ luật thông tin, bước đi phải chặt chẽ, bởi
đây là công việc phức tạp, hệ trọng.
Trước yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ, Tổng bí thư, Chủ
tịch nước nhấn mạnh yêu cầu về trình độ, hiểu biết, phải tương đối toàn diện
trên các lĩnh vực, đặc biệt là trình độ lý luận cơ bản, bởi đây là những
người sẽ hoạch định đường lối chủ trương, lộ trình bước đi sắp tới của đất
nước ta, nên phải nắm chắc tình hình trong nước, quốc tế.
Bên cạnh đó, cần chú ý đào tạo, bồi dưỡng nhiều hơn những
cán bộ có trình độ, hiểu biết về xây dựng Đảng, luật pháp, các trí thức tiêu
biểu, các nhà văn hóa, nhà khoa học có uy tín…
Đối với ủy viên dự khuyết, không chỉ chú ý về độ tuổi trẻ,
mà trình độ, tiêu chuẩn mới là chính. Đương nhiên, cơ cấu cán bộ phải được
tính toán hợp lý.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Dứt khoát không đưa
vào Quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất
đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con
lươn, con trạch” là sau này rất khó.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhất trí cao với nhiều ý kiến
phát biểu về cách làm, bước đi, đó là phải làm từng bước, từng nấc chắc chắn,
chặt chẽ, bước trước chuẩn bị cho bước sau, cẩn trọng, chuẩn xác cả về nội
dung, nội hàm, thời điểm tiến hành. Quy hoạch phải được thường xuyên rà soát,
khi phát hiện có vấn đề là loại ra ngay, đồng thời bổ sung kịp thời khi cần
thiết…
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm
của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc rất quan trọng. Trước hết, Ban Chỉ đạo phải
thật sự công tâm, trong sáng, khách quan, không tư lợi, phải gương
mẫu thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương.
Trong đó, phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết
chống chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch; can thiệp không đúng thẩm quyền,
trái quy định vào công tác cán bộ, vào quy trình giới thiệu cán bộ quy hoạch.
Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo là những cán bộ được chọn lọc
kỹ, có kinh nghiệm công tác, được tin cậy, cần phát huy tinh thần trách
nhiệm, hết lòng hết sức vì công việc, phải công tâm, khách quan, cẩn trọng,
trung thực, giữ nghiêm kỷ luật thông tin, phải rất tinh tường để giúp Ban Chỉ
đạo ngay từ ban đầu, lựa chọn được những "hòn sỏi" đẹp, loại bỏ
những "hòn sỏi" mục ruỗng.
Đồng thời, các cơ quan liên quan phải tăng cường phối hợp,
nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, trong sáng, công tâm, khách quan,
làm đến đâu chắc đến đó.
Theo VGP
|
Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét