Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Người mất 245 tỷ ở Eximbank: ‘Tôi gửi ngân hàng, không gửi cá nhân’

Vụ việc ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM, đã bỏ trốn sau khi ôm 245 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, vẫn chưa ngã ngũ.
Trao đổi với Zing.vn ngày 2/3, bà Chu Thị Bình, khách hàng bị bốc hơi 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm tại Eximbank, cho biết sau khi cân nhắc lời đề nghị thanh toán một tỷ lệ tương ứng 14,8 tỷ đồng của nhà băng, bà đã từ chối.
Theo bà Bình, sau khi làm việc với nhau cả hai bên đều không thể tìm thấy sự đồng thuận trong các điều khoản nên bà quyết định trả lời Eximbank bằng văn bản về việc không nhận khoản tiền 14,8 tỷ đồng tạm ứng mà ngân hàng đề xuất.
Bà Bình đưa ra lý do là khoản tiền đó chưa được ngân hàng giải thích rõ ràng, chỉ nói chung chung là tiền hỗ hỗ trợ bà giải quyết khó khăn.
“Khi tôi cân nhắc chuyện nhận khoản tiền tạm ứng là mong ngân hàng thể hiện trách nhiệm với khoản tiền tôi bị mất. Tuy nhiên khi làm việc thì ngân hàng nói đây là số tiền hỗ trợ trong khi đó khoản bị mất của tôi không được đề cập.
Thậm chí, ngân hàng còn đưa ra điều khoản bảo mật thông tin để giữ uy tín cho ngân hàng, nên tôi không chấp nhận. Tôi đòi tiền của mình một cách minh bạch thì sao phải bảo mật?” - bà Bình nói.

Không ký uỷ quyền cho ai

Trước đó, bà Bình cho hay Cơ quan Cảnh sát Điều tra phía Nam (C44B - Bộ Công An) đã xác định rõ trong vụ việc này, người làm giả giấy tờ lừa đảo ngân hàng là ông Lê Nguyễn Hưng, tổ chức bị thiệt hại là Ngân hàng Eximbank, còn bà Chu Thị Bình là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Quan trọng hơn, việc rút tiền này đã không thể thực hiện được, cho dù có làm giả giấy tờ, nếu các nhân viên của Eximbank làm việc có trách nhiệm, đúng quy trình.
Theo bà Bình, cách đây 6 năm, biết Eximbank là ngân hàng phát triển tốt nên bà gửi tiết kiệm. Bà đã gửi toàn bộ tiền tiết kiệm, tiền được cổ tức vào Eximbank Chi nhánh Hồ Chí Minh nơi ông Hưng làm phó giám đốc chi nhánh đồng thời là người phụ trách khách hàng là cá nhân bà.
Bà Bình cho biết theo lời chính ông Lê Nguyễn Hưng và sau này là nhân viên ngân hàng được cử đến làm việc, bà luôn nằm trong danh sách khách hàng cá nhân gửi tiền nhiều nhất ở Eximbank, là khách VIP. Bà không cần đến, ngân hàng cử nhân viên chăm sóc riêng, phục vụ giao dịch tại nhà.
Hầu hết việc gửi tiền và rút tiền của bà được thực hiện thông qua tài khoản. Nhân viên của Eximbank qua nhà chủ yếu để chuyển các chứng từ cho bà ký. Bà cho biết đại diện từ Eximbank qua giao dịch với bà có khi là ông Hưng, nhưng thường xuyên nhất là một nhân viên tên Kiệt.
"Đây là tiền tích cóp của tôi và thường tôi gửi kỳ hạn 12 tháng. Khi đáo hạn, tôi gửi tiếp vốn nhập lãi, có lúc cần tiền làm ăn hay chi tiêu thì rút lãi ra", bà Bình kể.
Theo lời bà Bình, bà vẫn giao dịch bình thường từ năm 2014-2016 đến khi bà thông báo với ngân hàng sẽ tất toán sổ với số tiền gốc và lãi lên đến 300 tỷ đồng. Sau một thời gian không thể liên lạc với ông Hưng, bà đã hỏi lại Eximbank và được biết trên hệ thống không còn tiền như số dư được xác nhận trước đó. Lúc đó, ngân hàng và cả bà Bình mới biết thẻ tiết kiệm mà bà đã đang giữ bản gốc trong tay đã bị rút tiền mà bà không hề biết.
Nhắc đến các giấy tờ uỷ quyền, bà Bình khẳng định bà không hề biết về các giấy tờ này và cũng không biết những người được ủy quyền ghi trên các giấy ủy quyền đó. Trong suốt quá trình giao dịch, bà cũng không làm giấy uỷ quyền cho người khác rút tiền trên thẻ tiết kiệm của mình.
"Tôi khẳng định không bao giờ ký uỷ quyền cho bất cứ ai rút tiền trên 3 thẻ tiết kiệm của tôi, chỉ ký tất toán và các hồ sơ khi rút tiền, gửi tiền theo hướng dẫn của ngân hàng. Tôi là khách VIP, đến ngày đáo hạn, tôi được nhân viên ngân hàng mang hồ sơ đến hướng dẫn để làm thủ tục rút tiền, tất toán các cuốn sổ tiết kiệm", bà Bình nói.

Ngân hàng tất toán nhưng không thu hồi sổ 

Theo bà Bình, khi rút tiền từ thẻ tiết kiệm hay tất toán, khách hàng phải trình sổ gốc cho nhân viên ngân hàng để ghi nhận giao dịch hay tất toán sổ cũ, mở sổ mới. Với trường hợp giao dịch của bà tại Eximbank, bà đang giữ sổ gốc, và hoàn toàn không ghi nhận việc rút tiền hay bất cứ biến động nào khác.

“Theo chứng từ mà Eximbank cung cấp, việc rút tiền từ sổ của tôi đã thực hiện nhiều lần từ năm 2014-2015. Tuy nhiên, phiếu thông báo số dư tài khoản tiết kiệm mà ngân hàng cấp cho tôi trên giấy tiêu đề, có dấu đỏ của ngân hàng vào năm 2016 vẫn thể hiện tiền của tôi còn đủ cả gốc và lãi", bà Bình nói.
Đối với 2 cá nhân có tên là Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Minh Huân trong giấy ủy quyền, bà Bình nói chỉ biết đến khi làm việc với cơ quan công an. Theo cơ quan chức năng cung cấp, bà Lê là cô ruột của ông Hưng. Bà Lê tuổi cao, không biết việc mình được uỷ quyền để rút tiền và cũng không thực hiện bất cứ giao dịch nào.
Bà Chu Thị Bình cho rằng có khả năng ông Lê Nguyễn Hưng đã làm giả chữ ký của bà khi làm giấy tờ uỷ quyền cho bà Lê và sau đó ông này lại giả chữ ký bà Lê, thậm chí giả tài khoản để rút tiền, chuyển ra khỏi hệ thống ngân hàng. 
"Nếu nhân viên của Eximbank làm đúng thủ tục và quy trình do ngân hàng quy định là phải yêu cầu người ủy quyền và người được ủy quyền có mặt cùng nhau tại ngân hàng để ký ủy quyền hoặc phải có công chứng giấy ủy quyền, phải yêu cầu có sổ gốc khi rút tiền thì Hưng cũng không thể rút được tiền từ thẻ tiết kiệm của tôi", bà Bình khẳng định.
Theo lời bà Bình, quan hệ tín dụng của bà là giữa cá nhân và ngân hàng chứ không phải với cá nhân ông Lê Nguyễn Hưng. 
"Nếu ngân hàng làm đúng quy trình thì làm sao mà Hưng rút được tiền? Trách nhiệm bồi hoàn thuộc về ngân hàng, tại sao tôi phải ra tòa để đòi tiền trong khi sổ gốc tôi vẫn giữ? Ngân hàng cần thể hiện rõ trách nhiệm của mình chứ không thể đẩy sự việc này sang tòa án", bà Bình nói. 
Trong khi đó, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc HĐQT Eximbank, cho biết nhà băng đưa ra phương án tạm ứng 14,8 tỷ đồng cho bà Bình. Đây là khoản tạm ứng trước mắt để chờ quyết định của toà, sau đó tiếp tục xử lý theo các cơ sở pháp lý tiếp theo. 
Đại diện Ngân hàng Nhà nước trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc, cũng nhấn mạnh "trách nhiệm bồi hoàn hợp lý cho khách hàng thuộc về Eximbank. 
"Khi vụ việc được khởi tố thì tôi nghĩ cả ngân hàng và khách hàng cần phải kiên nhẫn chờ đợi quyết định của tòa án", vị này nói. 
Eximbank quy định rút tiền gửi tiết kiệm bằng giấy uỷ quyền ra sao?
Website của Eximbank công bố rất cụ thể về quy trình rút tiết kiệm bằng giấy uỷ quyền.
Trong trường hợp chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm không thể trực tiếp đến ngân hàng thì được ủy quyền cho người khác lĩnh thay.
Người được ủy quyền lĩnh thay thực hiện các thủ tục là xuất trình thẻ tiết kiệm, xuất trình giấy ủy quyền. Giấy ủy quyền được lập tại Eximbank, nếu không được lập tại Eximbank thì phải có xác nhận của công chứng hoặc chính quyền địa phương theo quy định.
Tiếp đó, người được uỷ quyền lĩnh thay phải xuất trình giấy căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hay hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực của người được ủy quyền và ký vào giấy rút tiền. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét