Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Sổ liên lạc điện tử có thật sự cần thiết không

 Cập nhật lúc 10:54

Thực tế, có những việc quan trọng mà phụ huynh cần liên lạc với nhà trường thì sổ liên lạc điện tử lại không thực hiện được.

LTS: Tác giả Vân Thanh, một nhà giáo đang đứng lớp đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết phản ánh những bất cập trong việc sử dụng sổ liên lạc điện tử.
Trong bài viết dưới đây, tác giả sẽ phân tích những điểm hạn chế đó, đồng thời kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp hữu hiệu về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Gần đây nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, việc liên lạc giữa nhà trường với gia đình học sinh có những thay đổi nhất định.
Những năm trước đây, giáo viên chủ nhiệm còn phải viết kết quả học tập hoặc thông báo riêng vào sổ liên lạc đưa cho phụ huynh học sinh thì bây giờ việc này được thay thế bằng sổ liên lạc điện tử.
Vậy tác dụng sổ liên lạc điện tử thế nào? Có ý kiến ủng hộ, có ý kiến phản đối.
Trong bài viết này, tôi xin nêu ra một vài ý kiến về sổ liên lạc điện tử.
 
Sổ liên lạc điện tử một năm chỉ gửi vài tin nhắn đến phụ huynh học sinh (Hình ảnh mang tính minh họa trên Vietnamnet.vn)

Năm nay, con tôi đang học tiểu học. Vừa rồi họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm có nêu ra các khoản thu trong đó có sổ liên lạc điện tử.
Dù có nhiều người phản đối nhưng theo cô giáo khoản thu này vẫn bắt buộc phải nộp. Đó là vì do Phòng Giáo dục quy định.
Tuy nhiên, dù khoản tiền này đến hàng chục nghìn mà từ đầu năm đến nay cũng chỉ mới nhận được tin nhắn:
Em hoàn thành tốt các bài đã học trong tháng”.
Năm ngoái, gia đình tôi có nộp tiền sổ liên lạc điện tử nhưng cũng chỉ nhận được vài tin nhắn.
Là giáo viên trực tiếp giảng dạy, ở địa phương tôi, nhiều trường trên địa bàn đã triển khai sổ liên lạc điện tử trong nhiều năm.
Theo quy định của nhà mạng, nếu phụ huynh sử dụng sim nội mạng (mạng Vinaphone) thì số tiền phải nộp là 65.000 đồng, còn sim ngoại mạng thì số tiền phải nộp là 90.000 đồng, trường hợp mua sim mới thì số tiền cao hơn.
Tuy nhiên, số tin nhắn mà phụ huynh nhận được quá ít. Tính ra số tiền mà một tin nhắn quá cao. Có trường hợp 1 tin nhắn tới vài chục nghìn đồng.
Năm nào, mới triển khai, Ban giám hiệu nhà trường cũng nói về vài trò của sổ liên lạc điện tử như việc quản lí học sinh, tự động thông báo…
Tuy nhiên, mặt hạn chế của nó lại không ai đề cập tới.
Tôi xin đưa ra một số bất cập sau:
Thứ nhất, muốn nhắn tin điểm cho học sinh thì giáo viên phải cập nhập điểm kịp thời.
Nhiều giáo viên chấm bài xong chưa nhập điểm nên việc gửi tin nhắn đến phụ huynh rất muộn.
Điểm tổng kết thì cuối kì họp phụ huynh, các thầy cô giáo đều thông báo trong cuộc họp nên rõ ràng điều này không cần thiết.
Đó là chưa nói bây giờ nhiều trường mắc bệnh thành tích nên điểm kiểm tra cao chót vót làm phụ huynh ảo tưởng.
Thứ hai, hiệu quả của việc sử dụng sổ liên lạc điện tử không tốt.
Nhiều phụ huynh đăng kí sổ liên lạc điện tử nhưng không quản lí được điện thoại của mình nên bị con cái chặn các cuộc liên lạc.
Cá biệt có trường hợp, học sinh còn dùng số này vào máy mình thì rõ ràng sổ liên lạc điện tử là vô tác dụng.
Thứ ba, những việc quan trọng mà phụ huynh cần liên lạc với nhà trường thì sổ liên lạc điện tử lại không thực hiện được.
Chẳng hạn, có vụ việc học sinh đánh nhau, bỏ học vào quán xá, quấy phá trong giờ học cần phải gọi điện ngay cho phụ huynh chứ đâu phải là lại ngồi vào máy tính nhắn tin.
Nhiều giáo viên còn bảo với tiền này, phụ huynh mà nạp thẻ cho thầy cô giáo gọi cho gia đình thì tốt hơn, không những thế giá còn rẻ khá nhiều.
Vì thế nên tôi thấy triển khai sổ liên lạc điện tử thì lợi nhuận mang lại cho các nhà mạng là vô cùng lớn còn việc lợi cho phụ huynh học sinh thì rất hạn chế.
Thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng phần mềm để có thể tự động nhắn tin đến phụ huynh học sinh tránh bị các nhà mạng trục lợi.
(Theo Giáo dục VN) Vân Thanh

Sổ LLĐT thực ra chẳng mất bao nhiêu tiền để nuôi dưỡng. Đây chỉ là cái cớ để nhà trường thu của HS mà thôi. Thời đại CNTT phát triển như vũ bão mà nhiều trường vẫn giữ cái SLLĐT từ cách đây hơn chục năm, quá lạc hậu. Nay chỉ cần lập một trang facebook hoặc blog cho phép nhóm nhất định (là PHHS) vào được để xem và tương tác. Nhà trường (hoặc từng lớp) giáo viên thỉnh thoảng cập nhật thông tin (nhận xét, kết quả) về học tập chẳng đáng bao công sức.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét