BOT - xử lý sao với “buông lỏng quản lý”?
Cập nhật lúc 16:11
Trách nhiệm để “buông lỏng
quản lý” là cụm từ quen thuộc khi cơ quan chức năng thừa nhận sai sót, gây ra
“hậu quả nghiêm trọng”.
Đó là câu trả lời mà chúng ta đã nghe nhiều
trong các vụ Vinashin, vỡ đường ống nước sông Đà, rồi gần đây hơn cả là những
sai phạm trong quá trình thực hiện các dự án BOT.
Thế nhưng có lẽ nhiều người dân băn khoăn thế nào thực sự là
“buông lỏng quản lý”? Với những cơ quan được sinh ra và tồn tại từ tiền thuế
của người dân chỉ để “quản lý”, thì việc “buông lỏng” phải được xử lý như thế
nào? Liệu chỉ thừa nhận “buông lỏng quản lý” có rũ bỏ được hết trách nhiệm
của họ hay không?
Thử xét trường hợp của các dự án BOT và Bộ Giao thông. Phản ứng
lại quan điểm của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Đặng Huy Đông rằng các dự
án BOT được thực hiện một cách "tù mù, không minh bạch" về quy
định, Bộ Giao thông từng nói rằng việc thực hiện BOT đã có cơ sở chính sách
từ 1997, đến nay đã 20 năm, nên không thể nói là thiếu quy định được.
Với phản hồi đó, Bộ Giao thông dường như đã tự làm khó chính
mình. Với một chủ trương đã có từ hơn 20 năm trước, và được thực hiện liên
tục trong thời gian qua với hơn 70 dự án trên cả nước, sẽ rất vô lý nếu Bộ
này viện dẫn lý do “vấn đề còn mới và phức tạp” để dẫn đến “buông lỏng quản
lý” và mong được “thông cảm” với những sai sót liên quan đến BOT.
Như thế, câu chuyện “buông lỏng quản lý” chỉ có thể xuất phát từ
hai lý do.
Thứ nhất, Bộ Giao thông, cụ thể là những người phụ trách và cơ
quan chuyên trách liên quan đến BOT, không đủ năng lực để thay mặt nhà nước
quản lý, giám sát các dự án BOT, để xẩy ra những sai phạm có hệ thống, gây
bức xúc cho người dân.
Thứ hai, có những thành phần thân hữu với các doanh nghiệp trong
cơ quan quản lý, thông đồng với doanh nghiệp để trục lợi, với cái giá phải
trả là gánh nặng chi phí cho người dân, xã hội và sự sụt giảm uy tín cho nhà
nước. Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia, lãnh đạo từ các Bộ,
ngành đều cho rằng BOT là mầm chứa cho tình trạng tham nhũng, thân hữu ở nước
ta.
Ở trong cả hai trường hợp, Bộ Giao thông đều phải chịu trách
nhiệm nặng nề nhất, và cần được xử lý nghiêm khắc, chứ không thể xuề xoà theo
hướng “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Đây cũng chính là tinh thần của Văn bản Số
8978/VPCP-V.I từ Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình, nêu ý kiến về Kết
luận thanh tra một số dự án BT, BOT tại Bộ Giao thông của Thanh tra Chính phủ.
Theo đó Phó thủ tướng đồng ý với Thanh tra Chính phủ rằng Bộ Giao
thông chịu “trách nhiệm toàn diện” về các tồn tại,
bất cập trong các dự án BT, BOT thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, bao gồm nhiều sai phạm liên quan đến quy định về xây dựng, công bố danh mục dự án đầu tư; trách
nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán công trình,
quản lý chất lượng công trình,...
Bộ Giao thông đã có những biện bạch nhất định để chống đỡ
làn sóng phản đối BOT lan rộng trong thời gian qua, và một phần nào đó để
“bào chữa” cho chính mình.
Bộ
cho rằng, các dự án BOT đều có sự tham gia của các bên khác như Bộ Tài chính
và Bộ Kế hoạch – Đầu tư, nên không thể đổ vấy hết trách nhiệm cho mình Bộ Giao thông. Tuy vậy, với việc là
bộ nắm đầu mối BOT, hiểu biết hơn về chuyên môn và cả thông tin so với các cơ
quan khác, Thanh tra Chính phủ có lý khi quy “trách nhiệm toàn diện” cho Bộ
Giao thông.
Trên thực tế, như ở câu chuyện Cai Lậy, Bộ Giao thông đã
phê duyệt việc cải tạo đường cũ và xây đường mới thành cùng một dự án, sau đó
thu phí ở hai nơi. Việc lồng ghép như vậy, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, là
không đúng quy định. Rõ ràng ở những trường hợp như trên, các cơ quan quản lý nhà nước khác
chỉ nắm được thông tin về mặt giấy tờ, sẽ rất khó để kiểm soát được tình hình
diễn ra trên thực địa.
Trong những câu chuyện liên quan đến sai phạm về quản lý nhà
nước, từ vựng tiếng Việt đã được bổ sung thêm rất nhiều uyển ngữ như “buông
lỏng quản lý”, “rút kinh nghiệm sâu sắc”, hay “nghiêm túc tự kiểm điểm”. Đã
đến lúc, những uyển ngữ đó không thể là rào chắn cho những cán bộ, cơ quan
không hoàn thành trách nhiệm được giao.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Trung ương VI mới đây, Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ưu tiên cải cách hệ thống chính trị và bộ máy
nhà nước theo hướng tinh gọn và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Quyết tâm
cải cách, làm trong sạch bộ máy không thể không đi liền việc xử lý nghiêm
những sai phạm trong quản lý nhà nước, như trường hợp “khủng hoảng” BOT trong
thời gian vừa qua.
(Theo VietNamNet)
Khắc Giang
|
Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét